VNTB – Sao không thử một lần, tiên trách kỷ?

 VNTB – Sao không thử một lần, tiên trách kỷ?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Một vấn đề được bàn luận trong vô vàn những tin tức khác ở thời điểm cuối năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới 2023, đó là giáo viên khốn khổ vì phụ huynh “canh” camera.

 

Theo đó, trong các hội nhóm giáo dục, không ít tâm sự của các cô giáo mầm non về áp lực và những trăn trở khi trường trực tuyến camera lớp học, và các phụ huynh “canh”, “soi” camera từng phút giây.

“Nói vui, lúc mình làm đúng thì không ai thấy, khi mình làm sai thì ai cũng thấy. Đúng là chia sẻ với giáo viên mầm non, nhưng cũng chia sẻ với phụ huynh, đơn thuần cũng chỉ là xuất phát từ việc quan tâm đến con em mình mà thôi. Gửi vô đương nhiên là phải tin, vì có tìm hiểu và lựa chọn mà, dù có khi lựa chọn cũng không được nhiều. Việc kiểm tra camera cũng chỉ là muốn xác minh lại cái niềm tin của họ là có đúng hay không thôi?”, sinh viên Long chia sẻ suy nghĩ. 

Theo thông tin từ báo chí, thì: “Chủ các trường mầm non ở TP.HCM nói với PV, họ mong muốn sự tin tưởng, thấu cảm từ phụ huynh. Trước khi quyết định cho con học, phụ huynh hoàn toàn có thể tìm hiểu kỹ lưỡng môi trường giáo dục mà con sẽ học, tham gia các hoạt động cùng cô trò, tìm hiểu năng lực giáo viên… Đồng thời, các trường đều có đường dây nóng, bộ phận tiếp nhận ý kiến từ phụ huynh. Nếu cha mẹ ai cũng liên tục gọi điện, nhắn tin cho cô qua điện thoại cá nhân, cô giáo nào còn thời gian để chăm trẻ, toàn tâm toàn ý cho trẻ nữa?”.

“Là một phụ huynh, tôi hoàn toàn hiểu và cảm thông trước chia sẻ này. Nhưng, nói đi cũng nói lại, làm sao có thể hoàn toàn tìm hiểu kỹ lưỡng môi trường giáo dục mà con sẽ học được? Những điều mắt thấy, tai nghe chưa hẳn là sự thật. Cứ cho là sự thật đi nhưng liệu có đúng hoàn toàn sự thật không? Một nửa ổ bánh mì là bánh mì nhưng nửa sự thật chưa chắc là sự thật. Chính vì vậy, quan sát qua camera, cũng là một cách chứng minh sự thật rằng, trẻ em không bị bạo lực ở đây”, bà T., một phụ huynh chia sẻ.

Kiểm tra thông tin qua trang công cụ tìm kiếm mang tên Google, với cụm từ “giáo viên mầm non đánh trẻ”, không khó để tìm kiếm những tin tức xoay quanh vấn đề này. Có thể ví dụ những bài như: “Đà Nẵng: Giáo viên Trường mẫu giáo ELM thừa nhận đánh, bạo hành trẻ (3-10-2022)”; “Vụ trẻ mầm non 15 tháng tuổi bị giáo viên bạo hành: Cô giáo nói dối cháu bị ngã (19-11-2020)”; “Giáo viên mầm non đánh trẻ dẫn đến tử vong (9-6-2021)”; “Tôi không để yên khi con bị cô giáo đánh (11-5-2022)” …

“Thật ra tôi có thắc mắc. Được biết giáo viên mầm non là một chuyên ngành được đào tạo đàng hoàng. Giữ một đứa trẻ đâu có dễ, giữ trẻ rồi cho ăn uống, thay đồ đi vệ sinh, xà quần một đứa thôi đã muốn hết ngày huống gì cả chục đứa. Theo tôi nghĩ, yêu trẻ mới giữ được trẻ nhiều như vậy. Vừa yêu trẻ vừa có nghiệp vụ, vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em?”, ông Hai, một cư dân ở quận Bình Thạnh thắc mắc.

Ngược với suy nghĩ của ông Hai, một phụ huynh khác thắc mắc: “Liệu rằng có đúng yêu trẻ không? Hay giữ trẻ, giáo dục mầm non cũng chỉ đơn thuần là một cái nghề như bao cái nghề khác? Nên mới xảy ra tình trạng bạo lực?”

Quả thật, nếu phụ huynh quá “chăm chăm” vào camera, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến giáo viên của trường mầm non. Song, thiết nghĩ, nếu như không có những hành vi bạo hành trẻ em mầm non, liệu rằng phụ huynh có mất niềm tin đến như thế?

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có niềm tin vào trường mầm non, vậy cho con đi học để làm gì? Đó có thể là vì công ăn việc làm, là vì không có người giữ phụ. Đó còn có thể là vì muốn con cái mình được học thêm kỹ năng, không thua sút bạn bè.

Vậy thì thay vì trách phụ huynh, tại sao giáo dục mầm non không thử thay đổi mình trước, tạo niềm tin cho phụ huynh rằng con mình sẽ không có chuyện bị bạo lực, bạo hành ở môi trường giáo dục dành cho trẻ nhỏ này…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)