VNTB – Rồi ai sẽ đền bù những thiệt hại về kinh tế?

VNTB – Rồi ai sẽ đền bù những thiệt hại về kinh tế?

Vương Quan

 

(VNTB) – Thái quá thì bất cập…

 

‘Bùng’ lên ở Bình Dương, dần lan sang Đồng Nai và giờ là thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tổ cảnh sát giao thông (CSGT) đang tích cực ra quân để phạt nồng độ cồn với những tài xế điều khiển phương tiện giao thông trên đường phố.

Theo đó, ban đầu, là những chốt chặn kiểm tra (chợt nhớ đến cái thời “ngăn sông cấm chợ” của dịch Covid-19 dưới sự chỉ đạo của cựu phó thủ tướng Vũ Đức Đam) vào ban đêm. Có vẻ có phần hiệu quả, các cảnh sát giao thông tích cực mở luôn chốt kiểm tra vào ban ngày. Nhiều cụm (gồm CSGT của Phòng + Đội CSGT quận) sẽ lập chốt cả ngày, lẫn đêm để xử lý nghiêm với các trường hợp về cồn.

Vi phạm pháp luật, bị phạt, là điều rất hiển nhiên, không có gì để bàn cãi, nhất là ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân, gia đình của người vi phạm mà còn đến cả những người khác.

Nhưng cũng phát sinh một số tình huống bất cập, xảy ra khi có những trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiện thị thông số nồng độ cồn. Ví dụ như các trường hợp có thể ngậm cồn y tế hoặc thuốc giảm đau điều trị đau răng. Chúng ta biết cơ chế lên men do ăn trái cây, cũng có thể lên men cồn, khiến cho những người này khi bị đo nồng độ cồn cảm thấy bức xúc, không phục với kết quả đo nhưng cũng không biết làm thế nào chứng minh mình không uống rượu, bia.

Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác. Việc sử dụng thuốc hay đồ uống, thức ăn chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi xét nghiệm máu.

“Mình không làm thì mình không sợ, chuyện đó là chuyện đương nhiên. Chi phí xét nghiệm máu, có khi cũng không cần mấy ông cán bộ trả luôn. Nhưng, để chờ kết quả xét nghiệm, tối thiểu lên tới 1 tiếng đồng hồ. Mình có thể chờ được nhưng công việc không thể chờ được. Khách hàng đi xe không thể chờ đợi. Rồi còn mấy chương trình, mấy hội thảo của mấy ông Nhà nước làm, có chịu dừng lại chờ vì lý do khách tham dự đang chờ xét nghiệm máu test nồng độ cồn?

Mấy anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ nhưng đó cũng là cái nghề. Tụi tui cũng có nghề cũng tụi tui vậy, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền lo cho gia đình, rồi còn đóng thuế nữa. Việc mấy anh làm ảnh hưởng đến công việc của người dân, ai là người chịu trách nhiệm? “Sở hụi” hôm đó ai đền bù? Và nếu như vì thời gian chờ xét nghiệm đó, bỏ lỡ yêu cầu của cấp trên đưa ra, dẫn đến bị cho thôi việc hay bị một đánh dấu, kêu ai để mà thấu?”, một người dân ngao ngán lắc đầu.

Chợt nhớ lại câu chuyện hồi ấy, cảnh sát giao thông cũng tuyên bố ra quân phạt nồng độ cồn, rồi cũng ồn ào cái câu chuyện không uống bia, vẫn lên nồng độ cồn. Người bình dân lên tiếng, trí thức lên tiếng, rồi mọi chuyện cũng “bỏ qua” tất cả. Tai nạn giao thông vẫn lên đều đều. Giờ đây, lại lặp lại cái câu chuyện mang tên “thổi nồng độ cồn”.

Thiết nghĩ, cho dù có chiếm tỷ lệ cao đi chăng nữa, thì tai nạn giao thông do rượu bia cũng chỉ là một phần trong vô vàn những lý do khác. Vậy thì việc dồn quá nhiều lực lượng cho vấn đề kiểm tra nồng độ cồn liệu chăng có hợp lý, trong khi ngoài kia còn đầy ra đó những cảnh kẹt xe?

Kinh tế gia đình vốn dĩ đã khó khăn, giờ đây, nếu lỡ như bị bắt phạt nhầm, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, đến “chén cơm” của gia đình người dân, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Là tổ cảnh sát giao thông đang phạt? Là đồng chí cảnh sát giao thông cùng đi xét nghiệm máu với người dân?

Hoặc chăng, người dân tự chịu trách nhiệm đi, có đói cũng ráng chịu, con cái không có tiền đóng học phí cũng tự mà đi mượn, hoặc thậm chí nhà có người mất cũng tự liên hệ xin hòm từ thiện, bởi đây là hành động chính đáng, là cái chung? Hay là một câu trả lời bỏ lửng?

…Món xôi vò cơm rượu rất đỗi quen thuộc, giờ đây chắc người ta cũng ngại cho lựa chọn điểm tâm, vì món này xong mà ‘thổi ống’ là dính chắc luôn…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)