Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tầm soát bệnh nan y cần được bảo hiểm y tế thanh toán

Phú Nhuận

Qua thống kê ở TP.HCM, có 70% gánh nặng chi phí bệnh tật của người dân là cho các bệnh không lây (các nhóm bệnh về tim mạch, ung thư, phổi, đái tháo đường). Trong tổng số các ca tử vong do tất cả nguyên nhân có 70% là do các bệnh không lây.

Từ năm 2014, trên diễn đàn Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ Y tế là cần bổ sung chế độ khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người tham gia bảo hiểm y tế, nhằm thực hiện tốt việc tầm soát các căn bệnh nguy hiểm để kịp thời điều trị.

Khi ấy, tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24-02-2014, đại diện Bộ Y tế trả lời như sau: “Việc kiểm tra sức khỏe tổng quát để tầm soát, sớm phát hiện và điều trị đối với các bệnh nan y là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện để người tham gia bảo hiểm y tế thực hiện tầm soát các căn bệnh tiềm ẩn, sớm phát hiện và điều trị đối với các bệnh nan y, phổ biến hiện nay nhất là đối với các căn bệnh ung thư.

Tuy nhiên, việc quy định phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phải căn cứ vào mức đóng và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế. Tại thời điểm xây dựng Luật Bảo hiểm y tế năm 2006 – 2008, trong điều kiện nguồn quỹ đang bội chi 650 tỷ đồng, vì vậy, để đảm bảo cân đối thu chi của quỹ bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế quy định Quỹ Bảo hiểm y tế tập trung chi trả cho chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển … mà chưa trả cho việc khám sức khỏe định kỳ và một số dịch vụ khác trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù Quỹ Bảo hiểm y tế không thanh toán cho khám bệnh định kỳ do điều kiện nguồn quỹ bảo hiểm y tế còn hạn hẹp, nhưng trong thực tế ngành y tế đang thực hiện nhiều chương trình mục tiêu khác có nội dung sàng lọc, tuyên truyền để người dân trong cộng đồng có thêm thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe”.

Một năm về trước.

Sáng 11-10-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, thực hiện nghị quyết số 68 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2020, tổng thu bảo hiểm y tế là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, tổng chi cho công tác khám chữa bảo hiểm y tế là 99.730 tỷ đồng, cao hơn số được phép chi theo quy định hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến chi phí quản lý quỹ năm 2020 là 4.101 tỷ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu bảo hiểm y tế, giảm so với năm 2019. Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng, tăng 111,6% so với năm 2020.

Vào đầu tháng 1-2021, một báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết, kết dư quỹ bảo hiểm y tế tại thành phố là 2.700 tỷ đồng. Đây là mức kết dư cao kỷ lục từ trước tới nay.

Báo cáo ghi nhận, Quỹ Bảo hiểm y tế của TP.HCM thu được là 13.800 tỷ đồng, trong đó quỹ được sử dụng theo Luật Bảo hiểm y tế là 90%, tương đương 12.400 tỷ đồng, tuy nhiên TP.HCM chỉ chi hơn 9.600 tỷ. Như vậy, kết dư quỹ bảo hiểm y tế lên tới xấp xỉ 2.700 tỷ, chiếm hơn 50% kết dư của toàn quốc.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhìn nhận tuy con số kết dư của quỹ bảo hiểm y tế cao ngất ngưỡng như vậy nhưng cho đến nay, kinh phí để khám sức khỏe – đặc biệt là việc tầm soát các căn bệnh nguy hiểm để kịp thời điều trị, tiếp tục không được bảo hiểm y tế chi trả.

Hiện bảo hiểm y tế chỉ trả chi phí chữa bệnh, tức khi bệnh nặng đến mức phải điều trị nội trú thì mới bắt đầu được hưởng bảo hiểm y tế.

“Đây là vấn đề sức khỏe rất lớn mà tất cả các nước quan tâm. Bởi những bệnh này thường diễn tiến thầm lặng, dễ khiến người dân chủ quan. Trong khi đó, hầu như người dân lại ít quan tâm khám sức khỏe định kỳ, chỉ khi có sự cố về sức khỏe mới đi khám thì bệnh có khi đã ở giai đoạn trễ, để lại nhiều biến chứng”, ông Nguyễn Hữu Hưng cảnh báo về một điều mà từ năm 2014 đã được cử tri yêu cầu ở nghị trường Quốc hội, thời chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phạm nhân có bị hạn chế quyền chăm sóc sức khỏe?

Do Van Tien

VNTB – Năm mới bình an

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai đang ‘tẩy chay’ người Sài Gòn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo