VNTB – Rừng Đắk Đoa tiếp tục bị phá, kiểm lâm ở đâu?

VNTB – Rừng Đắk Đoa tiếp tục bị phá, kiểm lâm ở đâu?

Minh Triều

 

(VNTB) – Nạn phá rừng ở Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ dừng lại cho tới khi không còn rừng…

 

Lại một lần nữa rừng phòng hộ Đắk Đoa bị tàn phá theo như thông báo mới nhất của ông Nguyễn Văn Sơn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa (Gia Lai). Ngày 8/4, ông Sơn cho biết nhiều vị trí rừng bị phá ở huyện Đăk Đoa; trong đó, có 3 vị trí rừng bị chặt phá trái pháp luật.

Tại lô 88b, 88d, khoảnh 3, tiểu khu 401 thuộc lâm phần do Cộng đồng làng Kon PơDam và UBND xã Hà Đông quản lý có 2.700m2 rừng tự nhiên bị phá hoàn toàn. Vị trí thứ 2 thuộc lô 14, khoảnh 8, tiểu khu 399, lâm phần do UBND xã Hà Đông quản lý bị chặt phá 3.300m2. Vị trí 3 tại tại lô 100, khoảnh 3, tiểu khu 401 thuộc địa giới hành chính xã Hà Đông, có 6.800m2 bị chặt phá trái pháp luật. Diện tích này là đất đã giao cho Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên quản lý. (1)

Rừng thông Đắk Đoa được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai ở phía Bắc Tây Nguyên. Với cả một rừng thông cổ thụ có dáng bonsai độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay khu rừng đã bị tàn phá nghiêm trọng mỗi ngày, hàng ngàn mét vuông của rừng Đắk Đoa biến mất do các hoạt động phá rừng trái phép. Theo ban quản lý rừng thì ở đợt chặt phá này là do người dân muốn phá rừng làm rẫy, nhưng không xác định được đối tượng cụ thể.

Tuy nhiên, lý do này không thể chấp nhận được. Nếu người dân phá rừng làm rẫy thì phải làm trong khoảng thời gian dài mà kiểm lâm không thể không biết được. Nếu không xác định được đối tượng thì chỉ cần kiểm tra xem ai đang làm rẫy ở khu vực đó là sẽ tìm ra. Còn nếu thật sự không thể biết được gì thì cơ quan này không đủ khả năng làm việc. Được lập ra để quản lý rừng mà vì sao mất rừng, ai làm mất cũng không biết thì cơ quan này cần phải bị đóng cửa để tránh lãng phí tiền thuế của dân.

Việc phá rừng ở Đăk Đoa đã liên tục xảy ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có sự can thiệp nào từ phía Ban quản lý rừng. Ngược lại, ban quản lý rừng này lại có dấu hiệu tiếp tay, bao che, làm ngơ cho việc phá rừng này. Thậm chí, đơn vị này còn trục lợi trên danh nghĩa trồng và bảo vệ rừng.

Năm 2018, báo chí Nhà nước đã đưa tin về việc “Ban quản lý rừng Đăk Đoa có dấu hiệu trục lợi gần 5,4 tỷ đồng”. Điển hình là việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa làm các hợp đồng thuê, khoán chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng giai đoạn năm 2013-2016. Mặc dù những sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa rất nghiêm trọng nhưng không được chuyển sang cơ quan điều tra. (2)

Như vậy, rất cần phải làm rõ xem cơ quan kiểm lâm có tiếp tay cho lâm tặc để phá rừng trái phép hay không hoặc làm rõ xem ai đứng phía sau bảo kê cho việc phá rừng này. Đây là vấn đề vô cùng cấp thiết vì câu chuyện phá rừng Đắk Đoa này đã diễn ra suốt nhiều năm qua, nếu không nhanh tay xử lý kịp thời thì chắc chắn khu rừng này sẽ chỉ còn trong ký ức của người dân.

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng một diện tích lớn của rừng phòng hộ Đắk Đoa từng bị quy hoạch để làm dự án sân golf do tập đoàn FLC đầu tư. Không chỉ xây sân golf mà FLC cũng sẽ phân lô bán nền để thu về lợi nhuận cho tập đoàn.

Nguyên PTT Trịnh Đình Dũng và Trịnh Văn Quyết –  Chủ dự án Sân Golf FLC Đắk Đoa Tây Nguyên tại Gia Lai 

Dự án này đã gặp phải nhiều sự phản đối quyết liệt từ người dân và các chuyên gia vì sẽ phá đi mất khoảng 174ha đất rừng, trong đó gần 156ha rừng trồng thông từ năm 1976. Năm 2022, có thông tin dự án sân golf đã “di thực” khoảng 2.100 cây thông, khiến số cây này bị chết khô sau đó.

Hiện nay lãnh đạo của tập đoàn này đã bị bắt giam vì liên quan tới nhiều sai phạm. Vì vậy dự án sân golf có thể tạm ngừng để chờ đổi chủ mới. Và chủ mới cũng sẽ không dừng việc phá rừng để tiếp tục phân lô bán nền. Câu chuyện phá rừng ở Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ dừng lại cho tới khi không còn rừng…

_____________

Tham khảo:

(1) https://m.baophapluat.vn/phat-hien-nhieu-vi-tri-rung-bi-pha-o-huyen-dak-doa-post509003.html 

(2) https://truyenhinhthanhhoa.vn/dieu-tra-dau-hieu-truc-loi-hon-5-ty-dong-o-bql-rung-dak-doa-1808171381.htm

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)