Thới Bình
(VNTB) – Các đối tượng vào nhóm này, chủ yếu có điều kiện, chúng thường hẹn nạn nhân ở một thời điểm, hay địa điểm nào đó do đối tượng chọn trước. 1 tháng chỉ gặp nhau chỉ một lần….
Xâm hại tình dục trẻ em kiểu “em gái mưa”, “sugar baby” ở Việt Nam giờ đang là… ‘bình thường hóa’ đến mức dường như người ta coi đó là chuyện “không gì mà ầm ĩ” (?!)
Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026, Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – UNICEF 2022 – 2026, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về phòng, chống xâm hại người chưa thành niên”.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh có nhìn nhận là qua nghiên cứu chuẩn mực và thực tiễn quốc tế cho thấy, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam cũng như thực tiễn hoạt động của các cơ quan tố tụng tư pháp hình sự chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Công ước quyền trẻ em trên các phương diện bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại, bỏ mặc và bóc lột.
Các biện pháp này chưa đủ hoặc chưa đủ mạnh do chưa dự liệu hết các hành vi và các quan hệ xã hội cần điều chỉnh.
Mặt khác, sự phát triển của công nghệ và sự phát triển nhanh chóng các trang mạng xã hội cũng làm cho tình hình phạm tội liên quan đến mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em trở nên phức tạp. Thực trạng đó đòi hỏi có những thay đổi về quan niệm, định nghĩa lại các thuật ngữ, khái niệm liên quan để bảo vệ trẻ em tốt hơn, đồng thời thúc đẩy tội phạm hóa các hành vi do các chủ thể thực hiện ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau…
Bà Nguyễn Thị Hạnh nói rằng khi so sánh với pháp luật một số quốc gia cũng như chuẩn mực quốc tế cho thấy pháp luật hình sự Việt Nam còn thiếu một số quy định, như chưa có tội danh về mồi chài, dụ dỗ và lôi kéo trực tuyến người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi xâm hại tình dục; hình phạt chưa đủ nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại và ngược đãi người dưới 18 tuổi.
Đối với quy trình tố tụng và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng như thực tiễn xử lý mới đang dần tiếp cận hoặc có xu hướng tiếp cận chuyên biệt để giải quyết các vụ án liên quan đến người bị hại và người làm chứng chưa thành niên, nhưng còn thiếu cách thức, biện pháp để thực hiện mục tiêu, phương thức thủ tục tố tụng nhạy cảm, tăng cường các biện pháp và phương thức tiếp cận pháp lý nhạy cảm.
Theo đó, các tiêu chuẩn tố tụng hình sự, quy trình cũng cần được nghiên cứu sửa đổi để có tính nhạy cảm hơn với người chưa thành niên, có tính đến hoàn cảnh cá nhân, nhu cầu, tuổi tác, giới tính, khuyết tật và mức độ trưởng thành của trẻ em, bảo đảm tôn trọng tối đa thể chất, tinh thần… của trẻ em, bảo vệ cao nhất và vì quyền lợi của trẻ em.
Trong tố tụng hình sự, các nguyên tắc ứng xử với trẻ em phải khác biệt so với người lớn như các vấn đề điều tra nhạy cảm, thông tin, hỗ trợ, trợ giúp, các vấn đề về quyền riêng tư.
Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết về hình thức mại dâm đang phổ biến thông qua mạng xã hội, đó là có những em cả nam và nữ chụp ảnh đưa lên mạng sau khi kết bạn vào một ‘group’ là nhóm kín. Nhóm này sau đó đã chia sẻ hình ảnh của nhau. Các đối tượng sẽ vào nhóm này rồi mồi chài các em sử dụng hình ảnh như thế này, hay quan hệ với những người như thế này sẽ được một khoản tiền trong một tháng.
Các đối tượng cũng dùng hình ảnh của các em để mồi chài người mua dâm dưới 16 tuổi. Hình thức này rất biến tướng, và đối tượng môi giới không xuất hiện, hoàn toàn sử dụng mạng xã hội nên rất khó trong quá trình điều tra.
Thứ hai, theo thượng tá Phạm Mai Hiên thì việc mua bán này hoàn toàn được sự đồng ý của các em cũng như sự thỏa thuận của đối tượng. Sau khi đối tượng môi giới thành công, có được một khoản tiền sẽ khóa ngay tài khoản facebook, cho nên có nhiều đối tượng cơ quan điều tra bị mất dấu đối tượng.
“Thậm chí chúng ta chỉ cần gõ tên nhóm “Trai xinh, gái đẹp”, hay tên nhóm Kết bạn, Làm quen, hoặc Cần tìm bạn để nói về một chủ đề như: Chủ đề về du học, hay tiếng Anh chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp thực trạng trên.
Các đối tượng vào nhóm này, chủ yếu có điều kiện, chúng thường hẹn nạn nhân ở một thời điểm, hay địa điểm nào đó do đối tượng chọn trước. 1 tháng chỉ gặp nhau chỉ một lần…. Do vậy, đây là hình thức mại dâm không diễn ra theo quy luật, các nạn nhân không phải là đối tượng bị bắt trong các đường dây mại dâm, hoặc có lịch sử mua bán mại dâm nên rất khó khăn trong quá trình đấu tranh”.
Bà Phạm Mai Hiên đã cho biết như vậy.
Một nguồn tin cho biết, liên quan vấn đề trên, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được Tòa án nhân dân tối cao đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.