Minh Tâm (VNTB) “Chúng ta phải là người tiên phong trong sứ mệnh này!”. Nhà báo Bùi Minh Quốc, phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập VN, nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo “Việt Nam: Tự do báo chí” tổ chức hôm 3-7 trong khuôn khổ kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (4/7/2015 – 4/7/2015), chia sẻ của nhà báo Bùi Minh Quốc cũng là ý kiến chung của các hội viên có mặt tại hội thảo.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đề xuất cụ thể:
– Ban Tuyên giáo trung ương hủy bỏ cơ chế định hướng, can thiệp về tư tưởng và nội dung đối với báo chí.
– Đấu tranh đòi Nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các blogger, nhà báo tự do và các nhà bất đồng chính kiến, những người đã bị giam giữ vì đã đăng tải những tin tức và chính kiến trên mạng; hủy bỏ các hành động sách nhiễu và côn đồ đối với giới nhà báo và blogger.
– Chấm dứt việc chặn các trang web độc lập và blog.
– Chấm dứt theo dõi Internet cũng như các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, và chấm dứt việc truy tìm tác giả ẩn danh của những thông tin trên mạng.
– Chấm dứt việc áp dụng những điều 79, 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự – là những điều hạn chế tranh luận công khai về đa nguyên, đa đảng cũng như hạn chế phản biện đối với chính phủ.
– Mở những phiên tòa công bằng đối với nhà báo, blogger và nhà bất đồng chính kiến bị kết tội vi phạm những điều trên. Điều này còn bao gồm việc cho phép họ phát biểu và tự bào chữa trong phiên tòa.
– Cho phép người bị tình nghi được gặp luật sư một cách hoàn toàn riêng tư trong quá trình điều tra của cảnh sát, qua đó họ có thể chuẩn bị việc bào chữa của mình, và cho phép tất cả chứng cứ được trình bày tại toà.
– Điều chỉnh pháp luật Việt Nam cho phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế bằng cách thay đổi hoặc xóa bỏ những điều luật về an ninh quốc gia và những quy định khác nếu chúng hạn chế tự do báo chí và tự do thông tin.
– Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin và nghị định hướng dẫn luật này.
– Ban hành Luật báo chí tư nhân.
– Tôn trọng những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Liên Hợp Quốc trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền năm 2009 và 2014.
– Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin truyền thông tổ chức đối thoại, hội thảo với báo giới và giới trí thức xã hội dân sự, chấp nhận và tăng cường tính phản biện của báo chí.
– Chấp nhận cho nhà báo quốc doanh viết cho truyền thông xã hội và báo chí quốc tế.
– Nhà nước Việt Nam chấp nhận cho các một số báo đài quốc tế như BBC, RFI, VOA, RFA và các NGO về tự do báo chí như RSF, CPJ, PEN đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
– Quốc tế cần hỗ trợ xã hội dân sự Việt Nam để xây dựng những tờ báo mạng chuyên nghiệp.
– Hội nhà báo độc lập Việt Nam cần được hỗ trợ về nghề nghiệp, nhân quyền và bảo vệ nhà báo.
– Các nhà báo và blogger bất đồng chính kiến được tự do đi lại, được trả hộ chiếu (với những người bị thu hộ chiếu) và được tự do xuất nhập cảnh mà không bị ngăn cản.