Hồng Dân
(VNTB) – Đảng vận dụng cách diễn giải “sai phạm nhưng không vụ lợi” để… giải cứu đảng viên sai phạm
Công lý có phải bị nhạo báng khi Đảng đưa ra lập luận “sai phạm nhưng không vụ lợi” để… “giải cứu” những cán bộ vì nghe – tin trong răm rắp làm theo nghị quyết Đảng để rồi sau đó vướng lao lý.
Nói có… ‘biện chứng’: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tổng kết nhiệm kỳ của khóa 12 và nhìn lại 35 năm đổi mới, đã nhấn mạnh rằng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Mẫu câu thể khẳng định này sau đó được Tổng bí thư sử dụng liên tục trong các diễn văn, bài viết khác ở hầu hết các sự kiện chính trị.
Với khẳng định đó của người đứng đầu Đảng, tất yếu những… ‘thuộc hạ’ dưới trướng không thể hành xử ngược lại trong triển khai các quyết sách, những định hướng mà Bộ Chính trị đưa ra. Và rồi khi va vấp với lỗi từ các chính sách đó, tùy vào ‘thân tín’ có quan hệ ra sao để Đảng vận dụng cách diễn giải “sai phạm nhưng không vụ lợi” để… giải cứu.
Nhân danh Đảng, người ta đã đưa ra những lập luận rất đổi dân túy: Chúng ta vẫn nói hệ thống pháp luật tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn còn có mâu thuẫn, chồng chéo. Yếu tố lỗi này thuộc về nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác. Lỗi này dẫn đến người tổ chức thực thi pháp luật lạm dụng.
Khi một quy định pháp luật không rõ ràng thì người tổ chức thực thi hoặc là không làm vì sợ sai; hoặc vì vụ lợi cố tình làm sai; hoặc chỉ làm cái gì có lợi cho mình, cho phe cánh của mình, còn lại là né tránh.
Trong bối cảnh ấy, phải xem xét hết sức kỹ lưỡng lỗi nào là hành vi cố ý, lỗi nào là do vô tình, thậm chí lỗi bất khả kháng để từ đó có ứng xử phù hợp.
Chúng ta phải phân loại vi phạm. Nhóm thứ nhất là vi phạm do các quy định của pháp luật không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhóm thứ hai là vi phạm để đạt được mục đích nhỏ, không gây ra hậu quả lớn. Nhóm thứ ba là vi phạm do biết nhưng cố ý phạm tội đến cùng. Từ đó, có cách ứng xử phù hợp theo từng cấp độ; khoan dung, khoan hồng hay giảm nhẹ hình phạt.
Khoan dung nên áp dụng đối với trường hợp vô tình vi phạm do hiểu biết pháp luật không đầy đủ dẫn đến làm sai. Thậm chí người vì lợi ích chung mà sẵn sàng “xé rào” làm sai thì không chỉ khoan dung mà còn cần được bảo vệ.
Cách diễn giải của Đảng nghe rất… ‘bùi tai’, nhưng lại cho thấy rất rõ rằng nếu cứ hành xử cảm tính bằng “định hướng” mà Tổng bí thư đã đưa ra trong cách hiểu “sai phạm nhưng không vụ lợi”, vậy thì giải thích ra sao khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức đã quy định “cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép”; khác với phía người dân, doanh nghiệp là “được làm những việc pháp luật không cấm”.
Cụ thể tại chương II Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức có những điều khoản chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền hạn của đối tượng này. Theo đó, cán bộ, công chức khi thực thi công vụ phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có quyền kiến nghị những vấn đề, vụ việc pháp luật chưa quy định, quy định chưa rõ và có quyền bảo lưu ý kiến khi thực hiện công vụ theo quyết định của cấp trên.
Còn nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu là giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nôm na, pháp luật rành ròi rằng “sai là sai” và chỉ có tố tụng của tòa án mới được quyền tuyên là sai phạm ấy có tình tiết giảm nhẹ nào không, những kiến nghị tu chỉnh pháp luật tương ứng…