Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sáo ngữ – Xảo ngữ

Xảo ngữ

Mai Lan

(VNTB)  -Theo từ điển tiếng Việt, ‘sáo ngữ’ là lời nói không tự nhiên, rập theo những mẫu đã có sẵn. ‘Xảo ngữ’ là lời nói che đậy những khuất tất bên trong – ‘thu phí BOT’ thành ‘thu giá’ là một xảo ngữ.

Khi bắt đầu một dự án BOT, người ta nhấn mạnh đến vai trò tầm cỡ của một công trình quốc gia nhưng khi thu tiền thì họ bảo là của doanh nghiệp, nhà nước không kiểm soát được như phí, mà để họ tự ‘làm giá’ mà thôi.

Nếu đường hoàng, minh bạch thì dù có gọi một cách khó hiểu, tối nghĩa là ‘thu giá’, hoặc trắng phớ là ‘thu tiền đường’ thì hẳn mọi người đều chấp nhận, chẳng ai phản ứng gì. Họ phản ứng là cái cách ‘lập lờ đánh lận con đen’, trao quyền ‘làm giá’ cho các nhà đầu tư mà làm nhạt đi vai trò điều hành của nhà nước, giám sát của nhân dân ở đó.

Ở Hà Nội có “đường cong mềm mại” là cách mô tả về đường Trường Chinh, con đường vì lý do nào đó đã không thể chạy thẳng và vô tình lượn qua nhiều ngôi nhà, đưa chúng ra mặt đường.

Cũng ở Hà Nội, nhiều người lại cảm thấy hoài nghi về vốn từ vựng của mình, khi nghe công an thành phố này mô tả cuộc xô xát giữa một cảnh sát hình sự và một phóng viên. Trong biên bản làm việc mà giới báo chí ‘moi’ được, xác định rằng thượng sĩ Ngô Quang Hưng đã có ‘hành vi gây thương tích cho anh Trần Quang Thế’. Nhưng tới khi trả lời báo chí, vị lãnh đạo lại quyết định mô tả một cách đầy hình ảnh: ‘chiến sĩ này đã gạt tay trúng má của nhà báo’…

Xảo ngữ để đánh tráo khái niệm kiểu “tham nhũng ổn định”, có nghĩa là nếu dùng cách nói nhẹ đi, thì đó là đang “không có biến chuyển”; còn nói thẳng đuột kèm chút ví von như vẫn thường thấy trong các diễn văn của lãnh đạo, thì đó là ‘đâu vẫn vào đấy, dù có phải đốt lò bằng cả dãy Trường Sơn’.

Xảo ngữ đang được ưa dùng, như kiểu phân bua “Bộ trưởng không nói chứ không phải nói không có” (*); như kiểu mà những quan chức khi được hỏi về tài sản, về biệt thự thì họ nói rằng do mình ‘chạy xe ôm’, ‘nấu rượu’, ‘làm chổi đót’.

Nó tương tự như kiểu giải trình việc công an đánh nhà báo là ‘chiến sĩ gạt tay trúng má’; chỉnh đường khỏi đi qua đất nhà quan thì bảo ‘đường cong mềm mại’; hay một ông phó chủ tịch huyện nói ‘hai trâu đấu nhau không phải là chọi’…

Nhà báo Đức Hoàng của tờ VnExpress, có một nhận xét đắc địa về xảo ngữ được dùng ở các chính khách: “Phát ngôn của nhà quản lý không chỉ là lời nói, nó phản ánh tinh thần phục vụ của họ. Sự biến ảo trong ngôn từ phát biểu với đại chúng, có thể dễ dàng tạo ra liên tưởng về sự biến ảo trong các hành vi khác. Một cái vali chứa triệu đô có thể hoàn toàn chỉ là ‘để quên’ ở phòng lãnh đạo và nhờ ‘cất hộ’, theo một lối nói nào đó…”.

Còn sáo ngữ? Mẫu câu chung ở phần kết cho tất cả các kỳ họp Quốc hội, các kỳ đại hội Đảng: “… thành công tốt đẹp!”.

_________________

Chú thích:

(*) https://tuoitre.vn/bo-truong-tien-khong-noi-gi-ve-viec-nguoi-nha-lam-o-vn-pharma-20170831075815122.htm

Tin bài liên quan:

VNTB – Học trường công lập mầm non vẫn phải tốn tiền

Do Van Tien

VNTB – Kỳ vọng EVFTA nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Ly nông và giờ cũng buộc đành phải ly hương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo