Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tại sao bạo lực ở người trẻ gia tăng?

Minh Triều

 

(VNTB) – Nhiều người trẻ sẵn sàng đánh nhau, thậm chí là giết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội.

 

Theo thống kê mới nhất của bộ công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực có đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu “trẻ hóa” và mức độ ngày càng nghiêm trọng. (1)

Từ những vụ việc thực tế cho thấy, hiện nay tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang trên đà diễn biến phức tạp. Các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động, nguy hiểm khiến dư luận không khỏi bất an.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã đưa ra xét xử lưu động vụ án hình sự với 44 bị cáo trong vụ “gây rối trật tự công cộng”. Nguyên nhân là do Huỳnh Nhựt Trường (18 tuổi) cho rằng Nguyễn Văn Khánh Duy (19 tuổi) đăng hình của bạn gái mình lên mạng xã hội Facebook là không đúng, nên cả hai thách thức đánh nhau.

Hai nhóm thanh niên dẫn theo hàng chục bạn bè, mang theo hung khí, chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, lấn trái đường, nẹt pô, la hét, áp sát người đi ngược chiều, dùng điện thoại ghi hình và phát trực tiếp lên Facebook để chứng tỏ bản lĩnh. Điều đáng nói là tất cả 44 thanh thiếu niên này đều trong độ tuổi từ 16 đến 18. (2)

Ngoài mạng xã hội, thì game online cũng là một trong những nguyên nhân thường xuyên được nhắc đến trong những vụ án nghiêm trọng do thanh thiếu niên gây ra. Những thanh thiếu niên nghiện game bạo lực thường rất dễ bị kích động. Họ dễ dàng nghe theo lời rủ rê tham gia các vụ đánh nhau, đua xe trái phép hoặc hẹn hò, dụ dỗ quan hệ tình dục…

Tháng 5-2019, một thanh niên xông vào Trường tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) dùng dao đâm chém loạn xạ vào học sinh. Sự việc khiến một học sinh lớp 5 tử vong, 4 học sinh và 1 cô giáo bị thương. Điều tra của công an cho thấy thanh niên trên có biểu hiện nghiện game. Đối tượng không có việc làm, ít nói, nhốt mình trong phòng chơi game suốt ngày.

Năm 2018, một vụ án nghiêm trọng xảy ra ở huyện Quế Phong, Nghệ An khi cậu bé 11 tuổi dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong. Sự việc xuất phát từ một nguyên nhân lãng xẹt: nạn nhân tranh luận với hung thủ về một nhân vật trong game dẫn tới xích mích.(3)

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dễ đưa lứa tuổi thanh thiếu niên đến hành vi phạm tội là do thiếu sự quan tâm, chia sẻ, quản lý của gia đình. Đặc biệt là những gia đình ly hôn, cha mẹ bất hoà, thường xảy ra bạo lực.

Ngoài sự tác động từ cách giáo dục của gia đình còn phải kể đến môi trường giáo dục ở trường học. Hệ thống giáo dục hiện nay chỉ tập trung nhiều vào việc truyền đạt kiến thức học thuật mà không chú trọng vào việc giáo dục đạo đức và giá trị nhân văn. Điều này đã dẫn đến việc thiếu kiến thức về cách thức đối nhân xử thế và hậu quả của hành vi bạo lực.

Tình trạng bạo lực ở thanh thiếu niên thường bị nhà trường đổ lỗi cho gia đình không biết cách quản lý con cái. Giáo viên và những người làm giáo dục cho rằng nhân cách con người được hình thành từ gia đình.

Tuy nhiên, trong bố cảnh kinh tế, xã hội hiện nay, cha mẹ thường xuyên phải đi làm từ 8 tiếng, thậm chí tăng ca lên tới 12 tiếng mỗi ngày để đảm bảo đủ chi phí cho gia đình nên phụ huynh buộc phải giao phó con mình vào nhà trường. 

Nếu nhà trường và gia đình không đảm bảo kết hợp giáo dục được con em, thì Nhà nước cần phải coi lại chính sách. Không chỉ là chính sách giáo dục, mà còn là chính sách về lao động, kinh tế, an sinh xã hội… Qua đó bảo cho phụ huynh có thể được giảm giờ làm để lo cho con cái, nhưng vẫn có mức thu nhập cần thiết để nuôi sống gia đình, không bị gánh nặng tài chính gây áp lực như hiện nay. Nhưng có lẽ, chuyện này chỉ thực hiện được ở một xã hội dân chủ, công bằng; còn Việt Nam thì không!

 

_______________

Tham khảo:

(1) https://laodong.vn/chuyen-nha-minh/nhung-con-so-biet-noi-ve-nan-bao-luc-hoc-duong-1181907.ldo  
(2) https://tuoitre.vn/xet-xu-44-nguoi-cam-hung-khi-di-danh-nhau-vi-mau-thuan-tren-facebook-20240410084353468.htm

(3) https://tuoitre.vn/be-trai-5-tuoi-chet-nghi-do-bi-nam-sinh-nghien-game-giau-mot-can-benh-moi-dang-bi-lo-la-20200611114929087.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trạng thái “bầy đàn” của xã hội Việt Nam: bạo lực lên ngôi, thể chế bất lực

Phan Thanh Hung

VNTB – Trẻ mẫu giáo cũng “rửa chân cho mẹ”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cay đắng thay bốn chữ “đàng hoàng dạy thêm”

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 12.04.2024 5:19 at 05:19

“chuyện này chỉ thực hiện được ở một xã hội dân chủ, công bằng; còn Việt Nam thì không!”

Níu chiện này chỉ thực hiện được ở một xã hội dân chủ, công bằng, Mỹ aint the place. Chiện bạo lực trong giới trẻ Mỹ đứng đầu thiên hạ

Chỉ nhắc cho mọi người nhớ, “chiện này” aka “chính sách về lao động, kinh tế, an sinh xã hội… Qua đó bảo cho phụ huynh có thể được giảm giờ làm để lo cho con cái, nhưng vẫn có mức thu nhập cần thiết để nuôi sống gia đình, không bị gánh nặng tài chính gây áp lực như hiện nay” đã được thực hiện dưới thời Dân Chủ Cộng Hòa của Cụ Hồ . Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cũng chỉ ra hiện giờ Đảng chỉ mạo danh Cộng Sản, nên độc tài toàn trị . Nên chăng Đảng cần trở về với bản tính Cộng Sản ô la zin của mình ?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo