Lê Trang (VNTB) Trong bài viết mới nhất phản ánh tình hình nhân quyền Việt Nam, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) “bị sốc” khi nhà hoạt động nhân quyền – Luật sư Nguyễn Văn Đài bị đánh đập bởi công an mặc thường phục tại tỉnh Nghệ An vào ngày 6/12, sau buổi tranh luận nhân quyền tại Việt Nam và Hiến pháp 2013.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị hành hung sau “Thảo luận nhân quyền” |
Bài viết trích dẫn lời ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách Ban Á Châu -Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho biết: “Chúng tôi đang kinh hoàng trước vụ tấn công tàn bạo này nhắm mục tiêu Nguyễn Văn Đài”.
“Một chính quyền côn đồ,” ông Benjamin Ismail nhấn mạnh.
Đồng thời, người phụ trách Ban Á Châu -Thái Bình Dương (RSF) cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế gây sức ép lên chính quyền để “ngăn chặn các các hành vi mafia như vậy.”
Trước đó, vào ngày Chủ nhật (6/12), ông Nguyễn Văn Đài có tham dự một cuộc trao đổi, thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và Hiến pháp 2013 tại nhà cựu tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Khi đi taxi về Hà Nội thì có 2 xe không biển số chặn xe và hành hung ông cùng 3 người khác là Trần Quang Trung, Vũ Văn Minh và một người bạn của Minh tên Thắng.
Tư trang bị cướp lấy, và nhóm người hành hung bỏ ông xuống Cửa Lò.
Trao đổi với RFA vào sáng ngày 7/12, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho hay, sau khi bị tấn công và mất hết tư trang, ông liên lạc được với người quen ở Vinh và được đưa ngược trở về Vinh. Nhưng sau đó đã bị “an ninh phát hiện và tiếp tục bị truy sát”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho giới truyền thông biết những người hành hung là những nhân viên an ninh của tỉnh Nghệ An.
Cũng theo nội dung trao đổi với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên ông bị tấn công bằng bạo lực. Và dù “nhiều lần ông trình báo nhưng các cấp chính quyền vẫn không giải quyết hoặc tìm ra được hung thủ, nên sự việc lần này đối với ông cũng không cần thiết phải trình báo.”
“Chúng ta phải cho mọi người biết rằng họ có các quyền cơ bản và họ nên sử dụng nó,” Luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ với RSF.
Đối với những trấn áp từ phía an ninh, nó sẽ không khiến ông dừng các hoạt động nhân quyền của mình lại, đồng thời vị luật sư – nhà hoạt động nhân quyền này kêu gọi các tổ chức NGO quốc tế và chính phủ các nước dân chủ “làm mọi thứ để ngăn chặn bạo lực chống lại các nhà hoạt động nhân quyền các thông tin viên độc lập”.
Đối với những trấn áp từ phía an ninh, nó sẽ không khiến ông dừng các hoạt động nhân quyền của mình lại, đồng thời vị luật sư – nhà hoạt động nhân quyền này kêu gọi các tổ chức NGO quốc tế và chính phủ các nước dân chủ “làm mọi thứ để ngăn chặn bạo lực chống lại các nhà hoạt động nhân quyền các thông tin viên độc lập”.
Năm 2015, RSF xếp Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia về Tự do báo chí.