Việt Nam Thời Báo

VNTB – Rác thải ‘pin mặt trời’ là ‘của để dành’ cho Quốc hội khóa XV?

Mai Lan

 

(VNTB) – Lượng phế thải từ các tấm pin này có thể lên đến hàng triệu tấn, nếu không được quản lý, thu gom, tái chế sẽ gây ra những vấn đề cho môi trường.

 

Sao lại trách bên mua?

 

Tác giả Anh Hoàng trong bài viết đăng trên trang Việt Nam Thời Báo đưa ra đề xuất vấn đề xử lý chất thải điện, rác điện tử pin mặt trời, bằng cách gắn việc thu gom, xử lý rác điện tử với các nhà sản xuất thay vì hiện tại là ‘khoán trắng’ cho bên bán điện

Tác giả Anh Hoàng cho rằng sẽ thiếu sòng phẳng khi “EVN chỉ ngồi không mà hưởng lợi khi có nguồn cung điện chất lượng mà không tốn tiền đầu tư, đồng thời có thể phủi bỏ đi trách nhiệm xã hội của mình trong kế hoạch xanh hóa năng lượng tại Việt Nam”.

‘Pin mặt trời’ là cách gọi vắn tắt của pin năng lượng mặt trời, hay pin quang điện (Solar panel/module), bao gồm nhiều tế bào quang điện (solar cell), chủ yếu được chế tạo từ silic dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể), hoặc màng silic mỏng. Sau đó, tế bào quang điện (solar cell) được ghép lại thành một khối để trở thành pin năng lượng mặt trời, thông thường là 60 hoặc 72 tế bào (cell).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đề cập vấn đề trên của tác giả Anh Hoàng, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ngài Koen Duchateau, Tham tán Thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác phát triển – Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, có tham vấn về chính sách với EVN, rằng các nhà sản xuất cần được yêu cầu khi các tấm pin mặt trời lắp đặt cho các hộ dân hết thời hạn sử dụng thì các nhà sản xuất phải thu gom, vận chuyển, xử lý.

Quy định này ràng buộc và tăng trách nhiệm của các nhà sản xuất với vấn đề bảo vệ môi trường, gắn sự tham gia của nhà sản xuất vào cả vòng đời của hệ thống. Đối với các hộ gia đình, cuối vòng đời hệ thống họ không phải tốn chi phí để xử lý.

Tham vấn trên nằm trong chuỗi hoạt động ở gói hỗ trợ đầu tiên của của EU trị giá 108 triệu Euro có tên là Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng – bắt đầu năm 2017 và sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2021.

Gói hỗ trợ này gồm hai hợp phần: hỗ trợ ngân sách 100 triệu Euro và hỗ trợ kỹ thuật 8 triệu Euro nhằm hỗ trợ việc thực hiện Chương trình mục tiêu điện khí hóa nông thôn và hải đảo của Chính phủ cho giai đoạn 2013 – 2020; và tăng cường quản trị của ngành năng lượng nhằm chuyển đổi sang phát triển năng lượng bền vững hơn.

Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật có tên gọi “Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành Năng lượng Việt Nam – EU” cũng được Chính phủ Đức đồng tài trợ, và do GIZ thực hiện.

“Của để dành” cho Quốc hội khóa XV?

Vấn đề ở trên cũng từng được đặt ở nghị trường Diên Hồng.

Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?…”, câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tại nghị trường Quốc hội khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại quốc hội ngày 5-11-2020, một lần nữa cho thấy nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt trời nếu không có phương án xử lý trong khi nguồn năng lượng này đang phát triển ồ ạt. (xem thêm clip phát biểu chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về vấn đề này của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp – từ phút 1:30 trở đi).

Tính tới thời điểm hiện tại, các nước Nigeria, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đang là những nơi tập kết chính của rác thải điện tử.

Có lẽ cần công bằng nói thêm rằng, phải thừa nhận mức giá ưu đãi cho điện mặt trời lên đến 9,35 cent/KWh là một trong những lý do không nhỏ dẫn đến cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này kéo dài hơn 2 năm qua.

Chính bởi vậy, dễ hiểu vì sao mới đây, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đều đặt vấn đề giảm giá mua điện mặt trời cho giai đoạn từ sau ngày 31-12-2020. Tất nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ phía nhà đầu tư, bởi không ai muốn bị giảm lợi ích.

Hiện tại, tin tức cho hay Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã xây dựng xong dự thảo cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái để thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13/2020 đã hết hiệu lực và đang lấy ý kiến để trình Chính phủ.

Theo đó, giá cố định dự kiến giảm chỉ còn 5,2 – 5,8 cent/KWh với từng loại công suất dự án. Điều này nhằm mục đích phát triển đúng hướng nguồn năng lượng này, cụ thể là khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì đổ xô đầu tư để hưởng giá cao gây áp lực lên lưới.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hải Dương có chậm ‘đóng cửa’ khi chống dịch Covid-19?

Phan Thanh Hung

VNTB – Học sinh có thể mượn sách giáo khoa như thời bao cấp

Trương Thế Tử

VNTB – Ngẩn người vì những đề văn cũ… hơn người yêu cũ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo