Dân Trần
(VNTB) – Những ngày này Sài Gòn nắng cháy da, thêm cái nóng hắt lên từ mặt đường nhựa… chợt nhớ hàng cây xanh mát trên đường Cường Để bên Bến Bạch Đằng …
Sài Gòn được người Pháp quy hoạch từ khi mới chiếm đóng theo bản vẽ của trung tá công binh Lucien Florent Paul Cofyn. Theo mô tả của Jules Boissiere vào năm 1874 thì Sài Gòn có sáu đại lộ (boulevard) và 40 đường (route/rue). Các đại lộ gồm Charner (nay là Nguyễn Huệ, Quận 1), Bonard (Lê Lợi), Canton (Hàm Nghi), Boulevard de la Citadelle (Tôn Đức Thắng hay Cường Để xưa), đại lộ Chính Phủ (Lê Duẩn) và Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai).
Để được người Pháp công nhận là đại lộ (boulevard – đường loại một) thì đường chính phải rộng 40m, vỉa hè 4m, mỗi bên có hai hàng cây. Còn những con đường loại hai (route/rue) thì phải rộng 20m, có vỉa hè rộng 2m, mỗi bên đường có một hàng cây. Chính vì phân loại này mà sau đó đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) đã không được xếp và hàng đại lộ nữa.
Nhắc lại quy hoạch của người Pháp để thấy rằng việc trồng cây hai bên đường là cực kỳ quan trọng. Sau này chính quyền Việt Nam Cộng Hoà tiến hành mở rộng đô thành Sài Gòn để xây dựng một thủ đô đủ sức đáp ứng số lượng người lớn hơn thời Pháp. Tuy nhiên, những nhà quy hoạch đô thị Sài Gòn thời VHCH hầu như không thay đổi đường sá, kiến trúc mà người Pháp để lại ở khu trung tâm thành phố.
Trải qua mấy mươi năm chiến tranh, Sài Gòn vẫn giữ một màu xanh mát với những con đường rợp bóng cây. Thế nhưng hơn 20 năm trở lại đây, Sài Gòn đã không còn xanh như xưa, mà thay vào đó là đường nhựa, xi măng, khói bụi, ô nhiễm… Nhà nước chặt hết cây xanh rồi còn định lắp mái che bằng tôn để chống nóng.
Những phương án này tuy làm cạn kiệt ngân sách, nhưng lại làm giàu cho quan chức. Tiền công cưa cây của nhân viên liệu có bị cắt xén hay không? Cây cưa được thì đem bán, tiền đó vào túi ai? Rồi tiền lắp mái che liệu có bị ăn chia hay không? Có những con đường ở Sài Gòn dài tít tắp những không có được một bóng cây xanh.
Không chỉ Sài Gòn, nhiều đô thị được quy hoạch trước năm 1975 cũng phủ rạp bóng cây xanh. Lấy Đà Lạt làm ví dụ, Đà Lạt ngày xưa thơ mộng với màu xanh của những đồi thông, làm xao xuyến tâm hồn bao thi sĩ. Đà Lạt ngày nay chỉ còn toàn nhà kính, bê tông. Một phố núi mộng mơ với khí hậu ôn hoà giờ đây khi tới mùa nắng thì nóng, tới mùa mưa thì lũ lụt.
Mất cây xanh không chỉ là mất đi thẩm mỹ, cảnh quan, mà còn gây ô nhiễm không khí, tổn hại cho sức khỏe của cư dân đô thị. Cây xanh không chỉ sản xuất oxy mà còn hấp thụ khí CO2 và các chất gây ô nhiễm khác. Ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng với các vấn đề như bệnh đường hô hấp, dị ứng và căng thẳng tinh thần.
Cây xanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm hiện tượng đô thị nhiệt. Việc mất đi cây xanh trên đường phố có thể tăng nhiệt độ đô thị. Góp phần vào hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”, ảnh hưởng đến sinh quyển và tạo ra các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Mất đi một hàng cây, không chỉ là mất đi bóng mát, mà còn mất rất nhiều thứ. Mỗi ngày người dân đi làm phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, khói bụi và nắng nóng ở cả hai lượt đi lẫn về. Chuyện căng thẳng tinh thần là không thể tránh khỏi. Liệu có ai cảm thấy thư giãn khi phải nhích từng chút một trên con đường đầy khói bụi, nắng trên trời rọi xuống, nóng dưới đường hắt lên?
Con người căng thẳng, năng suất lao động không hiệu quả, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế chứ không phải chỉ là câu chuyện ô nhiễm, kẹt xe, sức khoẻ… Mỗi ngày mất một chút sức khoẻ, chịu thêm một chút căng thẳng, giảm đi một chút năng suất; để rồi hết ngày này qua ngày khác, năm này qua tháng nọ, thứ chúng ta mất đi không chỉ là một hàng cây…