VNTB – Sẽ lại phải sửa sách giáo khoa và cả chương trình giáo dục phổ thông?

VNTB – Sẽ lại phải sửa sách giáo khoa và cả chương trình giáo dục phổ thông?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp thu ý kiến theo hướng quy định môn học Lịch sử là bắt buộc ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có 3 lý lẽ được viện dẫn cho đề nghị này:

Thứ nhất, lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông từ 15-17 tuổi, có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông – dự báo số lượng có thể lên tới 50% học sinh, các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới, môn lịch sử trong chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc, như Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…

Khi môn lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đưa ra 3 khả năng: Nếu học sinh lựa chọn môn lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học, tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Nếu học sinh lựa chọn môn lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học, tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp, đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ở một tranh biện về căn cứ pháp lý, có ý kiến, việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện theo quy định của pháp luật với các quá trình xây dựng và xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành vào năm 2018.

Đặc biệt, chương trình được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định giáo dục phổ thông 12 năm, gồm 2 giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cấp trung học phổ thông 3 năm.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phê duyệt, đây được coi là “pháp lệnh” trong tổ chức dạy học.

Với chương trình môn lịch sử, ở cấp trung học cơ sở, được đưa vào giảng dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống của giai đoạn giáo dục cơ bản. Ở cấp trung học phổ thông, chương trình được xây dựng thành các chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa…

Đây là những nội dung chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Sách giáo khoa mới lớp 10 cũng đã được các tác giả, nhà xuất bản viết theo hướng này.

Nếu sắp tới lịch sử trở thành môn bắt buộc, có nhiều ý kiến lo ngại có thể làm phá vỡ kết cấu, mục tiêu của chương trình. Vì không đơn giản chỉ thay đổi từ ngữ “lựa chọn” hay “bắt buộc”, mà quan trọng là không thể bê chương trình đang xây dựng theo hướng chuyên sâu sang để giảng dạy đại trà.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng với việc dạy học môn lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Có lẽ quyết định cuối cùng đang chờ Bộ Chính trị.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Cao Việt Sỹ 2 years

    Nên kỷ luật bô trưởng bộ GDDT về việc học môn Lịch Sử.