(VNTB) – Một là thương cảm, không thể bỏ mặt đồng bào. Hai là mua trái cây có hoá chất về ăn thì cũng nhiễm độc. Từ tình thương người mà thành ra tự đầu độc mình.
Mấy ngày sau tết, hình ảnh những tấm bảng giải cứu sầu riêng mọc lên ở khắp các con đường, và cả trên mạnh xã hội. Giá sầu riêng có lúc rớt xuống còn 400.000đ/thùng 10 ký (khoảng 20.000đ/ký). Theo thông tin từ Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam thì cuối năm 2024, hải quan Trung Quốc phát hiện một số phát hiện có dư lượng chất Vàng O trong một số lô sầu riêng nên họ từ chối nhập.
Chất Vàng O (Auramine O, Basic Yellow 2 – BY2) là chất tạo màu công nghiệp có thể gây ung thư cho cả động vật và con người. Một số nơi ngâm mít, sầu riêng vào chất này để trái cây có màu vàng bắt mắt. Tuy thoả mãn thị hiếu khách hàng như vô cùng độc hại cho người tiêu dùng và gây ảnh hưởng tới người nông dân. Vì vốn dĩ nông dân không hề ngâm hoá chất, làm như vậy thương lái sẽ không mua. Mà chỉ có các vựa trái cây hoặc công ty xuất khẩu dùng hóa chất để làm đẹp mặt hàng. Và thế là sầu riêng rớt giá, người khổ nhất vẫn là nông dân, những người chẳng liên quan gì tới câu chuyện hóa chất.
Cuối cùng, người tiêu dùng đứng trước hai vấn đề khi giải cứu nông sản ngâm hóa chất. Một là thương cảm, không thể bỏ mặt đồng bào. Hai là mua trái cây có hoá chất về ăn thì cũng nhiễm độc. Từ tình thương người mà thành ra tự đầu độc mình.
Cũng có một khía cạnh khác là do nhiều người ham rẻ, bởi trái cây bị Trung Quốc trả về thì giá sẽ rất thấp. Nhiều hàng quán bán sinh tố sẽ mua về số lượng lớn, hoặc các công ty chế biến bánh kẹo, nước uống, các chế phẩm từ trái cây… Nhằm giảm giá nguyên liệu đầu vào, hoặc đơn giản là mua giá rẻ để bán lại giá cao hơn.
Nhưng đáng lên án nhất là trách nhiệm của nhà cầm quyền, cơ quan quản lý thị trường, bộ Y Tế, các ban ngành kiểm định… Rõ ràng là công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng vẫn còn quá kém mới để hóa chất tràn lan như vậy. Rồi cơ quan kiểm định cũng sơ sài, làm cho có, để xuất qua tới Trung Quốc mới bị phát hiện. Nếu họ kiểm tra tốt thì những lô hàng có hoá chất sẽ không thể xuất cảnh được, để rồi liên lụy tới tất cả những lô hàng khác. Trung Quốc là thị trường khá dễ tính, vậy mà hàng Việt Nam còn bị trả lại. Thì làm sao dám mơ tới việc mở rộng sang Âu, Mỹ, Nhật, Hàn…
Có chiều đi thì phải có chiều về. Những lô hàng nhiễm hoá chất đó bị trả về, nhưng thay vì tiêu huỷ, nhà nước cộng sản lại để cho dân bày bán, trưng biển giải cứu, thì khác nào đầu độc người dân. Đó là chưa nói tới chuyện móc nối, ăn hối lộ của quan chức với doanh nghiệp, vì món lợi nhỏ mà để người dân lao đao chịu khổ.
Quả thật, từ khâu điểm định, đóng gói tới khâu phân phối, bán hàng, xuất cảnh… Khâu nào cũng có ban ngành quản lý, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Khi phát hiện ra hóa chất thì chỉ dừng mức xử phạt hành chính, chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn tận gốc. Trong khi đó, nhiều loại hóa chất độc hại vẫn được thải ra thị trường, gây nguy hiểm cơ ung thư, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi vậy đừng hỏi sao thể trạng người Việt càng ngày càng suy kiệt.
Cần nói thêm là CSVN thường tuyên “mọi chuyện cứ để đảng và nhà nước lo”, nhưng có lẽ chỉ lo tham nhũng, đấu đá tranh giành quyền lực… Chứ cứ tới khi dân cần thì chẳng thấy đâu. Giải cứu nông sản, giải cứu sầu riêng, giải cứu thanh long, giải cứu vải thiều… Chỉ toàn người dân cứu nhau, còn đảng và nhà nước thì không thấy một ai!
Một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” thì phải nhìn thấy được rằng những chính sách hỗ trợ nông dân từ vẫn chưa hiệu quả. Hệ thống quy hoạch sản xuất yếu kém, thiếu liên kết với thị trường nông dân liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa – mất giá – giải cứu”. Người dân có thể giải cứu một mùa vụ, nhưng không thể liên tục giải cứu nền nông nghiệp.