VNTB – Sạt lở đất đai từ Bắc chí Nam

VNTB – Sạt lở đất đai từ Bắc chí Nam

 

Khi kết luận về nguyên nhân đèo Bảo Lộc bị sạt lở khiến 4 người thiệt mạng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết ở Tây Nguyên những sườn núi, sườn đồi tự nhiên thì sự phong hoá đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi cần không gian để phát triển, đã có các hoạt động thay đổi bề mặt, ví dụ như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thuỷ điện. Khi đó, các cấu trúc bề mặt đất đã thay đổi và khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn.

Các vụ sạt lở diễn ra liên tục ở miền núi phía bắc, miền trung, miền đông nam bộ và cả ở Hà Nội là một cảnh báo rất lớn về hậu quả của việc khai thác rừng can kiệt, chỉ biết đến mối lợi trước mắt. Và các vụ sạt lở chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở đó mà ngày càng trầm trọng hơn.

 

Yên Bái:

Tính đến 16h ngày 6/8, mưa to khiến sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, khiến 2 người chết tại bản Háng Bla Ha AB xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải do sạt lở đá lăn vào nhà.

Đến nay, có đến 15 nhà bị sập đổ, cuốn trôi tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, 19 nhà bị sạt lở đất, đá hư hỏng, ảnh hưởng(xã Khao Mang 7 nhà; Kim Nọi 6 nhà; Mồ Dề 2 nhà; La Pán Tẩn 1 nhà, Lao Chải 3).

Ngoài ra, tuyến quốc lộ 32 đoạn từ Km300 – Km329 qua huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có hơn 100 điểm sạt lở taluy dương, trong đó có 3 vị trí mất đường mỗi vị trí dài khoảng 100m.

Một số thiệt hại khác như gãy 1 cột điện 35KV tại xã Hồ Bốn. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn, Trạm Y tế xã Hồ Bốn bị thiệt hại về cơ sở vật chất.

Lai Châu:

Từ ngày 4 đến 6/8, mưa lớn gây ra sạt lở đất làm 4 người chết, 3 người bị thương vì bị đất, đá sạt lở vào nhà và lũ cuốn trôi. 

40 hộ dân tại huyện Nậm Nhùn và Sìn Hồ đang bị ảnh hưởng do sụt lún đường, phải di rời khẩn cấp đến nơi an toàn. Huyện Phong Thổ có 10 hộ dân bị ảnh hưởng do đất đá sạt lở taluy dương vào nhà. Nhiều diện tích lúa của huyện Phong Thổ, Nậm Nhùn đã bị sạt lở, vùi lấp, thiệt hại hoàn toàn, một số nơi bị ngập úng.

Tại Km198+289 QL.4H bị sạt lở ta luy âm gây lún, nứt đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông đi lại của người dân. Tại km14+800 ĐT129, bản Nà Kế, xã Hồng Thu xảy ra nứt đường dài khoảng 40m, nguy cơ sạt lở 1 nhà. Một số tuyến đường liên xã bị sạt lở, ảnh hưởng tới giao thông.

Sơn La:

Tính đến sáng 6/8 đã có một người chết do bị lũ cuốn trôi. 8 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn, 35 nhà bị đá lăn vào, phải di dời khẩn cấp ở huyện Mường La và Quỳnh Nhai.

Đoạn tuyến quốc lộ QL.279D từ Mường La đến Lai Châu tắc hoàn toàn vì nhiều điểm sạt lở có đoạn sạt lở, trôi toàn bộ nền mặt đường. Vị trí đuôi mố cầu Nậm Păm, nước suối dâng cao xói đến mép mặt đường. 

Các tuyến đường lên bản Nà Lếch, xã Chiềng Lao, huyện Mường La bị tắc cục bộ. Sạt lở taluy dương khoảng 362m2 tại đoạn đường giao thông bản của xã Mường Sại, Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai; đường xã Mường Lèo- Pá Khoang, huyện Sốp Cộp.

Điện Biên: 

Mưa lớn kéo dài tiếp tục gây sạt lở trên nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ của tỉnh Điện Biên. 

Mưa lớn đã gây sạt lở tại Km 49, Tỉnh lộ 150 (thuộc địa phận huyện Mường Chà); sạt lở gây tắc đường cục bộ trên Quốc lộ 4H tại Km3+600; tại Km421, Quốc lộ 6 (thuộc bản Co Ngựu, xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo), mưa lũ gây sạt lở kéo dài cả chục mét ở hai bên đường khiến giao thông đi lại khó khăn. Tại km180, quốc lộ 12 bị sạt lở lớn ở một bên ta luy âm.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở, kèm theo gió lốc mạnh trong tối ngày 3-4/8 tại nhiều địa phương gây thiệt hại nhiều về tài sản và hoa màu của người dân. 17 nhà ở bị hư hỏng, hơn 40ha lúa bị thiệt hại; khoảng 7.000 m3 đất đá sạt lở xuống đường tại một số tuyến đường liên bản; 2 công trình thủy lợi bị sạt lở hư hỏng… Ước tổng thiệt hại khoảng 2,4 tỷ đồng.

Nghệ An: Sạt lở ở huyện miền núi Kỳ Sơn gây ách tắc giao thông

Tuyến đường tỉnh 543D bị sạt lở bốn điểm taluy dương trong khi khu vực bản Xốp Típ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông, các phương tiện và người dân không thể qua lại.

Tuyến đường tỉnh 543D đoạn qua xã Mường Típ bị sạt lở bốn điểm taluy dương. Đặc biệt, khu vực bản Xốp Típ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông, các phương tiện và người dân không thể qua lại.

Mưa lớn tại thượng nguồn cũng khiến nước sông Nậm Mộ dâng cao. Đoạn đường qua bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhà dân.

 

Sạt lở nặng ở đường tránh TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông

Một đoạn cả trăm mét mái taluy âm dọc đường tránh TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) sạt xuống suối Đắk R’tih, mặt đường nhựa khu vực này cũng xuất hiện nhiều vết nứt.

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông cho biết khu vực sạt lở nằm ở đoạn tuyến Km11+800 – Km11+900 của đường tránh Gia Nghĩa. Trên mặt đường xuất hiện vết nứt có chiều rộng khoảng 1-2cm, kéo dài 50m.

Chiều tối 6-8, khu vực mái taluy âm bị sạt lở kéo dài dọc đường tránh TP Gia Nghĩa khoảng 100m, có nguy cơ tiếp tục lan rộng. Hàng ngàn khối đất ở ven đường đã sạt xuống suối Đắk R’tih, chính quyền địa phương đã cảnh báo nguy hiểm.

Vết sạt lở chỉ cách hộ lan đường tránh chừng 3m. Mặt đường nhựa đoạn này cũng đã xuất hiện các vết nứt hình vòng cung.

Hiện cống thoát nước ngang đường khu vực này bị lấp, không có khả năng thoát nước từ khu vực trái sang phải tuyến, gây đọng nước phía thượng lưu, ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến.

 

Sạt lở trên đỉnh đồi, Đắk Nông 

Ngày 6.8.2023, tại khu vực thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) lực lượng dân quân hỗ trợ người dân tháo dỡ và di dời nhà và tài sản.

Khu vực thôn Tân Hiệp nằm trên địa bàn xã Đắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa. Khu vực này nằm giáp ranh với xã Trường Xuân, huyện Đắk Song.

Tại đây, cả quả đồi lớn vừa xảy ra tình trạng bị đứt gãy với chiều sâu có chỗ lên đến 60 – 70cm, chiều dài khoảng 30m, diện tích nứt khoảng 3.000m2.

 

Hà Nội: Loạt homestay vây kín điểm sạt lở vùi ô tô ở Sóc Sơn

Mới đây tại khu vực khu vực hồ Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn), hàng chục ô tô bị bùn đất vùi lấp, nhiều chiếc bị ngập quá nửa thân xe. Trả lời PV VTC News, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, thông tin “nhiều ô tô chìm trong bùn do lũ quét” là không chính xác. “Ở đây không có lũ quét, cũng không có lũ ống. Đây là mưa theo quy luật nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ trũng, là chuyện bình thường theo quy luật tự nhiên”, đại diện UBND huyện Sóc Sơn nói.

Dọc theo con đường bị khối lượng lớn đất đá chảy trôi theo dòng nước lũ vào ngày 4/8 có khoảng 5 khu nghỉ dưỡng, homestay. Nhiều mảng đồi trơ trọi hiện lên, cây cối bị đốn hạ nhường chỗ cho những công trình bê tông kiên cố.

Tháng 3/2021, Thanh tra TP Hà Nội đã có thông báo, kết luận và chỉ ra sai phạm về việc quản lý, sử dụng đất rừng, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng tại khu vực hồ Đồng Đò. Riêng xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.

Tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng tại xã Minh Trí và xã Minh Phú lại có chiều hướng gia tăng sau hai kết luận của Thanh tra TP Hà Nội.  “Tình trạng vi phạm đất đai tại xã Minh Trí không giảm mà ngày càng phức tạp. Các vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm, vi phạm mới tiếp tục phát sinh”. 




 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)