Cảnh Chân
(VNTB) – Sai ở đâu thì sửa ở đó, nếu sai cả hệ thống, không thể sửa chữa được nữa thì bắt buộc thay đổi cả cơ chế để bảo vệ dân lành.
Mất 500 năm khai phá, người Việt mới có thể mở rộng không gian sinh tồn từ bắc vào nam như ngày nay. Thế nhưng chỉ chưa đầy 50 năm sau khi đảng cộng sản thống nhất đất nước, mảnh đất hình chữ S do tiền nhân dày công gìn giữ, khai phá đã tan nát, không còn nơi nào yên ổn an toàn.
Theo một báo cáo từ 2018, chỉ trong 10 năm đã có hơn 1,7 triệu người dân buộc phải rời bỏ đồng bằng Sông Cửu Long. Các lý do được đưa ra là vì người dân ở độ tuổi lao động đông, nhưng ngân sách nhà nước đầu tư ít hơn các vùng khác. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao, gây xâm nhập mặn không thể canh tác; cơ sở hạ tầng không đáp ứng tiềm năng phát triển kinh tế, việc làm và đời sống người dân.
Không chỉ đất đai bị sa mạc hoá do hạn mặn, mà tình trạng sạt lở diễn ra trên khắp các dòng sông miền Nam do khai thác cát tràn lan. Từ một vùng đất luôn được phù sa bồi đắp, thì nay đồng bằng Sông Cửu Long lại phải trả đất lại sông sâu. Từ một vùng đất giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng, được mệnh danh là nơi “đất lành chim đậu” mà nay lại tụt hậu về kinh tế, chim buộc phải tung cánh bay đi.
Bỏ đồng bằng, nhiều người dân miền Nam chọn Tây Nguyên là nơi an cư lạc nghiệp, với niềm tin rằng cao nguyên này sẽ không thể bị hạn mặn, lũ lụt. Thế nhưng những mùa mưa gần đây, các tỉnh Tây Nguyên ngập lụt khắp nơi, từ Kontum tới Gia Lai, từ Đắk Lắk tới Đà Lạt. Quy hoạch đô thị tràn lan, không định hướng, phá rừng, lấn hồ, lấp suối, chặt cây, xây nhà kính…
Chỉ tính riêng Đà Lạt, đã có hơn 29 triệu mét vuông nhà kính thì nước sẽ thoát về đâu sau mỗi trận mưa lớn? Từ một thành phố ngàn hoa bạt ngàn cây xanh với hệ thống hồ chứa nước được người Pháp quy hoạch chỉn chu để tránh những trận lũ ống, lũ quét… Vậy mà giờ đây phố núi Đà Lạt cũng đã những “rốn ngập” khi trời mưa chẳng khác nào thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cứ sau mỗi trận mưa lớn là những vườn rau, vườn hoa lại bị nhấn chìm từ 0,5 đến 0,8 m.
Không chỉ ngập lụt mà tình trạng sạt lở ở phố núi cũng không khác gì miền Tây sông nước. Chỉ trong 6 ngày đầu tháng 8, tình trạng sạt lở ở Tây Nguyên khiến cho dư luận bàng hoàng. Nơi thì sạt nửa quả đồi do phá rừng trồng sầu riêng, nơi thì lở đất do xây nhà tràn lan, nơi thì cả đoạn đường bị biến dạng do lấp suối không còn chỗ thoát nước.
Bỏ miền Nam, lên Tây Nguyên cũng không yên, vậy đi ngược ra miền Trung thì sao? Tình trạng lũ lụt mỗi mùa mưa bão ở miền Trung thì không phải bàn tới. Thế nhưng 10 năm trở lại đây lại có thêm một hiện tượng mới: thuỷ điện xả lũ. Thiên tai không đáng sợ bằng nhân hoạ. Vậy là ngày xưa cũng có lũ, giờ nhờ đảng mà có thêm xả lũ.
Còn miền Bắc liệu có yên ổn? Sau một đợt mưa đầu tháng 8, cơ quan khí tượng thủy văn phát đi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở 52 huyện, thị xã phía Bắc. Ngay tại thủ đô Hà Nội, chỉ một cơn mưa lớn sáng 4/8, đã khiến cho cả tuyết đường ở Sóc Sơn bị gây sạt lở nghiêm trọng. Hàng loạt ô tô bị đất, đá vùi lấp tới ngang thân.
Câu chuyện thiên tai đã diễn ra từ khi loài người chưa xuất hiện. Trải qua hàng ngàn năm văn minh, chúng ta đã biết cách trị thuỷ, hoà mình vào thiên nhiên. 100 năm trước người Pháp đã nghiên cứu, quy hoạch Đà Lạt chỉnh chu, tránh được lũ, chống được sạt… Thế nhưng tại sao bây giờ chúng ta không làm được? Tại sao những năm gần đây lũ lụt, sạt lở lại diễn ra càng ngày càng nặng? Biến đổi khí hậu diễn ra từ từ chứ không đột ngột, với tần suất dày đặc trên khắp cả nước như hiện nay thì không thể đổ lỗi cho thiên tai được. Mà chính là do nhân hoạ!
Nói miền Tây sạt lở do hút cát, vậy ai cho phép hút cát tràn lan? Nói Tây Nguyên sạt lở lấp suối, xây nhà kính khắp nơi; vậy ai quy hoạch đô thị? Nói miền trung lũ lụt do thuỷ điện, vậy ai để thuỷ điện mọc lên khắp nơi? Nói miền bắc lũ quét, lũ cuốn, sạt lở do phá rừng đầu nguồn; vậy ai quản lý rừng mà để cây bị chặt?
Người dân muốn sống yên ổn thì không thể để tình trạng này tiếp diễn và năm sau nặng hơn năm trước được. Đã biết rõ nguyên nhân gây ra những vấn nạn này, thì phải tìm được cách khắc phục hậu quả. Không có cách nào khác là phải coi lại cơ chế quản lý, quy hoạch cơ sở hạ tầng. Sai ở đâu thì sửa ở đó, nếu sai cả hệ thống, không thể sửa chữa được nữa thì bắt buộc thay đổi cả cơ chế để bảo vệ dân lành.