Ngọc Vân
(VNTB) – So với công nhân một số nước, công nhân Việt Nam bị mất 50% lương của giờ thứ 41 đến giờ 48.
Quốc Hội Việt Nam mới thông qua quy định mới về số giờ làm việc với một số thay đổi đáng chú ý. Trong đó có việc cho phép doanh nghiệp bắt buộc công nhân làm việc ngoài giờ đến 300 giờ/năm, tăng hơn 100 giờ so với quy định cũ. Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số so sánh về các quy định này giữa các nước tư bản, nơi mà các lý thuyết gia cộng sản cho là bóc lột công nhân, và quy định của một “nhà nước của liên minh công nông”, “của dân, do dân, và vì dân”.
Về thời gian làm việc hàng tuần, luật pháp có hai khái niệm đáng chú ý: thời gian làm việc trong giờ và thời gian làm việc ngoài giờ. Người lao động được trả lương theo hợp đồng đã ký cho thời gian làm việc trong giờ và gấp ít nhất 1,5 lần cho thời gian làm việc ngoài giờ.
Ở Việt Nam, giới hạn tối đa của thời gian làm việc trong giờ là 48. Ở Mỹ (1), Nhật (2), và Âu Châu (3), số giờ làm việc trong giờ là 40. Như vậy, so với công nhân của các nước này, công nhân Việt Nam bị mất 50% lương của giờ thứ 41 đến giờ 48. Ở Pháp, thậm chí thời gian làm việc trong giờ chỉ có 35.
Về thời gian làm việc ngoài giờ, Quốc Hội Việt Nam mới quy định giới chủ được yêu cầu công nhân làm việc ngoài giờ đến 60 giờ/tháng, ngoài thời gian làm việc trong giờ, 48 giờ/tuần (4). Ở Nhật Bản, quốc gia được xem là có cường độ làm việc cao, số giờ làm việc ngoài giờ tối đa cho phép cũng chỉ là 45 giờ (2). Con số này có vẻ cũng khá cao, gần với con số của Việt Nam nhưng bạn đọc nên nhớ rằng, Nhật Bản quy định thời gian làm việc trong giờ là 40 giờ/tuần. Nói một cách khác, giới chủ ở Nhật Bản có thể yêu cầu nhân viên làm đến 216 giờ/tháng, kể cả ngoài giờ. Giới chủ Việt Nam có thể yêu cầu công nhân làm việc đến 266 giờ/tháng. Như vậy, chênh lệch giữa Việt Nam và Nhật Bản lên đến 23%.
Cũng về thời gian làm việc ngoài giờ, nếu so với Âu Châu thì tiêu chuẩn của Việt Nam còn thê thảm hơn. Luật Châu Âu quy định tổng thời gian làm việc của người lao động trong một tuần không được quá 48 giờ, kể cả thời gian làm việc ngoài giờ. Như vậy, nếu so với Việt Nam, coi như Âu Châu cấm làm việc ngoài giờ (5).
So với Hoa Kỳ thì sao? Hoa Kỳ không có quy định thời gian làm việc ngoài giờ tối đa. Điều đó có nghĩa là giới chủ ở Hoa Kỳ có thể có những yêu cầu còn hà khắc hơn ở Việt Nam. Tuy vậy, thực tế cho thấy số giờ làm việc của nhân viên ở Mỹ thường dưới 40 giờ/tuần, kể cả thời gian làm việc ngoài giờ. Theo số liệu của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, ngành có số giờ làm việc trung bình cao nhất là ngành khai khoáng và đốn gỗ với số giờ làm việc trung bình trong tháng 3 năm 2022 là 46 giờ/tuần, các ngành khác, thường 40 giờ/tuần trở xuống (6).
Nhìn chung, có vẻ quy định về số giờ làm việc ở Việt Nam, được điều hành bởi một chế độ “của dân, do dân, và vì dân,” một “nhà nước của giai cấp công nhân”, có vẻ tệ hơn nhiều so với ở các nước tư bản, nơi công nhân bị bóc lột. Đấy là chưa kể, dù làm việc ít hơn, điều kiện sống của công nhân ở các nước này khá hơn rất nhiều so với công nhân ở Việt Nam. Độc giả có thể đọc thêm về điều kiện sống của công nhân ở Hoa Kỳ tại đây (6).
Quốc hội đi ngược ý dân?
“Theo khảo sát của VnExpress ngày 22-23/3, trong gần 3.000 độc giả trả lời, 45% lựa chọn giữ như quy định hiện nay, tức làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng, tối đa 200 giờ mỗi năm; chỉ 12% lựa chọn tăng lên 56-60 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm, còn lại là các lựa chọn khác.”
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Overtime Pay | U.S. Department of Labor (dol.gov)
3. France’s 35 Hour Work Week: Flexibility Through Regulation (brookings.edu)
5. Working hours in EU: What are the minimum standards? – Your Europe (europa.eu)
7. VNTB – Thăm một gia đình bình dân ở Dallas, Texas (phần 1) – Việt Nam Thời Báo (vietnamthoibao.org)