Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tầm nhìn trăm năm cho TP.HCM: Kịch bản phát triển kinh tế biển nào cho Cần Giờ?

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

 

Sự thành bại của Cần Giờ trong tương lai sẽ tùy thuộc vào việc chọn được kịch bản phát triển bền vững phù hợp, và việc chuẩn bị tốt thế nào để ứng phó với các tác động môi trường và nguy cơ tiềm ẩn, để thế hệ mai sau được hưởng lợi ích dài lâu…

 

Trong 280 năm phát triển kể từ 1698, Sài Gòn không có biển. TP.HCM chỉ mới nối ra biển Đông từ khi huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) được sáp nhập vào năm 1978.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, và các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Cần Giờ có trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch, là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông… 

Trong hơn 40 năm qua, huyện Cần Giờ vẫn chỉ là vùng nông thôn, còn các công trình cảng biển của thành phố chủ yếu nằm sâu trong đất liền, ở bờ bên kia sông Soài Rạp.

Phát triển bất động sản Cần Giờ chỉ bắt đầu từ thập niên 2000, với dự án Khu đô thị du lịch lấn biển, có quy mô cho 8.000 dân và 25.000 khách du lịch/năm. Đến năm 2020, khi chủ trương nâng quy mô đầu tư dự án lên 2.870 ha được Thủ tướng chấp thuận, thì bắt đầu có sự vận động chính quyền các cấp, để đưa dự án Khu đô thị du lịch lấn biển trở thành một trong những động lực phát triển chính của Cần Giờ, cũng là động lực phát triển quan trọng trong phát triển kinh tế biển tương lai của TP.HCM.

Khác với các khu đô thị biển thông thường, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ phải đặt trong một tình huống khá đặc biệt, vừa thuận lợi vừa khó khăn về vị trí và điều kiện tự nhiên, vừa phải xây dựng đô thị mới vừa phải bảo tồn sinh thái, vừa muốn phát triển du lịch cao cấp và cảng biển nước sâu, vừa phải cạnh tranh trên thế yếu về điều kiện tự nhiên và tương lai kết nối vùng, khi so với Vũng Tàu và Phú Mỹ – nơi có thể nói đang sở hữu điều kiện phát triển kinh tế biển thuận lợi hơn rất nhiều so với Cần Giờ.

Các câu hỏi chiến lược cần được trả lời với tầm nhìn trăm năm của phát triển tương lai, là có nên đặt lên vai Cần Giờ trách nhiệm quá khó khăn, bằng mọi giá phải trực tiếp cạnh tranh trên thế yếu với Vũng Tàu và Phú Mỹ, để trở thành trung tâm kinh tế du lịch biển và cảng biển chính của toàn vùng vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ? Hay là nên tập trung hơn cho phát triển Cần Giờ theo lợi thế mạnh nhất mà vùng đất đang sở hữu – giá trị du lịch sinh thái, di sản văn hóa lịch sử, và kinh tế môi trường của “lá phổi xanh” quan trọng nhất của TP.HCM?

Làm sao để khuyến khích nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Cần Giờ theo hướng công tư hợp tác, trong khi vẫn giữ vững định hướng phát triển bền vững, phù hợp với lợi ích lâu dài của Cần Giờ và của toàn thành phố? Cần làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế biển của TP.HCM theo hướng kết nối và hợp tác Vùng đô thị TP.HCM và Chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ?

Để trả lời cho những câu hỏi này, cần phải được chuẩn bị với tư duy mở (Growth mindset) thay cho tư duy đóng (Fixed mindset), tư duy đột phá thay cho tư duy bảo thủ, tư duy phát triển bền vững thay cho tư duy phát triển kinh tế bằng mọi giá, và tư duy lợi ích chung thay cho tư duy lợi ích cục bộ địa phương, tư duy tầm nhìn trăm năm thay cho tư duy theo nhiệm kỳ, và tư duy quy hoạch kết nối và hợp tác vùng thay cho tư duy quy hoạch theo địa giới hành chính!

Hưởng ứng sự cầu thị và lời kêu gọi của lãnh đạo TP.HCM mời các chuyên gia góp ý cho đề xuất định hướng phát triển hướng ra biển, bao gồm các đề xuất phát triển Cần Giờ, cũng là một thành phần quan trọng trong các đề xuất định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến 2040 – tầm nhìn đến 2060 trong thời gian tới, bài viết này đưa ra một số góp ý cho các vấn đề trên, dưới góc nhìn khoa học về quy hoạch xây dựng đô thị, thông qua minh họa so sánh ba kịch bản phát triển cho Cần Giờ, trong tương quan phát triển của TP.HCM trong Vùng đô thị TP.HCM, đặc biệt là trong Vùng vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ.

Kịch bản 1: Huyện đảo Cần Giờ sinh thái

Kịch bản 1 chủ trương phát triển bền vững quy mô nhỏ, gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường. Có thể nói đây là kịch bản đã và đang được thực hiện từ 1978 cho đến nay, gồm có hai định hướng chính: Một là phát triển trên cơ sở bảo tồn giữ gìn giá trị sinh thái, và hai là phát triển đô thị phía Nam gắn với dự án Khu du lịch lấn biển quy mô nhỏ (600 ha).

Theo Quyết định của Thủ tướng năm 2010 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, Quyết định của UBND TP.HCM năm 2012 về phê duyệt Quy hoạch Cần Giờ đến năm 2025, và các quyết định chủ trương có liên quan, thì Cần Giờ được định hướng như sau:

– Phát triển huyện đảo nông thôn Cần Giờ với diện tích 71.022 ha, bao gồm 600 ha mở rộng của Khu đô thị du lịch lấn biển, có quy mô dân số khoảng 72.000 người (năm 2019), trong tương lai tăng đến 300.000 người.

– Không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (75.740 ha).

– Thu nhập kinh tế Cần Giờ chủ yếu thông qua khai thác du lịch sinh thái kết hợp công tác bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, thương mại dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp xây dựng.

Kịch bản này có ưu điểm: Dành ưu tiên hàng đầu cho bảo tồn môi trường, giữ gìn được giá trị sinh thái của khu vực; Chủ yếu tập trung dân cư ở khu vực phía Nam và phía Tây của Cần Giờ, với cơ hội dành quỹ đất dự trữ lớn cho phát triển tương lai; Dự án lấn biển quy mô vừa phải, khả thi cao về kinh tế xã hội, và có thể dễ dàng kiểm soát tác động môi trường dưới mức cho phép, đồng thời bảo vệ được 2/3 lối tiếp cận trực tiếp ra biển cho dải dân cư hiện hữu phía Nam… 

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục: Trục giao thông chính Bắc Nam – đường Rừng Sác được quy hoạch với một đoạn đi quá gần vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, nên khi mở rộng quy mô và tăng mật độ giao thông trong tương lai, có thể gây ô nhiễm và tạo điều kiện cho phát triển đô thị tự phát sát khu vực vùng lõi này; Thiếu kết nối giao thông tiện lợi và trực tiếp giữa khu vực phía Nam và phía Tây Cần Giờ; Chưa khai thác tốt nhiều giá trị tiềm năng khác còn đang ngủ quên của Cần Giờ…

Kịch bản 2: Đô thị biển – động lực Cần Giờ với Cảng biển trung tâm

Từ 2020, kịch bản 2 được khởi xướng, với ưu tiên phát triển mạnh kinh tế đô thị biển, để tạo cực động lực phát triển mới phía Đông Nam TP.HCM. Tổng hợp các thông tin hội thảo và truyền thông trong hai năm qua, có thể thấy những đề xuất theo hướng kịch bản 2 khá táo bạo, tương phản so với kịch bản 1, với những ý chính như sau:

– Cần Giờ sẽ trở thành thành phố thuộc TP.HCM cho hơn 600.000 dân, bỏ qua bước xây dựng Cần Giờ từ huyện thành quận, với hy vọng sẽ đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế biển chính cho thành phố về phía Tây Nam.  

– Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.780 ha, dự kiến trở thành siêu dự án phức hợp trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, chung cư cao tầng, nhà ở liên kế, biệt thự cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, bến du thuyền,… cùng chuỗi tiện ích nội khu hiện đại với tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, cho hơn 220.000 dân, và cho hơn 9 triệu lượt khách du lịch hàng năm. 

Quy mô dự án địa ốc này lớn hàng đầu ở Việt Nam, rộng hơn khoảng 4 lần so với Khu đô thị mới Thủ Thiêm và hơn vài chục lần so với quy mô ban đầu cho 8.000 dân và 25.000 khách du lịch/năm.

– Cầu Cần Giờ sẽ được xây thay thế cho phà Bình Khánh, với vốn đầu tư dự kiến 5.300 tỷ đồng.

– Cảng biển trung tâm sẽ được xây dựng trong tương lai, trong số 4 vị trí tiềm năng đang được Sở Giao thông Vận tải đề xuất, trong tương lai có thể phát triển thành cụm cảng trung tâm logistics đường biển quan trọng hàng đầu của TP.HCM, với quy mô có thể lớn hơn để thay thế cụm cảng Thị Vải – Cái Mép trong tương lai, đi kèm với xây dựng mới hệ thống đường cao tốc và đường sắt kết nối hiện đại nối vào cảng.

– Cầu Cổng vàng vượt biển nối liền Cần Giờ với Vũng Tàu sẽ được xây với chiều cao phù hợp cho các tàu trọng tải lớn chui qua, theo ý tưởng cầu Golden Gate (San Francisco).

– Sân bay Cần Giờ sẽ được xây để đón khách du lịch.

Các đề xuất của kịch bản này đưa ra những viễn cảnh hấp dẫn: Tăng thêm diện tích đất sử dụng cho Cần Giờ và tạo thêm cơ hội đầu tư phát triển các dự án địa ốc với diện tích sàn đáng kể tại Cần Giờ; Nếu dự án đô thị thành công, có thể hình thành một khu đô thị đảo biển văn minh hiện đại và tăng đáng kể thu nhập ngân sách cho TP.HCM; Nếu dự án cảng biển quy mô vùng thành công, có thể giúp thành phố củng cố vị thế TP.HCM như đô thị trung tâm Vùng đô thị TP.HCM, và Cần Giờ như đô thị biển trung tâm trong Chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ.

Tuy nhiên, nhiều đề xuất theo kịch bản này vẫn còn tiềm ẩn một số nguy cơ, mà cho đến nay chưa có sự trả lời thỏa đáng, nên cần phải cân nhắc thận trọng:

Về bảo vệ môi trường sinh thái: (1) Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ bị tổn hại không ít, vì phải thu hẹp diện tích để dành chỗ cho các dự án, và do tác động nhiều mặt của tăng mật độ lưu thông trên trục đường Rừng Sác chạy sát khu vực lõi; (2) Việc đô thị hóa sẽ làm tăng mạnh tỷ lệ bê tông hóa vùng đất thấp ngập nước và mức khai thác nước ngầm để sử dụng, làm tăng nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền; (3) Nguồn cung cấp lượng lớn đất cát cần thiết để lấn biển và tôn nền đô thị biển, trong bối cảnh sạt lở đất đai ngày càng gia tăng ven các con sông của khu vực, do khai thác cát quá độ.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Trong nhiều báo cáo khoa học quốc tế, Cần Giờ và vùng giáp biển Đông Nam bộ được cảnh báo là một trong 10 khu vực có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất thế giới, mà nguyên nhân chính là do tập trung dân cư cao ở vùng đất thấp. Việc thu hút thêm dân về vùng thấp để tăng dân số lên gần 10 lần, thay vì chọn giãn dân lên vùng đất cao, có thể sẽ tạo nên gánh nặng lớn lên ngân sách tương lai, khi phải nâng nền đô thị và hạ tầng, xây đê biển bao quanh,… để xử lý về sau.

Về tiêu chí quan trọng 3S (Nắng, biển, bãi biển – Sun, Sea, Sand) cần thiết cho phát triển đô thị du lịch biển cao cấp: thì Cần Giờ có hai điểm yếu cơ bản, (1) Bãi biển chất lượng kém, do vị trí cửa biển giao nhau, làm cho cát lẫn nhiều bùn đất phù sa; (2) Nước biển đục do phù sa, và còn có nguy cơ ô nhiễm cao do hoạt động tàu biển và xà lan mật độ cao. Trong toàn Chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ, thì Vũng Tàu – Long Hải – Bình Châu có 3S tốt nhất, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh rất mạnh về du lịch biển cao cấp so với Cần Giờ.

Về tiêu chí vị trí chiến lược để phát triển cảng biển: Cần Giờ cũng có ba điểm yếu cơ bản, (1) Vị trí bên bờ phía Đông, giáp sông Thị Vải và sông Lòng Tàu, khó phát triển nếu không xâm hại Khu dự trữ sinh quyển; (2) Vị trí bên bờ phía Tây, giáp sông Soài Rạp của Cần Giờ, xây dựng cảng biển lớn không có tính khả thi cao khi so với đầu tư mở rộng cảng Hiệp Phước trong tương quan kết nối với cảng Long An; (3) Hạ tầng kết nối vùng (đường bộ, đường sắt, đường cao tốc) vào cảng biển ở Cần Giờ khó thực hiện. Trong toàn chuỗi đô thị vịnh biển, hai cụm cảng Thị Vải – Cái Mép và cụm cảng Hiệp Phước – Long An có vị trí chiến lược để phát triển cảng biển lớn, thuận lợi hơn nhiều so với Cần Giờ.

Về tiêu chí “an cư lạc nghiệp” tạo lập Khu đô thị biển cao tầng hiện đại: Cần Giờ chưa có kế hoạch khả thi nào cho nhu cầu cần phải tạo ra trên 200.000 việc làm mới, bao gồm hàng trăm ngàn việc làm với thu nhập cao, tương xứng với mục tiêu muốn thu hút khoảng 500.000 dân nhập cư trong tương lai, bao gồm 220.000 cư dân “cao cấp”.

Chúng ta nên cẩn trọng để tránh nguy cơ “đô thị ma” đã và đang xảy ra ở nhiều khu đô thị mới trên toàn quốc, điển hình là ở thành phố mới Bình Dương, do phát triển dự án địa ốc chỉ lo “an cư” (nhà cửa và hạ tầng cao cấp), nhưng lại không lo được “lạc nghiêp” (việc làm) phù hợp cho người dân. Cho nên, khi đa số người mua nhà chủ yếu để đầu tư và cho thuê chứ không ở, thì tìm người thuê không ra, vì khu đô thị mới không tạo được số lượng công việc thu nhập cao tương xứng, để thu hút người dân trung lưu nhập cư, với nhu cầu và thu nhập đủ sức để mua hoặc thuê các biệt thự và căn hộ cao cấp.

Kịch bản 3Đô thị đảo du lịch biển sinh thái Cần Giờ, trong Chuỗi đô thị kinh tế biển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 

Kịch bản 3 dung hòa hai kịch bản 1 và 2 với chiến lược phát triển kinh tế biển TP.HCM trong tương quan hợp tác kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cũng là Vùng đô thị TP.HCM), để tận dụng các thế mạnh và lược bỏ những đề xuất ít khả thi. Kịch bản 3 gồm hai nhóm giải pháp chính:

Nhóm giải pháp kinh tế biển TP.HCM, trong tương quan hợp tác kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

– Đặt trọng tâm phát triển các tiềm năng kinh tế biển đa dạng của TP.HCM vào các hoạt động đa ngành liên quan đến kinh tế biển, phục vụ cho thị trường của khoảng 10 triệu dân TP.HCM và trên 21 triệu dân của toàn vùng, để nâng cao thu nhập đáng kể cho ngân sách, trong tương quan hợp tác kết nối và liên kết logistics hệ thống các hạ tầng trọng điểm với các tỉnh trong Vùng đô thị TP.HCM (gồm 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với TP.HCM là hạt nhân) và trong Chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ (gồm Vũng Tàu, Tân Thành, Cần Giờ, Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công).

– Tích cực hoàn thiện kết nối giao thông đa phương tiện (đường thủy, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt) giữa hệ thống giao thông vùng đô thị, với hệ thống cảng biển hình cánh cung bao quanh vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ, nối liền hệ thống logistics nhóm cảng biển cánh phải (cảng Cát Lái, cảng Thị Vải – Cái Mép…) với nhóm cảng biển cánh trái (cảng hành khách Sài Gòn, cảng Tân Thuận, cảng Hiệp Phước, cảng Long An,…).

– Tương ứng, Vùng vịnh Gành Rái – Cần Giờ sẽ phát triển theo cấu trúc không gian đô thị sinh thái Cần Giờ Xanh ở giữa và hai nhánh đô thị cảng biển hình cánh cung mở ra hai bên.

– Nhanh chóng xây dựng đường sắt và đường bộ chuyên dụng nối vào các cụm cảng biển lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, và Thị Vải – Cái Mép, tách biệt hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào cảng với giao thông đô thị xung quanh, để nâng cao hiệu quả logistic, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân.

– Xin cơ chế đặc thù từ chính quyền trung ương, để TP.HCM chủ động hơn trong việc lãnh đạo chính quyền vùng đô thị, hợp tác với các tỉnh thành trong vùng, để tích cực tổ chức xây dựng và quản lý hoạt động logistics đa phương tiện (đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường cao tốc) kết nối của Vùng TP.HCM, theo hướng chủ động thu hút đầu tư xây dựng và thu phí thu hồi vốn, vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu một cách hiệu quả, nhanh chóng hơn so với hiện nay, giúp giảm thiểu ách tắc giao thông, giúp giảm mạnh giá thành sản phẩm lâu nay bị tăng cao do logistics kém, qua đó giúp tăng mạnh thu nhập ngân sách của các tỉnh thành tham gia.

– TP.HCM không nên lo ngại việc nhiều khu vực hạ tầng trọng điểm cấp vùng đang được phát triển ở ngoài thành phố, như sân bay lớn nhất vùng nằm ở Long Thành (Đồng Nai), cảng biển lớn nhất vùng đô thị nằm ở Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu), và ga đường sắt lớn nhất nằm ở Dĩ An (Bình Dương),… bởi vì khi phát huy được kết nối tốt với các hạ tầng trọng điểm này, để thúc đẩy hợp tác vùng hiệu quả giữa TP.HCM với các tỉnh thành trong Vùng đô thị, thì các thế mạnh của TP.HCM (đô thị đặc biệt với khoảng 10 triệu dân, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, sáng tạo,…) sẽ càng được đẩy lên tầm cao mới, giúp thành phố giữ vững vị trí đô thị trung tâm Vùng hàng đầu, với tiềm lực kinh tế xã hội mạnh nhất trong Vùng đô thị TP.HCM.

Tạo điều kiện phát triển thế mạnh đặc trưng của Cần Giờ trong toàn vùng vịnh, là giá trị sinh thái trên vùng đất thấp ngập nước, để hình thành Đô thị du lịch biển sinh thái, chứ không còn đặt lên vai Cần Giờ một trách nhiệm quá lớn so với điều kiện phát triển tự nhiên, là phải trở thành khu vực trọng tâm đô thị hóa để phát triển kinh tế biển của TP.HCM.

Nhóm giải pháp Đô thị du lịch biển sinh thái Cần Giờ 

– Cần Giờ được quy hoạch theo hướng đô thị du lịch biển sinh thái, cho khoảng 300.000 đến 450.000 dân trong tương lai, với trọng tâm kinh tế biển về mặt du lịch – văn hóa, nghiên cứu và sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn liền với bảo tồn sinh thái.  

– Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nên được hình thành như một đô thị đảo, với không gian nước ngăn cách với khu vực đô thị hiện hữu phía Nam Cần Giờ, nhằm giữ lại mặt tiền biển, đảm bảo sinh kế cho khu dân cư hiện hữu vốn đã lâu đời gắn bó với biển, và tạo một không gian đô thị sầm uất hai bên sông. Quy mô, chức năng, mục tiêu phát triển quy hoạch đô thị đảo này có thể được xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp hơn với các mục tiêu khả thi kinh tế xã hội và phát triển bền vững.

– Cảng biển Cần Giờ sẽ được xây dựng với quy mô vừa phải, phục vụ cho nhu cầu của Cần Giờ là chính.

– Quy hoạch theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Nâng cao độ nền cho toàn bộ các khu dân cư và hạ tầng huyết mạch lên cao hơn mức nước biển dâng, tương ứng với kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu dài hạn. Nghiên cứu để hướng dẫn, khuyến khích người dân xây nhà sàn với cao độ phù hợp ở các khu vực nền thấp,…

Trục giao thông đường bộ chính Bắc Nam của Cần Giờ sẽ được chỉnh trang và phát triển theo hướng (1) Đường Rừng Sác nâng thành tuyến giao thông trên cao cho đoạn chạy ngang vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vừa để đảm bảo hoạt động dài hạn không bị ngập, vừa giảm thiểu tác động môi trường đến Khu dự trữ sinh quyển, và tránh nguy cơ phát triển đô thị tự phát dọc theo tuyến; (2) Trong tương lai có thể khép nối tuyến đường đô thị vòng cung nối khu đô thị tương lai ven bờ Tây giáp sông Soài Rạp với thị trấn Cần Thạnh, để hình thành thêm trục giao thông Bắc Nam thứ hai cho Cần Giờ.

Chọn kịch bản phát triển kinh tế biển nào cho Cần Giờ?

Mỗi trong ba kịch bản phát triển nói trên, đều có cơ hội và thử thách kèm theo, với những ưu khuyết điểm riêng, và tác động ở mức độ khác nhau đối với môi trường. Điều quan trọng, TP.HCM phải ưu tiên cho phát triển bền vững, hơn là nhắm đến lợi ích ngắn hạn trước mắt, và phải sẵn sàng chuẩn bị ứng phó tốt với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, để đảm bảo lợi ích lâu dài cho thành phố.

Bức thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Bác Sáu Dân), gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM từ năm 2002, thường xuyên được trích dẫn để ủng hộ cho việc đô thị hóa Cần Giờ theo kịch bản 2, nhưng nếu đọc kỹ, thì thực ra, bức thư này cần phải được hiểu như là những gợi ý đầy cảm hứng cho các tiềm năng phát triển tiến ra biển với tư cách một nguyên lãnh đạo quốc gia quan tâm đến lợi ích chung của đất nước, chứ không phải với tư cách một chuyên gia khẳng định phải quy hoạch cho Cần Giờ tương lai như thế nào.

Vào thời điểm 2002, ở Việt Nam, và cả nhiều nơi trên thế giới, vẫn chưa có sự hiểu biết và quan tâm sâu sắc về nguy cơ biến đổi khí hậu – nước biển dâng và ý nghĩa sống còn của việc phải phát triển bền vững. Ngày nay, chúng ta cần nhìn định hướng tiến ra biển với một tầm nhìn trăm năm, và cần tham khảo các ý kiến đa ngành và đa chiều, để đánh giá và đưa ra quyết định sáng suốt, dựa trên luận cứ khoa học.

Đừng quên rằng, Bác Sáu Dân đã rất cẩn thận ghi vào cuối thư “… bất cứ lúc nào, tôi sẽ giành thời gian trao đổi với các đồng chí, kể cả những ý kiến ngược lại”.

Những trí thức và chuyên gia trong nước và nước ngoài đã từng có cơ hội làm việc với Bác Sáu Dân, đều quý trọng và hiểu rõ cách làm việc khoa học, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều, trước khi ra quyết định của Bác Sáu Dân. Do vậy, mà nhiều quyết định hoặc ý kiến cuối cùng trong lĩnh vực quy hoạch của Bác Sáu Dân, thường có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, khác biệt nhiều so với các ý kiến sơ khởi ban đầu.

Tóm lại, sự thành bại của Cần Giờ trong tương lai sẽ tùy thuộc vào việc chọn được kịch bản phát triển bền vững phù hợp, và vào việc chuẩn bị tốt thế nào để ứng phó với các tác động môi trường và nguy cơ tiềm ẩn, để thế hệ mai sau được hưởng lợi ích dài lâu. Điều đó, phải hoàn toàn là trách nhiệm của thế hệ đang kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát triển TP.HCM ngày nay, đứng đầu là các nhà lãnh đạo các cấp, chứ không phải của ai khác.

Nguồn: Người Đô Thị 


 

Tin bài liên quan:

Phá nát Đà Lạt?!

Phan Thanh Hung

VNTB – Dự án khu đô thị du lịch lấn biển 9,3 tỷ đô la tại Cần Giờ cho Vingroup: cố đạt 5%GDP theo kế hoạch

Phan Thanh Hung

VNTB – Vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc: Để nỗi đau không lặp lại!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo