Hà Nguyên
(VNTB) – Trung tuần tháng 7 này, đôi lứa ở Sài Gòn lại được quyền hò hẹn nhau trên phố…?!
Chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản khẩn, ban hành kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM từ ngày 29-6 đến ngày 10-7-2021. Theo đó, đợt cao điểm này sẽ thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian 1 tuần.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có một điều ngày càng trở nên rõ ràng, đó là với tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam cũng như thế giới, ý tưởng “đóng kín” đất nước hay thành phố để miễn nhiễm với dịch là không còn phù hợp nữa.
Mặc dù “cách ly với nguồn lây bệnh” là chủ trương ban đầu và nhất quán của Việt Nam và qua đó giúp tránh được số ca nhiễm cũng như tử vong cao, nhưng thực tế hiện nay cho thấy một đất nước không thể che chắn hết mọi lỗ hổng. Do đó, một kế sách lâu dài được coi là hướng đi phù hợp.
Không ít ý kiến công khai đánh giá chủ trương duy ý chí ở thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông luôn hô hào cổ súy việc vừa chống dịch quyết liệt theo kiểu thời chiến, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Không ít chuyên gia cho rằng cái cần thay đổi trước tiên là tư duy của chính quyền và người dân, rằng Covid-19 sẽ còn kéo dài và không thể hoàn toàn tách ra khỏi cuộc sống, hay như người Việt thường nói cần phải có biện pháp để “sống chung với lũ” chứ không phải “với giặc”, lâu dài.
Người đứng đầu TP.HCM nói rằng áp dụng phương châm ‘3 không’ trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19 gồm: không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.
Cụ thể các đầu việc phải làm như sau cho cái hẹn Sài Gòn, 10 ngày nữa:
Thứ nhất là tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; Thứ hai là tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm;
Thứ ba là tăng cường kiểm tra, giám sát với các nhóm có nguy cơ cao. TP.HCM thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát phòng chống dịch Covid-19 và 100 đoàn kiểm tra hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và các doanh nghiệp có nhiều lao động.
TP.HCM cũng yêu cầu khẩn trương hướng dẫn 22 doanh nghiệp với 25.000 lao động tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất theo đề xuất của Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp;
Thứ tư là rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung, đáp ứng nhu cầu khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh.
TP.HCM không tiếp tục sử dụng trường học làm nơi cách ly tập trung, vận động khách sạn đủ điều kiện tổ chức cách ly F1 có nhu cầu trả phí, thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ năm là tăng cường năng lực điều trị, chủ động các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống có 10.000 ca nhiễm.
Rà soát, thống kê lượng ô xy dự trữ, trang thiết bị y tế và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị Covid-19.
Thứ sáu là thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. TP.HCM khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất để đẩy nhanh tiến độ mua, nhập khẩu vaccine, chậm nhất trong cuối quý III/2021 phải tiếp nhận lô vaccine đầu tiên. TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2021, tỷ lệ 2/3 người dân được tiêm vaccine.
Thứ bảy là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, thành phố yêu cầu mở rộng hệ thống camera giám sát lắp đặt tại 46 khu cách ly tập trung và một số điểm tiêm chủng; cập nhật thường xuyên bản đồ Covid-19…
Thứ tám là tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cương quyết đóng cửa tạm thời đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống không đảm bảo an toàn theo các quy định.
Cuối cùng là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân đồng thuận, chia sẻ cùng những khó khăn của thành phố.