VNTB – Giá vé máy bay tăng cao là tuân thủ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải

VNTB – Giá vé máy bay tăng cao là tuân thủ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải

Thới Bình

 

(VNTB) – Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư quy định về trần giá vé máy bay, rồi cũng chính Bộ này yêu cầu thanh tra vì sao giá vé tăng…

 

Khung giá là theo quy định của Bộ Giao thông vận tải

Ngày 3-5-20219, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về “quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa”.  

Đến ngày 30-11-2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 34/2023/TT-BGTVT về “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03-5-2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa”.

“Hàng không không phải như xe khách, xe đò, muốn tăng giá bao nhiêu thì tăng. Không một hãng nào dám bán vé vượt giá trần, thậm chí còn chưa chạm trần. Việc bán vé cũng công khai, minh bạch trên các trang web. Người dân có thể giám sát hãng có bán vé vượt giá trần hay không và hoàn toàn không có chuyện mua vé xong lại phải trả thêm phí hoặc mua vé chợ đen như một số loại hình vận tải khác”, đại diện một hãng hàng không khẳng định như vậy.

Theo lý giải trên, cấu thành giá vé máy bay mà hành khách phải trả hiện nay bao gồm giá vé của các hãng và các giá, phí thu hộ do Nhà nước quyết định tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT. Phần này các hãng chỉ thu hộ rồi trả về cho Nhà nước, ước tính có trên 20 loại, cả trực tiếp và gián tiếp. Ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ, cất cánh máy bay; phí đậu máy bay (parking charges); giá thuê quầy check-in, mặt bằng, kho bãi… tại các cảng hàng không sân bay cũng chiếm tới khoảng 65 – 80% tổng chi phí. Phần định phí chiếm khoảng 20 – 35% và tùy theo mỗi hãng.

Giác độ khách hàng thì cho rằng có một loại phí mà ai cũng nhìn thấy nó cao ngất ngưởng, đó là “phí quản lý hệ thống hãng bay” từ 300 đến 400 ngàn đồng/ vé. Mua vé giá rẻ có 200 ngàn đồng, mà phí quản lý hệ thống hết 400 ngàn và cộng thêm các loại thuế phí khác thành lên gần 800 ngàn đồng.

Đó là một trong số nguyên nhân được lý giải vì sao mấy năm qua các hãng hàng không cứ than phiền phải gồng lỗ, còn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn lãi đậm ngàn tỷ.

 

Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ Giao thông vận tải

Trong một diễn biến liên quan, phía Bộ Tài chính cho rằng căn cứ tại khoản 2 điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và khoản 3 điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21-11-2014 quy định: Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. 

Các hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do chính Bộ Giao thông vận tải quy định, và họ thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải nên nay không thể ‘đổ thừa’ chuyện giá vé tăng là do các hãng hàng không.

Theo Thông tư 34/2023 (có hiệu lực từ ngày 1-3-2024) của Bộ Giao thông vận tải, các đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé với đường bay phát triển kinh tế – xã hội, và 1,7 triệu đồng/vé với các đường bay khác. Các đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần 2,25 triệu đồng/vé (giá cũ 2,2 triệu đồng/vé); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa 2,89 triệu đồng/vé (giá cũ 2,79 triệu đồng/vé). Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé (giá cũ 3,2 triệu đồng/vé) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên 4 triệu đồng/vé (giá cũ 3,75 triệu đồng/ vé).

Báo cáo số liệu tổng khai thác giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ghi nhận, lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất mùa cao điểm Tết Nguyên đán giảm khá mạnh ở mức 11,15%, thậm chí giảm mạnh hơn cả mùa tết 2020. Thực tế này đã được dự báo trước đó, khi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người lao động giảm, thì giá vé máy bay tết năm nay tăng rất cao và nhiều chặng khan hiếm vé.

Ngày 17-3-2024, giá vé máy bay hạng phổ thông chặng Hà Nội – TP .Hồ Chí Minh từ 3-3,5 triệu đồng/vé. Những ngày tiếp theo từ 18 đến 22-3, giá vé khứ hồi của VietnamAirline chặng bay Hà Nội – TP.HCM hạng phổ thông 5 triệu đồng/cặp, đối với hạng thương gia có mức giá từ 10-12 triệu đồng/cặp.

Vé khứ hồi hạng phổ thông chặng Hà Nội-TP.HCM của Vietjet Air giá 3,3 triệu đồng/cặp, của Bamboo Airway giá 3,4 triệu đồng/cặp. Cùng đó, nếu đổi ngày, giờ bay, hành khách phải bỏ thêm từ 1-1,5 triệu đồng. Các chặng Hà Nộ i- Phú Quốc giá vé khứ hồi hạng phổ thông tiết kiệm của Vietjet Air từ 3,5 triệu đồng; cùng thời điểm, cùng chặng bay, giá vé khứ hồi Vietnam Airlines từ 7,2 triệu đồng.

Cùng thời gian này, chặng Vinh – TP.HCM giá vé khứ hồi của Vietnam Airlines từ 4,2 triệu đồng/cặp; của Vietjet Air giá 3,2 triệu đồng/cặp. Các đại lý bán vé máy bay cho biết, mức giá trên cao hơn từ 40-70% so với cùng kỳ năm 2023.

Dịp 30-4 và 1-5, chặng TP.HCM – Nha Trang, Đà Nẵng có giá 4,5 – 6 triệu đồng/chặng khứ hồi. Trong khi ngày thường bay chặng nay chỉ tốn khoảng 2,3 triệu đồng. Khách bay từ Hà Nội – Phú Quốc dịp lễ đang được hãng bay neo giá 7 – 12 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi ngày thường dao động 2,9 – 4 triệu đồng.

Số lượng máy bay giảm cũng là một ghi nhận thực tế. Đến nay đã có 22 máy bay được tháo động cơ theo diện triệu hồi của nhà sản xuất để sửa chữa. Ngoại trừ Vietnam Airlines và Vietjet, số lượng máy bay của ba hãng là Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Pacific Airlines giảm từ 30 chiếc xuống còn sáu chiếc, trong đó Pacific Airlines không còn máy bay.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)