Trường Sơn
(VNTB) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghĩ chính quyền tỉnh Đắk Nông nên công bố tình huống khẩn cấp về tình hình sạt lở đất ở địa phương.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều địa phương ở các huyện: Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông bị ngập lụt và gây thiệt hại lớn về sản xuất, kết cấu hạ tầng.
Hiện có gần 7 km đường giao thông bị ngập nước và hư hỏng, sạt lở. Trong đó, nặng nhất là Quốc lộ 14, tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo bị sạt lở mái taluy âm, dẫn đến lún nền đường cục bộ với chiều dài khoảng 35 m; Quốc lộ 14C, đoạn từ thôn 8 xã la R’vê đi qua xã Ia Lốp, huyện Ea Súp bị ngập sâu nhiều ngày, hiện chưa đánh giá được mức độ hư hỏng.
Kênh chính Tây hồ chứa Ea Súp thượng đã bị vỡ do đợt mưa lũ vừa qua. Ngoài ra do lượng nước về liên tục tăng, hồ chứa Buôn Tua Srah dự kiến phải xả tràn trong một vài ngày tới.
Đáng lo ngại hơn, sau khi kiểm tra thực địa, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết có khoảng 1 triệu m3 đất có nguy cơ sạt lở, trên diện tích khoảng 10 ha ở khu vực quanh hồ thủy lợi Đắk N’Ting.
Hồ chứa nước Đắk N’ting là công trình thủy lợi cấp III, có tổng vốn đầu tư gần 138 tỷ đồng. Công trình mới hoàn thành, đang chờ nghiệm thu, bàn giao theo quy định.
Theo nhận định của đoàn khảo sát do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn, thì, “mưa và tác động của con người đã tạo ra tổ hợp bất lợi cho các công trình hiện nay ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, dẫn đến tình trạng sạt trượt”.
“Đối với các công trình xảy ra sự cố, chủ đầu tư chỉ có 15 ngày để ‘cứu’ công trình này trước khi sẽ có thêm một đợt mưa rất to nữa vào cuối tháng 8. Tôi đề nghị tỉnh Đắk Nông cần công bố ngay tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng xử khẩn cấp” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
“Tôi đề nghị UBND tỉnh phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Hiện nay hồ đang chứa 2 triệu mét khối nước, nếu vỡ hồ toàn bộ số nước này sẽ chảy về đâu? Đường đi như thế nào? Phải lên kịch bản xử lý để di dời hết toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cho biết đập thủy lợi Đắk N’Ting có nguy cơ vỡ rất cao. Huyện đã phong tỏa lối ra vào đập thủy lợi Đắk N’Ting để đảm bảo an toàn cho người dân. Chỉ đạo UBND xã Quảng Sơn nhanh chóng rà soát, di dời toàn bộ những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị các phương án để ứng phó nếu vỡ đập.
Hiện phần đồi bên phải đập đang bị sụt lún nghiêm trọng với diện tích khoảng 10ha. Theo ước tính sẽ có khoảng 1 triệu m3 đất có nguy cơ bị sạt trượt. Toàn bộ 34 hộ dân nằm ở dưới đập đã được sơ tán khẩn cấp. Theo tính toán, nếu đập vỡ, mực nước ở khu vực hạ lưu sẽ dâng lên khoảng 2m nên chính quyền đang rà soát để di dời thêm 140 hộ dân ở bon Đắk N’Ting đến khu vực an toàn.
Theo thống kê, tại Đắk Nông có 250 công trình do đơn vị quản lý, nhiều hồ đang xuống cấp. “Hàng xóm” là Đắk Lắk, hiện có 782 công trình với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3 thì hàng trăm hồ đập bị thấm nước, sạt lở mái thượng và hạ lưu.