VNTB – Quỹ Covid khi nào hết nhàn rỗi?

VNTB – Quỹ Covid khi nào hết nhàn rỗi?

Phú Nhuận

(VNTB) – Người ta dễ ngộ nhận rằng quỹ covid khi đủ ngoài 25 ngàn tỷ là Chính phủ sẽ mua vắc xin về chích cho dân chúng

 

Về cơ bản, vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm có thời gian tạm thời nhàn rỗi nhất định. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư sinh lời.

Người ta gọi đó là “vốn nhàn rỗi”.

Hôm 2-9-2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.

“Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam” được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg, ngày 26-5-2021 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành.

“Quỹ sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19” – trích Điều 16, Quyết định số 779/QĐ-TTg.

Theo Thông tư số 41/2021/TT-BTC, định kỳ trước ngày 25 tháng cuối quý, căn cứ báo cáo của Bộ Y tế về kế hoạch chi của quý kế tiếp, Ban Quản lý xây dựng phương án gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại để triển khai thực hiện. Trường hợp Bộ Y tế chưa báo cáo về kế hoạch chi, Quỹ tạm dừng việc gửi mới tiền gửi có kỳ hạn để đảm bảo an toàn thanh khoản.

Quỹ gửi tiền tại các ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước lựa chọn để gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Kỳ hạn gửi tiền bao gồm 01 tháng, 02 tháng và 03 tháng. Căn cứ kế hoạch chi từ Quỹ của Bộ Y tế, khả năng nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ và tình hình thị trường, Ban Quản lý chủ động điều chỉnh khối lượng gửi theo các kỳ hạn cho phù hợp.

Các khoản tiền gửi có kỳ hạn của Quỹ tại ngân hàng thương mại được duy trì đến khi đáo hạn, trừ trường hợp cần thiết phải thu hồi trước hạn để thực hiện nhiệm vụ chi của Quỹ theo quy định.

Tại phiên họp toàn thể Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ngày 24-6-2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn tiền để dành mua vắc xin hiện đã có khoảng 22.000 tỷ đồng, tức gần đủ để tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 cho 75 triệu dân.

Chi tiết hơn, theo Bộ trưởng Phớc, Thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí vào dự toán ngân sách để tiêm vắc xin khoảng 14.000 tỷ đồng, cùng với Quỹ vắc xin hiện nay 8.000 tỷ đồng, gần đủ tiêm cho 75 triệu dân, mỗi người hai mũi.

Ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc tiêm chủng vắc xin cho toàn dân là quyết sách của Bộ Chính trị và Chính phủ đang triển khai quyết liệt.

Với tin tức như trên, trường hợp người dân chưa đọc qua nội dung ở Quyết định số 779/QĐ-TTg, ngày 26-5-2021 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, dễ ngộ nhận rằng quỹ này khi đủ ngoài 25 ngàn tỷ là Chính phủ sẽ mua vắc xin về chích cho dân chúng theo “quyết sách của Bộ Chính trị”.

Củng cố cho cách hiểu trên, còn lạ các mẫu tin nhắn quen thuộc mà người dân vẫn tiếp tục nhận mỗi ngày ở điện thoại di động cá nhân của mình, với phía gửi ghi là “Cổng 1400”, nội dung: “[TB] Để đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ, hãy soạn: Covid Nk gửi đến 1408. Trong đó k là viết tắt của “nghìn đồng”, N là số nghìn đồng muốn đóng góp trong khoảng từ 1 đến 2000. Ví dụ:

– Muốn đóng góp 1.000 đồng thì nhắn: Covid 1k

– Muốn đóng góp 20.000 đồng thì nhắn: Covid 20k

– Muốn đóng góp 100.000 đồng thì nhắn: Covid 100k

– Muốn đóng góp với mức nhiều nhất là 2.000.000 đồng/1 lần nhắn tin, thì nhắn: Covid 2000k”.

Trên thực tế thì không như cách hiểu là lúc quyên góp đủ 25 ngàn tỷ cho chuyện mua vắc xin sẽ ‘đóng quỹ’, mà con số tiền cần thiết của quỹ này là… không giới hạn, và cũng không cụ thể cả thời hạn bắt buộc cho yêu cầu xuất quỹ để mua vắc xin.

Như vậy, một khi gọi là “ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi” để dùng số tiền có ở “Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam” mang gửi ngân hàng thương mại để lấy lời; và song song đó vẫn tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của dân chúng vào quỹ này, cho thấy dường như ở Việt Nam không cần đến nguồn tài chính gọi là “nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước”, nêu tại Điều 16, Quyết định số 779/QĐ-TTg.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)