Hiền Vương
(VNTB) – Cho đến nay, Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn im lặng trước chuyện Thượng tọa Thích Nhật Từ đang bị công khai hạ nhục.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, Sài Gòn đang bị cộng đồng mạng tiếp tục trào lộng quanh ‘trend’ “ngu như bò”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ còn là Phó Viện trưởng Thường trực của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một nguồn tin hành lang cho biết, Thượng tọa Thích Nhật Từ còn là trụ trì chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).
Tu sĩ Thích Nhật Từ xuất gia vào năm 1984 tại chùa Giác Ngộ với Hòa thượng Thích Thiện Huệ lúc 14 tuổi, thọ giới tỳ kheo năm 1988. Tháng 12 năm 2010, lúc được 41 tuổi, tu sĩ Thích Nhật Từ chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa sớm hơn ba năm so với quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là phải 45 tuổi đời, 25 tuổi hạ.
Hiện tại, Thượng tọa Thích Nhật Từ là Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Thượng tọa Thích Nhật Từ là “bị hại” trong vụ án mà ông đã đứng đơn thưa về việc ông đã bị một nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai (về sau được đổi tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ), đã có một lần gọi ông là “Nhật Từ ngu như bò” trên youtube.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm kết thúc, và Thượng tọa Thích Nhật Từ đã bị cộng đồng mạng xã hội trào lộng đủ kiểu trong liên tưởng tới con bò, như món phở bò, phô-mai “Con Bò Cười” nổi tiếng của Pháp…
Tuy nhiên cho đến nay Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn im lặng trước chuyện Thượng tọa Thích Nhật Từ đang bị công khai hạ nhục. Trước đó, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An là “bị hại” để ra tòa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, phía Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng im lặng.
Sự im lặng kể trên là khó hiểu và không phù hợp với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều 19 của Hiến chương này, ghi quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng Trị sự của Giáo hội như sau (trích):
“Là cơ quan duy nhất giữ quyền phát ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có trách nhiệm về nội dung phát ngôn do các cơ quan, cá nhân trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện; quản lý hoạt động thông tin truyền thông có liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các tổ chức, cá nhân phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Đạo Phật nói chung và đến tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và các thành viên.
Đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cơ sở tự viện và thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kiểm tra, xử lý các vi phạm Giáo luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy và các quy định khác của Giáo hội.Phê chuẩn kế hoạch, chương trình hoạt động Phật sự của Ban, Viện Trung ương, Văn phòng Trung ương Giáo hội, các tổ chức cơ sở và thành viên trực thuộc Trung ương Giáo hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh”.
Từ nội dung của Hiến chương cho thấy có lẽ Hội đồng Trị sự của Giáo hội không cho rằng các phát ngôn, cách thức tu hành của những người ở Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là vi phạm luật Phật, cũng như pháp luật hiện hành, nên Hội đồng Trị sự của Giáo hội đã không đưa ra yêu cầu nào về chuyện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.