Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sri Lanka vỡ nợ và cảnh báo nào cho Hà Nội?

Thới Bình

 

(VNTB) – Mặc dù số nợ mà Việt Nam nợ Trung Quốc cần theo dõi, nhưng không thể tìm thấy bất kỳ thông tin công khai nào trên báo chí, cho đến nghị trường ở các kỳ họp Quốc hội.

 

Ngày 1-9, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Sri Lanka sẽ nhận được khoản cứu trợ có điều kiện trị giá 2,9 tỷ USDsau khi tuyên bố bị vỡ nợ.

Đây là lần đầu tiên Sri Lanka vỡ nợ từ sau khi giành độc lập từ Anh năm 1948. Trái phiếu quốc gia này hiện cũng nằm trong nhóm tệ nhất thế giới năm nay.

Giới quan sát quốc tế cho rằng sai lầm trong quản lý kinh tế của các chính phủ nối tiếp nhau đã làm suy yếu nền tài chính công của Sri Lanka. Chi tiêu công vượt quá thu ngân sách, sản lượng hàng hoá và dịch vụ không đạt tới mức đủ. Tất cả đều góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.

Vì tham nhũng nên vướng bẫy nợ của Trung Quốc?

Hồi đâu năm nay, Sri Lanka đã đề nghị Trung Quốc tái cơ cấu số nợ khoảng 3,5 tỷ USD mà quốc đảo này nợ Bắc Kinh. Trước đó, vào cuối năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp cho Sri Lanka một thoả thuận hoán đổi tiền tệ bằng đồng Nhân dân tệ trị giá 1,5 tỷ USD.

Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tung ra vô số chương trình “đối tác” để thâu tóm những cơ sở hàng hải, kinh tế và chính trị ở nước ngoài. Đảo quốc Sri Lanka với vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương trở thành mục tiêu hàng đầu.

Tổng thống Gotabaya (đã từ chức hôm 13 tháng 7 năm 2022) cùng với người anh Mahinda, cựu tổng thống và sau đó là bộ trưởng Quốc phòng, đã ký với Bắc Kinh những hợp đồng cơ sở hạ tầng béo bở như cảng nước sâu, nhà chọc trời, phi trường quốc tế,.. và được đánh giá là những chiếc thùng không đáy ngốn tiền. Trung Quốc cho vay những món tiền lớn, và từ chối cho đảo nợ khi Sri Lanka gặp khó khăn.

Hàng loạt công trình ở Sri Lanka đã mọc lên từ vay nợ Trung Quốc, có thể kể đến hải cảng Hambantota – hay được gọi là cảng không tàu; sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa – được mệnh danh là sân bay vắng nhất thế giới và một sân thi đấu cricket hoành tráng gần nhưng bỏ không.

Những người chỉ trích lý thuyết “ngoại giao bẫy nợ” lưu ý dự án cảng Hambantota được đề xuất bởi Tổng thống Sri Lanka, không phải là Bắc Kinh. Việc cho thuê không phải là cuộc hoán đổi nợ lấy tài sản, và Sri Lanka vẫn phải trả nợ. Hợp đồng cho thuê trị giá 1,1 tỷ USD được Sri Lanka sử dụng để trả các khoản nợ cho các chủ nợ khác và tăng dự trữ ngoại hối.

Tham nhũng trong thế chế “độc đảng toàn trị” còn nguy hiểm hơn

“Chế độ độc tài, quản lý kinh tế tồi tệ, tham nhũng, lệ thuộc Bắc Kinh như Sri Lanka, đó là món cocktail còn tìm thấy ở nhiều quốc gia dễ tổn thương khác, trong đó không loại trừ Việt Nam” – đó là cảnh báo từ góc nhìn của một nhà báo độc lập sinh sống tại Hà Nội, và cũng theo nhà báo đề nghị ẩn danh đó, Hà Nội rất cần quan tâm đến Sri Lanka như tấm gương nhãn tiền.

Sri Lanka, nền kinh tế có quy mô 81 tỷ đô la nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam của Ấn Độ Dương, đã sa lầy vào tình trạng hỗn loạn trước khi dẫn đến đỉnh điểm người biểu tình đã khiến ông Gotabaya phải chạy trốn, dẫn đến sự sụp đổ của cả một gia tộc quyền lực.

Sự tức giận của dân chúng về tình hình – do nhiều năm vay nợ quá mức để tài trợ cho các công ty nhà nước đang phình to và các khoản phúc lợi xã hội hào phóng – đã bùng lên thành các cuộc biểu tình bạo lực.

Trước đó, trong nỗ lực giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, tháng 4-2021, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố chỉ cho phép canh tác hữu cơ, cấm phân bón vô cơ và phân bón dựa trên hóa chất nông nghiệp. Điều này dẫn đến sụt giảm sản lượng, ngành chè sụt 50% sản lượng, mất khoảng 425 triệu USD và sản lượng gạo giảm 20% trong vòng 6 tháng đầu năm, khiến nước này phải chi 450 triệu USD để nhập khẩu gạo.

Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm xấu thêm kinh tế của quốc đảo này, vì Nga là thị trường lớn thứ 2 của Sri Lanka về xuất khẩu chè và lĩnh vực du lịch của Sri Lanka phụ thuộc rất nhiều vào Nga và Ukraine.

Hà Nội đang mượn nợ của Bắc Kinh là bao nhiêu?

Từ hiện tình Sri Lanka, cho thấy người dân có quyền thắc mắc là Việt Nam hiện nợ Trung Quốc bao nhiêu, bởi vì chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cảnh báo về các điều kiện không ưu đãi khi vay “tín dụng ưu đãi” của Trung Quốc.

Báo cáo “Cập nhật định hướng thu hút, và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2021-2025”, đã viết như sau (trích nguyên văn):  “…tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự như các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam. Lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0.5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn năm năm…

Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Do đó, định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc”.

Mặc dù số nợ mà Việt Nam nợ Trung Quốc cần theo dõi, nhưng rất tiếc không thể tìm thấy ở bất kỳ thông tin công khai nào trên báo chí, cho đến nghị trường ở các kỳ họp Quốc hội.

Lưu ý, việc quản lý nợ nước ngoài là quan trọng, chứ không chỉ nợ công. Mất khả năng chi trả, có thể đưa đến khủng hoảng kinh tế ngay lập tức, khi các ngân hàng nước ngoài chặn tài khoản quốc gia để đòi nợ. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp nước ngoài đòi con nợ chuyển sở hữu, tức là vĩnh viễn, chứ không chỉ là 99 năm.


Tin bài liên quan:

VNTB- Tham nhũng đang tăng lên trên thế giới, và sự mất mát không chỉ là tiền

Phan Thanh Hung

VNTB – Tham nhũng trong ngành y tế vẫn là tảng băng chìm

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần nhìn nhận vụ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là lũng đoạn nhà nước

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 04.09.2022 6:14 at 06:14

Việt Nam không phải độc đảng toàn trị, mà là dân chủ đa đảng kiểu Bác Hồ . Khác rõ ràng thế mà cứ quên hoài

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo