Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sở Y tế TP.HCM tiếp tục “la làng” chuyện thiếu vắc-xin

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Sắp hết 6 loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

 

Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, số lượng các vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM cụ thể như sau:

Đầu tháng 10, vắc-xin phòng lao (BCG) còn 26.770 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM sử dụng 9.440 liều. Đến cuối tháng 10, dự kiến còn tồn 17.330 liều, đủ dùng trong 1,8 tháng. Dự báo giữa tháng 12-2022, TP.HCM sẽ thiếu vắc-xin này.

Đầu tháng 10, vắc-xin DPT-VGB-HiB (SII) còn 24.935 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM cần 8.820 liều. Dự kiến cuối tháng 10 vắc-xin này còn 16.115 liều, dùng trong 1,8 tháng. Như vậy, dự báo giữa tháng 12, TP.HCM bắt đầu thiếu.

Đầu tháng 10, vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản (Jevax) còn 4.290 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM sử dụng 6.340 liều. TP.HCM đã thiếu vắc-xin này từ giữa tháng 10.

Đầu tháng 10, vắc-xin phòng sởi – rubella (MR) còn 600 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM cần 5.690 liều. TP.HCM đã thiếu vắc-xin này từ đầu tháng 10.

Đầu tháng 10, vắc-xin dạng uống phòng bại liệt (bOPV) còn 23.900 liều. Vắc-xin này có hạn sử dụng là 31-10-2022. Trung bình 1 tháng TP.HCM dùng 11.450 liều. Giữa tháng 10, TP.HCM đã thiếu vắc-xin này.

Riêng vắc-xin phòng sởi đơn và DPT, Chương trình tiêm chủng Quốc gia đã ngừng cấp cho TP.HCM từ tháng 5-2022.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.

Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, Chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng.

Từ năm 1985 tới nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, đã có 11 vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình. Đó là vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib.

Theo một tìm hiểu của người viết, tính đến chiều ngày 23-10-2022 ở TP.HCM nếu phụ huynh nào muốn đưa trẻ đi tiêm chủng có tính phí, thì có thể tham khảo lịch về thuốc còn/ hết ở các cơ sở: 180 Lê Văn Sỹ; 957 Ba Tháng Hai; 699 Trần Hưng Đạo; 40 Nguyễn Văn Trỗi.

Liên quan đến chuyện thuốc men, theo kết quả khảo sát nhanh do Phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế TP.HCM và các dược sĩ bệnh viện thực hiện, hiện có đến 77,8% người cao tuổi mắc bệnh không lây muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế, nếu trạm có đủ thuốc như các bệnh viện tuyến quận.

Người bệnh được phỏng vấn đa số là nữ, tuổi trung bình 55,5 tuổi (nhỏ nhất 20, lớn nhất 73 tuổi), 70% thường trú tại địa bàn được khảo sát, 100% người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Các bệnh mãn tính của người được khảo sát bao gồm: tăng huyết áp (77%), rối loạn lipid máu (34%), bệnh xương khớp mạn tính (29%), đái tháo đường (9%), hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính (4%).

Khi được hỏi các bác/cô/chú có đồng ý trở về trạm y tế phường gần nhà để tái khám thay vì phải đến bệnh viện như hiện nay thì có đến 77,8% người dân trả lời sẵn sàng nếu trạm y tế có bác sĩ và đủ các loại thuốc như đang được nhận tại các bệnh viện.

Qua khảo sát, ba nội dung được nhiều người dân mong đợi chiếm tỷ lệ cao nhất đó là: bổ sung bác sĩ cho trạm y tế (42,6%), bổ sung danh mục thuốc cho trạm y tế (40,5%) và bổ sung xét nghiệm cho trạm y tế (33,4%). 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ thống Y tế công đối mặt nguy cơ sụp đổ hàng loạt

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ở Bình Định có chùa… Trần Bắc Hà

Do Van Tien

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam? (phần 3)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo