Thạch Hãn
(VNTB) – Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh năm nay âm là do xuất khẩu của Samsung giảm sâu
Thái Nguyên, Bắc Ninh là địa phương thay da đổi thịt nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trong số đó có sự hiện diện của những dự án tỉ USD của Samsung (Hàn Quốc).
Năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập tại Bắc Ninh. Đây là một quyết định lịch sử đặt nền móng cho quá trình đại đầu tư của Samsung Việt Nam. Sau 14 năm, trong tổng số gần 19 tỷ USD vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam, số vốn đầu tư tại Bắc Ninh chiếm gần một nửa, đạt hơn 9,3 tỷ USD.
Năm 2013, sau 5 năm tập trung đầu tư tại Bắc Ninh và đã gặt hái được rất nhiều thành công, Samsung chính thức quyết định tiếp tục đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Sau một năm triển khai dự án, vào năm 2014, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), là nhà máy sản xuất thiết bị di động có quy mô lớn nhất của Samsung trên toàn cầu đã chính thức hoàn thành đi vào sản xuất để xuất khẩu ra thị trường thế giới những dòng điện thoại chiến lược cao cấp nhất của Tập đoàn.
Liên tục các năm sau đó, Samsung giữ lời hứa thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Gần đây nhất, việc tăng vốn 920 triệu USD của Samsung tại nhà máy SEMV đã khiến tổng vốn đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên đạt gần 7,3 tỷ USD.
Trao đổi với báo chí, một đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh năm nay âm là do xuất khẩu của Samsung giảm sâu. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh rơi vào tăng trưởng âm. Cũng theo Tổng cục Thống kê, với xu hướng hiện nay sẽ có 5-6 tỉnh tăng trưởng âm trong năm nay.
Bên cạnh các tỉnh có tăng trưởng kinh tế âm, vẫn có một vài địa phương có tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong 10 tháng của năm nay, xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện (phần lớn do Samsung xuất khẩu) đạt khoảng 44,02 tỷ USD, bằng 87,4% cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng âm của Bắc Ninh trong năm 2023 được UBND tỉnh này cho rằng là do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo. Ngoài ra, kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cho rằng công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian, thiếu chủ động trong tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và các biện pháp, giải pháp có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội.
Số liệu tăng trưởng của tỉnh Bắc Ninh năm 2023 còn kém lạc quan hơn thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hai năm 2020 và 2021, Bắc Ninh vẫn đạt kết quả tăng trưởng dương. Ngoài ra, Bắc Ninh cũng đối diện với nhiều số liệu kém vui khác. Đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 78,9% kế hoạch; Thu ngân sách nhà nước đạt 88,4% dự toán; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn kế hoạch 0,6%…
Số lao động mất việc, giảm giờ làm tăng và chỉ số sử dụng lao động giảm 7,45%. “Năm 2023 giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 12.000 lao động, tăng 4,3% so với năm 2022”, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.