Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sự tai hại của … thi đua

Nguyễn Đình Ấm

 

(VNTB) – Dân đâu cần thứ gọi là hô hào, thi đua

 

Tôi chưa thấy nước văn minh nào có cái gọi là “thi đua”, băng rôn, khẩu hiệu đầy đường như ở ta. 

 

Chết vì thi đua

Có lẽ thi đua có chút tác dụng nào đó là trong chiến tranh. Bởi vì ở đó thành tích không gắn quá kịp thời với lợi ích. Động lực chủ yếu của người lính trên chiến trường nếu là lính đánh thuê thì phụ thuộc tiền công trong hợp đồng, nếu là chiến tranh vệ quốc thì phụ thuộc chính vào tinh thần yêu nước, căm thù ngoại xâm còn số muốn  “thi đua” để lên quân hàm, sao, vạch theo tôi không nhiều. Quân hàm, sao, vạch ở chiến trường không có giá trị gì ghê gớm. Ngược lại, trong thời bình thì thi đua chủ yếu là có hại.

Lâu nay nhà cầm quyền thường lấy thành tích “thi đua” để cho người nọ, kia lên lương, lên chức.Từ đây mới sinh ra nể nang, dối trá, xu nịnh trong việc bình bàu, báo cáo thành tích. Có quá nhiều ví dụ về sự gian dối tai hại của thi đua, nhất là ở ngành giáo dục. Vì để không kém thành tích của xã khác, quận,huyện khác, sở này, sở khác mà hầu hết các trường công khai gian lận điểm học, thi. Để lớp mình không kém thi đua lớp khác mà học sinh không biết chữ mà cứ đều đặn cho lên tận lớp 6, lớp 7 mới  bị phát hiện.

Hầu hết các tỉnh, thành, quận, huyện học sinh thi tốt nghiệp đạt 97 – 98% dù tỷ lệ học kém rất cao,  các lớp học cũng đạt gần con số ấy học sinh tiên tiến. Phải vậy vì thầy cô cần có con số như vậy để không thua kém các lớp khác, sở giáo dục này không thua kém các sở khác mà mục đích là thăng tiến. Hậu quả là học sinh, sinh viên lên lớp, ra trường nhưng không có kiến thức, thất nghiệp. Nguy hại hơn, tư tưởng dối trá đã được lập trình trong đầu lớp trẻ. Lâu nay các cháu thấy mình có thể tạo ra thành tích bằng cách gian lận, có rất nhiều học sinh quay cóp bài, nhịn ăn sáng lấy tiền thuê bạn làm bài…

Đặc biệt nguy hiểm là “thi đua” trong ngành tư pháp. Khi cần thành tích thì người ta bày ra hàng lô vụ xử án giả như tòa án huyện Đăk Song, công an ép cung tàn khốc để có thành tích phá án, đạt chỉ tiêu “thi đua”. Nhiều vụ ép cung làm oan sai người vô tội, phạm nhân tàn phế, chết trong trại giam ngoài bản tính tàn nhẫn có thể là cố ép cung, nhục hình bắt người ta nhận tội để đạt chỉ tiêu thi đua của điều tra viên và đơn vị. Có lần tôi nghe hai công an  nói chuyện với nhau mà giật mình:

Phường tao toàn gia đình CBVN chẳng có tội phạm, rất khó hoàn thành chỉ tiêu thi đua…

Dư luận có từ “nuôi án” là có cơ sở? Dù công an, “tai mắt” phát hiện tội phạm từ cơ sở, cơ quan,  doanh nghiệp nhà nước nhưng  rất nhiều vụ tham nhũng phá hoại cơ man tiền bạc của dân nhưng nhiều khi 5, 10 năm sau mới phá thì hậu quả đã quá nặng nề. Phải chăng “nuôi” lớn rồi “thịt” mới có thành tích lớn?

Bệnh thành tích 

Ở hầu hết các đơn vị, cơ quan nhà nước cũng bát nháo, dối trá về thành tích mà tôi đã phản ánh trong hai bài: “Về thành tích của quan chức” và “Huân chương như nắp bia, bằng khen như bươm bướm”. Năm nào cũng vậy, bình bầu cuối năm hầu hết người trong cơ quan là “lao động  tiên tiến”, riêng lãnh đạo thì dù bê tha, chểnh mảng đến đâu cũng luôn được CBNV nể nang, sợ hãi bầu cho mức thành tích cao nhất. Đây là sự gian dối nhằm lên lương, lên chức và là lá “bùa phòng vệ” để quan chức có cớ xin giảm tội khi hầu tòa.

Hô hào thi đua, băng rôn, khẩu hiệu đầy đường là thể hiện sự coi thường tính tự giác, tự trọng, trách nhiệm của con người và vô cùng tốn kém, rất dễ tham nhũng vì rất khó đánh giá những băng rôn, khẩu hiệu, tượng đài kia bao nhiêu công sá, vật liệu? Người ta làm việc vì lợi ích cho mình cho dân, cho nước sao lại phải thúc ép? Các nhà tuyên giáo hãy trả lời: 

Tại sao những năm 1967-1968 kinh tế Hợp tác xã ở quê tôi (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) biết bao phong trào thi đua, điển hình tiên tiến, băng rôn khẩu hiệu hô hào, động viên đầy đường, đầy nhà mà năng suất lao động quá thấp, dân đói thê thảm? Nhưng khi bí thư tỉnh Kim Ngọc cho khoán hộ thì lập tức vụ tới năng suất lứa, hoa màu tăng cao dân no và thừa sản lượng nộp cho nhà nước.

Trước 1986 kinh tế bao cấp cũng vô số phong trào thi đua, “mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba”,  băng rôn, cờ quạt rợp trời “Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn” (Tố Hữu) ” nhưng kinh tế vẫn kiệt quệ, dân đói rách khốn cùng để đến năm 1986 bắt đầu phải bãi bỏ hơp tác xã, cho một phần nền kinh tế theo thị trường  thì kinh tế dần dần hồi phục. Dân đâu cần thứ gọi là hô hào, thi đua!

Bị thi đua lừa

Hệ thống thi đua khen thưởng từ trung ương đến cơ sở là bộ máy khổng lồ tiêu phá nhiều tiền bạc, nhân công của xã hội. Ban thi đua, khen thưởng trung ương có đủ lệ bộ như một ngành lớn, nào vụ nọ, vụ kia , ban bệ này nọ nhưng thành tích mà họ công nhận, phê chuẩn thường không thể tin cậy vì cũng dựa vào sự bầu bán, khai báo gian dối của cơ sở và có thể bị “bôi trơn”(Xem biểu hiện kinh tế của lãnh đạo ban thi đua khen thưởng các thời kỳ thì biết có hay không). 

Sự bừa bãi, dễ dãi trong việc bình bầu báo cáo thành tích đã dẫn đến nhận thức sai lệch, lố bịch.Quá nhiều trường hợp người vừa được nhận bằng khen, huân, huy chương tháng trước, năm trước thì năm sau, tháng sau đã bị hầu tòa. Đau nhất là nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước bị lừa trao danh hiệu thi đua cho tội phạm.

Trong vụ Việt Á, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng trao huân chương cho Phan Quốc Việt năm 2022 thì cuối năm 2023 phải hầu tòa. Nhiều dư luận cho là ông “tiếp tay tội phạm” nhưng theo tôi ông bị cấp dưới, ban thi đua lừa mà thôi. Đã bao lần các lãnh đạo, bộ trưởng trao huân, huy chương, bằng, giấy khen kiểu như vậy. Ông Nguyễn Xuân Phúc phải kêu lên: “Bằng khen, huân huy, chương nhiều quá, tôi ký quá mỏi tay”.

Cũng nhiều lần lãnh đạo bắt tay, bá vai khích lệ những kẻ chỉ sau thời gian ngắn đã thành tội phạm. Nói chung ông lãnh đạo nào cũng bị thứ gọi là “danh hiệu thi đua” lừa và trao thành tích sai đối tượng. Theo thông tin trên mạng thì nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế còn tự ký bằng khen cho mình…

Ông Nguyễn Công Khế nhận bằng khen do ông tự ký.

Một chính quyền, nhà nước phải tạo ra công bằng xã hội, có cơ chế để mọi người cố ham công việc, sáng tạo chứ không phải là hô hào. Ở nhiều nước người ta phải quy định số giờ tối đa công dân được làm để bảo vệ sức khỏe người lao động. Ở Nhật nhiều người làm việc đến ngất xỉu đâu có cần thi đua và những băng rôn, khẩu hiệu đầy đường?

Như vậy, “thi đua” là duy ý chí, không có cơ sở khoa học, vô tác dụng nhưng  làm cho xã hội bát nháo tốt, xấu lẫn lộn mà đặc biệt nguy hiểm là tạo nên một xã hội dối trá góp phần làm suy đồi đạo đức xã hội.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Từ điển của tôi về vụ Đồng Tâm ( Phần 1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghịch lý không: Thủ tướng chưa hiểu rõ “chế độ ta”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chế độ độc tài: Lợi và hại

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo