Ngọc Lan
(VNTB) – Liệu bàn tay của cộng sản miền Bắc ‘nhúng’ đến đâu trong sự kiện được gọi là “Pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963”…?
Câu trả lời có thể được tìm thấy qua đúc kết các tham luận tại hội thảo khoa học: “Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân” hiện còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ở Sài Gòn.
Theo ghi nhận của hai tác giả Triệu Xuyên và Hoàng Chí Hiếu, thì trong mối quan hệ giữa miền Bắc với phong trào này vẫn còn nhiều điều chưa được giải mật, và sự thật ra sao vẫn còn là các đồn đoán của thuyết âm mưu từ các phía liên quan, nhất là nhiều nhà sư ở biến cố này về sau đã là chức sắc tôn giáo được Hà Nội trọng dụng lúc “thống nhất các tổ chức Phật giáo” thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tư liệu của Triệu Xuyên – Hoàng Chí Hiếu cho biết, lúc mà phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 bùng nổ với sự kiện ngày 7-5-1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo thế giới trong Đại lễ Phật đản 1963 bằng Công điện số 9195 ngày 6-5-1963, và hôm sau (8-5-1963), xảy ra vụ thảm sát đẫm máu tại Đài phát thanh Huế, làm tám Phật tử bị thiệt mạng; thì sau vụ thảm sát 48 tiếng đồng hồ, ghi nhận việc đưa tin sớm nhất là thuộc về Đài phát thanh Hà Nội.
Tiếp theo, xã luận báo Nhân dân ngày 15-5-1963 đã viết: “Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật và các tầng lớp đồng bào khác ở Huế là một cuộc đấu tranh chính nghĩa được nhân dân cả nước ủng hộ. Nhân dân miền Bắc vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Huế được sự ủng hộ rộng rãi ở miền Nam. Chúng ta tin chắc cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của đồng bào Huế và ở toàn miền Nam mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”.
Tiếp theo, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, dưới sự dẫn dắt của Đảng, nhân dân miền Bắc đã dấy lên một phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của tăng Ni, Phật tử miền Nam và tố cáo tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Ngày 29-5-1963, Hội các luật sư tại Hà Nội đã ra tuyên bố phản đối hành động của “Chính phủ Việt Nam cộng hoà” đã vi phạm hiệp định Genève và những bản tuyên bố về nhân quyền của Liên hợp quốc; kêu gọi Hội luật gia dân chủ quốc tế và các hội luật gia thợ thuyền trên thế giới lên án “Chính phủ Việt Nam cộng hoà” và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam.
Ngày 3-6-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp cuộc đấu tranh của sinh viên Huế ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo. Sau khi nhận được tin này, Đảng đã tổ chức cho nhân dân Hà Nội mít-tinh, biểu tình lên án Mỹ – Diệm.
Tối ngày 5-6-1963, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội liên hiệp sinh viên và Hội thanh niên Việt Nam, 5 vạn sinh viên các trường đại học và học sinh các trường chuyên nghiệp và phổ thông ở Hà Nội họp mít-tinh tại Nhà hát thành phố, ra tuyên bố tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm và bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của sinh viên và tín đồ Phật giáo miền Nam.
Nổi bật nhất là Lời tuyên bố của người đứng đầu Đảng – chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28-8-1963 đã đưa ra tuyên bố, trong đó có đoạn: “…Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng.
(…) Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, nhất định giành được thắng lợi cuối cùng”.
Trong “Lê Duẩn. Thư vào Nam”, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985, trang 248, có đoạn tái khẳng định về sự hẫu thuẫn của Hà Nội đối với biến cố được gọi là Pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963: “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng , đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng để cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại…
Ghi nhận tại hội thảo khoa học: “Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân”, vẫn còn những quan điểm trái chiều, khi có ý kiến rằng biến cố Phật Đản 63 thường được sử sách nhắc tới nhiều cách khác nhau, như vụ Đài Phát Thanh Huế, vụ cờ Phật giáo, phong trào Phật giáo chống chính quyền, phong trào tranh đấu Phật giáo, vụ Phật Đản 63…
Sử sách đa chiều cho đến bây giờ cũng chưa đồng ý về một vài điểm như lệnh cấm treo cờ Phật giáo, như điều gọi là bài diễn văn của thượng tọa Trí Quang trong lễ Phật Đản 63, cuộc biểu tình tại Đài Phát Thanh Huế đêm Phật Đản, thỏa hiệp giửa chính quyền và Phật Giáo sau vụ Đài Phát Thanh Huế, Hoa Kỳ và biến cố 1963, chiến dịch Nước Lũ 20/8, việc thượng tọa Trí Quang tỵ nạn chính trị trong Tòa Đại Sứ Mỹ, Phật Giáo và Cách Mạng 1/11 v.v…
Giải mật cho biến cố Phật Đản 1963 tại Huế, đến nay dù đã 60 năm nhưng dường như lịch sử vẫn mang tính “định hướng chính trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam.