VNTB – Đủ loại mánh khóe phá hoại kinh tế Việt

VNTB – Đủ loại mánh khóe phá hoại kinh tế Việt

Minh Triều

 

(VNTB) – Bài học từ các thương lái Trung Quốc vẫn còn nhan nhản ở đó!

 

Những ngày qua, truyền thông trong nước liên tục đưa tin về việc thương lái lùng sục thu mua xác ve sầu ở Tây Nguyên với giá tiền triệu, đắt nhất là khoảng 2 triệu đồng một kg. Cuối tháng 4, nhiều người dân huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) vào vườn cà phê, cao su tìm xác ve sầu bán cho thương lái trong vùng. Thời điểm này, xác ve xuất hiện nhiều trên các thân cây, mỗi ngày họ lấy được khoảng 0,7-1 kg.

Bà Đặng Hà, thương lái thu gom ở địa bàn huyện Ngọc Hồi, cho biết xác ve có hai dạng: loại xác mỏng màu đỏ tươi và xác dày hơn màu tối sẫm. Giá xác ve dao động từ 800.000 đồng đến một triệu đồng mỗi kg, tuỳ loại. Người phụ nữ này bắt đầu thu mua xác ve sầu từ hồi tháng 2, rồi bán lại cho thương nhân nước ngoài. “Năm nào người Trung Quốc cũng mua xác ve sầu, nhưng năm nay giá cao hơn”, bà Hà nói và cho biết để có đủ hàng, các thương lái ở Kon Tum thậm chí đến tận nơi để thu mua, không giới hạn số lượng.(1)

Thương lái Trung Quốc hết thu mua giun đất sấy khô, tới thu mua xác ve sầu. Người bán chỉ biết bán chứ không biết họ mua để làm gì. Bài học từ các thương nhân Trung Quốc mua lá, mua đỉa, mua cau non, đuôi trâu,… còn đó nên người dân phải cẩn trọng. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, thương lái Trung Quốc từng thu mua rất nhiều thứ được cho là lạ kỳ, tạo ra những cơn sốt ảo, gây rối loạn thị trường Việt Nam.

Đây là một vòng luẩn quẩn. Thương lái thu gom mạnh rồi dần dần đẩy mức giá tăng lên. Đến khi mặt hàng bị thu gom khan hiếm, bằng một cách nào đó họ sẽ tung ra bán lại qua các ngả để bà con tưởng là còn có thể đi gom để lại tiếp tục bán cho thương lái với giá cao. Khi ôm hàng vào chưa kịp bán cho thương lái, thì mới biết hàng sụt giá, do thương lái không còn ăn hàng.  Người dân ôm trọn  hàng ế khi thu gom ở giá cao. Trong khi đó thương lái đã tẩu tán hết được hết hàng với giá cao, gom hết tiền rồi bỏ đi.

Năm 2004, phong trào “giết trâu lấy móng” để bán cho thương lái Trung Quốc đã diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Lúc bấy giờ giá của bốn cái móng có khi bằng cả con trâu, nên một số người không ngần ngại giết trâu, chặt móng để đem đi bán. Về sau, những năm 2012, “cơn sốt” giết trâu, bò để chặt đuôi, bán cho thương lái Trung Quốc lại diễn ra một lần nữa, khiến nông dân Việt lao đao do mất đi sức kéo, thiệt hại tài sản.

Hay như vào giữa năm 2013, thương lái Trung Quốc đổ về Phú Yên hỏi mua ngọn, thân cây sắn với giá mỗi bó cây sắn (20 cây) là 6.000 đồng. Điều này gây nhiều bất ngờ vì dân chỉ trồng sắn để lấy củ, còn thân ngọn gần như chỉ bỏ đi. Vì thế mà không ít người dân đổ xô đi chặt sắn để bán mà không còn cần thu hoạch củ nữa.

Năm 2017, tại nhiều xã thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An), nhiều người dân đã bỏ nghề, quay qua đi bắt đỉa mang về phơi khô rồi bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao từ 400.000 – 600.000 đồng/kg. Sau một thời gian đẩy giá lên rất cao, khiến cho bà con nông dân bỏ cả việc đồng áng, người người, nhà nhà đi thu gom đỉa để làm giàu thì thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua và biến mất.(2)

Mặc dù nhiều lần được cảnh báo nhưng hầu hết người dân đều bỏ qua vì ham lợi nhuận hấp dẫn trước mắt. Chính vì thế, tình trạng “sập bẫy” thương lái Trung Quốc đã tái diễn nhiều lần và đến giờ vẫn chưa thể chấm dứt, gây hậu quả rất nặng nề cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Bài học bao lần lặp đi lập lại nhưng người Việt vẫn không sáng mắt ra vì không nghĩ mình sẽ là nạn nhân bị sập bẫy.

Nhưng đổ lỗi người dân hám lợi trước mắt để bị lừa thì không hoàn toàn đúng trong khi các cơ quan chức năng vẫn thờ ơ với những mánh khóe phá hoại của thương lái Trung Quốc. Điều này, chứng tỏ sự yếu kém trong công tác quản lý hiện nay của cơ quan chức năng. Khi chưa có luật cụ thể để xử lý, các cơ quan liên quan cần phải có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn ngay việc khai thác và đề ra phương pháp xử lý nhanh chóng.

 

Hiện tại, để đợi nhà cầm quyền ra được biện pháp xử lý thì nhiều nơi có thể đã bị tàn phá về kinh tế, môi trường sống,… Nếu để hiện tượng thao túng thị trường, phá hoại nền kinh tế, môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái,… xảy ra thì cán bộ ở nơi đó phải chịu trách nhiệm. Là cán bộ phải nhạy bén với những thông tin, phải đề ra các biện pháp tức thì, đó mới là những người có tâm và có tài.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/thuong-lai-thu-mua-xac-ve-sau-tien-trieu-mot-kg-4738501.html

(2) https://vtcnews.vn/truoc-giun-dat-thuong-lai-trung-quoc-thu-gom-ky-la-tao-con-sot-ao-o-viet-nam-the-nao-ar811536.html

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)