VNTB – ‘Tám’ chuyện thiên hạ: nhân quyền trong đi lại

VNTB – ‘Tám’ chuyện thiên hạ: nhân quyền trong đi lại

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Tại sao lại hăm he tước quyền tự do chọn lựa phương tiện đi đường của người dân?

 

Nghị định 48 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Có thể nói, đây là một vấn đề hoàn toàn không mới đến từ Chính phủ. Nếu họa chăng mới, thì đó là câu chuyện cũ được đặt trong bối cảnh hoàn toàn mới, bình thường mới sau gần 1 năm phải giãn cách vì chỉ thị 16 với nhiều khó khăn hơn trong công việc, với sự mất mát cũng như “thiếu trước hụt sau” trong chén cơm hằng ngày.

Ủng hộ cho vấn đề này, đó là ý kiến, mà theo nhiều bài báo viết, đến từ chuyên gia. Vậy còn người dân thì như thế nào?

“Tôi thật không hiểu các vị muốn cái gì. Chính sách có phù hợp hay không, cứ nhìn vào thực tế, cũng đủ để trả lời. Bao nhiêu người có khả năng sắm xe hơi khi một chiếc xe hơi cũng bị “áp” nhiều loại thuế?

Bao nhiêu người có sức khỏe ổn để đi lại bằng phương tiện công cộng? Những người bệnh, khó khăn trong vấn đề đi lại, mỗi khi đến kỳ hẹn tái khám thì như thế nào? Rồi đi cấp cứu nửa đêm, thời gian vàng…

Những người đó cũng có nhu cầu đi vào các đoạn đường mà “hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030” chứ. Nghị định, nghị quyết gì tôi không biết. Chỉ mong “ngó xuống” trước khi ban hành”, ông Văn Minh, một cư dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến.

Độc giả bút danh T.Q.V. chia sẻ trên mạng xã hội: “Thực tế và khả năng từng địa phương có cho phép làm được chứ? Trong khi xe hơi thì tại Việt Nam bán giá cao ít nhất 2,5 lần so với nước ngoài, có xe bán cao gấp 3-4 lần so với xứ người.

Hệ thống xe buýt nội thành thì rất bất cập vì đường nhỏ mà xe thì to đùng gây bất tiện việc đón xe xuống xe lúc cao điểm tan tầm. Rồi đêm hôm có bệnh tật đau nhức cần cấp cứu gọi xe cấp cứu đến thì người nhà đã qua đời. Nước ta là nước nghèo mà cứ mơ giống xứ Châu Âu thì có hàng tỉ năm nữa cũng chưa được, thôi thì có sao cứ xài vậy để khỏi hao tốn thêm tiền của dân”.

“Ra lệnh cấm thì dễ, nhưng cấm rồi phải làm sao đảm bảo để người dân đi lại thuận tiện, nhất là vận chuyển hàng hóa. Thử hình dung đi mua 10kg gạo, vác được 10kg gạo đến trạm xe buýt, metro rồi từ trạm xe buýt vác về đến nhà thì sao? Nhiều người ở trong hẻm sâu, chỉ có gắn máy mới vào được.

Rồi Tết đến, đi mua hoa, làm sao vác được chậu mai, chậu quất, … về nhà; ngay cả mang 1 cành đào mà lên xe buýt, metro có được không?”, độc giả Quan chia sẻ.

“Dừng, hạn chế xe máy, chẳng khác gì đập chén cơm của tôi cả. Lớn tuổi rồi, sức khỏe cũng không cho phép làm gì nặng nhọc. Tôi cũng còn có gia đình. Không chạy xe ôm, cũng không biết làm gì. Không lẽ chính phủ ép tôi phải đi ăn xin hay đi ăn trộm?

Mà đã gọi là xe ôm thì đâu biết khách muốn đi đâu. Có người ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp có nhu cầu đi quận 1 hay quận 3, hoặc ghé bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bình Dân, nếu dừng hoặc hạn chế diện rộng, khi đó sẽ như thế nào?”, ông Tám, mấy chục năm chạy xe ôm, bức xúc.

“Sống ở thành phố mà không có xe như cùi chân, đâu làm ăn được gì hết. Muốn đi đâu đó thì đi đâu, đi bộ hả? đi xe đạp? đi xe đạp đâu chở được. Còn đi xe buýt, ví dụ đợi chờ mệt nữa, đủ có đúng tới nơi tới chốn đâu.

Đi, nhiều khi cái tuyến đường này đó phải đi mấy chặng xe rồi hơn nữa không có thời gian nữa, nhiều khi người ta cần cấp người ta phải đi. Xe máy là phương tiện là quan trọng nhất thôi, của người dân thôi”, ông Lễ, lao động tự do, nhận xét.

“Nếu tôi nhớ không lầm, nghị định hay nghị quyết đều dưới luật. Luật không cấm tự do đi lại, không cấm phương tiện đi lại thì nghị quyết, có lẽ, cũng không được quyền cấm. Anh không thể vì một suy nghĩ cá nhân hay ý thích vài nhóm người mà muốn cấm là cấm. Người dân không phạm pháp, được cái quyền tự do đi lại. Theo tôi nghĩ là vậy”, ông Tư lập luận.

Theo độc giả Yêu Sài Gòn thì: “Nếu không cấm xe máy thì tôi không bao giờ đi xe buýt, thậm chí miễn phí cũng không. Vì đi xe máy sướng hơn”…

Lượm lặt từ bốn phương, thêm vào đó là thực tế, ở Thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện hạn chế rồi có thể tiến tới dừng hẳn xe gắn máy chỉ khả thi nếu đời sống, đường sá, dịch vụ được cải thiện.

Trong khi hiện tại, phần đông người dân vẫn đang mưu sinh bằng phương tiện xe gắn máy, mà vẫn duy ý chí áp dụng nghị định 48, thì Việt Nam có còn đi đúng với phương châm, một đất nước “của dân, do dân, vì dân”?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)