Hoài Nguyễn
(VNTB) – Xem ra chính quyền TP. HCM đã ‘cầm đèn chạy trước ô tô’
Nếu căn cứ cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật, thì “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” – trích Điều 1, Luật tổ chức Quốc hội.
Luật tổ chức Chính phủ, nói rằng, “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.
“Bộ Chính trị” không nằm trong sự điều chỉnh ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào; thậm chí cho đến nay một định nghĩa cụ thể về địa vị pháp lý của “Bộ Chính trị”, vẫn chưa thể tìm thấy.
Ở phần “Hệ thống chính trị” trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, cũng chỉ nêu một cách chung chung về Điều 4, Hiến pháp; và sau đó là danh sách 18 vị trong “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII”.
Thế nhưng thực tế thì Bộ Chính trị có quyền lực bao trùm lên tất cả, từ quản lý hành chính cho đến quân sự.
“Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; lưu ý phải nhanh chóng, đúng đối tượng, tuyệt đối tránh sai sót”.
Nội dung trên được các tờ báo đưa tin khi tường thuật về phiên họp vào chiều ngày 25-6 của Bộ Chính trị cho ý kiến về một số chính sách người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
“Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11-6-2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội” – trích tường thuật báo chí.
Như vậy, khi so lại mốc thời gian của những nội dung họp hành, xem ra chính quyền TP.HCM đã ‘cầm đèn chạy trước ô tô’, và có cả kế hoạch chi tiết từng mức hỗ trợ cũng như nguồn ngân quỹ xuất chi.
Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất ngày 25-6, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua nghị quyết về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng.
Theo nghị quyết này, người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội; người lao động cư trú hợp pháp không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng).
Ngoài ra, người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; làm công việc thuộc các lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động cũng được hỗ trợ.
Nghị quyết cũng đã đưa ra mức hỗ trợ cho 5 nhóm khác. Bao gồm người đang bị cách ly y tế và người tham gia công tác phòng chống dịch; lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh phải dừng hoạt động để thực hiện chỉ thị 16 và thương nhân tại các chợ truyền thống.
Chính quyền TP.HCM không cần thỉnh thị ý kiến của Bộ Chính trị trong vấn đề an sinh, liệu có được xem là ‘qua mặt bề trên’?