Hoài Nguyễn
(VNTB) – Bộ Công an vẫn sử dụng cụm từ “tấn công 2 trụ sở” đối với vụ xảy ra hồi sáng sớm ngày 11-6-2023.
Lý do ‘tấn công’ vẫn chưa công bố
Thông cáo báo chí được Bộ Công an phát hành lúc giữa trưa ngày 12-6-2023, có nội dung như sau:
“Đến 11g30 ngày 12-6-2023, lực lượng Công an đã bắt giữ thêm 04 đối tượng trong vụ tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã tại tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào sáng 11-6-2023.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân các xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin làm một số đồng chí Công an xã, cán bộ xã và người dân thương vong, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ triển khai truy bắt nhóm đối tượng liên quan.
Đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 26 đối tượng (cập nhật đến tối 12-6 đã bắt thêm được 1 nghi phạm), thu một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC; hiện đang tiếp tục truy bắt các đối tượng còn lại”.
Liên quan vụ việc, phía Bộ Công an cho biết trong ngày 12-6, Thứ trưởng Lương Tam Quang đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Vẫn chưa rõ sẽ khởi tố vụ án theo cáo buộc điều luật nào của Bộ luật hình sự hay sẽ căn cứ vào Luật phòng, chống khủng bố.
Thế nào là khủng bố?
Tình huống giả định ở đây là khi nhà chức trách căn cứ vào Luật phòng, chống khủng bố cho vụ án xảy ra hôm 11-6-2023 tại tỉnh Đắk Lắk, thì liệu có liên quan mang tính dắt dây đến cái gọi là “thế lực thù địch” từ nước ngoài theo cách đánh giá lâu nay của đảng cộng sản Việt Nam?
Theo cách định nghĩa của Luật phòng, chống khủng bố, thì các từ ngữ liên quan tố tụng dưới đây được hiểu như sau:
1. Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:
a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;
b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
3. Phòng, chống khủng bố bao gồm các hoạt động phòng ngừa khủng bố, phòng ngừa tài trợ khủng bố, chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố.
Thực tế cho thấy hầu hết các điều ước quốc tế đều không đưa ra được định nghĩa khủng bố, hoặc có thì cũng không nhắc đến khái niệm khủng bố một cách trực tiếp.
Các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc định nghĩa: Hoạt động khủng bố là hoạt động hủy hoại nhân quyền, quyền dân chủ và tự do cá nhân, uy hiếp sự an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, tạo sức ép lên quốc gia, phá vỡ văn minh xã hội, là hành vi phạm tội với việc gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tuyên ngôn về vấn đề chủ nghĩa khủng bố của Liên hợp quốc nói rằng: Tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố, dù xảy ra ở nơi nào, ai là kẻ chủ mưa, và hành vi phạm tội ra sao, cũng không thể thanh minh, cho nên thông qua các điều của Hiệp ước Quốc tế, cần thêm mức độ xử phạt.
Ly khai sắc tộc ở Tây nguyên?
Vấn đề đặt ra là liệu vụ việc tấn công vào hai trụ sở công quyền hôm sáng 11-6-2023 có phải hành vi khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc (Nationalist terrorism), hoặc chủ nghĩa khủng bố mang màu sắc ly khai sắc tộc ở Tây nguyên?.
Có ý kiến là với những xung đột kéo dài từ thời Đệ nhất Cộng hòa đến nay đối với các sắc dân ở Tây nguyên, thì đây có thể là vấn đề “khủng bố ý thức hệ” (Ideological terrorism/Social terrorism).
Với hình thức này, những kẻ khủng bố sử dụng hoạt động khủng bố để thay đổi một chính sách đối nội, hoặc để lật đổ một chính phủ nào đó. Loại khủng bố này cũng có thể mang màu sắc tôn giáo.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội khủng bố tại hai điều luật: “Điều 299. Tội khủng bố”; “Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Như vậy, với tình huống giả định đặt ra ở trên, cho thấy sắp tới đây rất có thể vụ án được khởi tố theo nội dung của điều luật hình sự 113. Khi đó, rất có thể chiêu bài quen thuộc về “thế lực thù địch” lại được khai thác triệt để, và vấn đề tự do tôn giáo của các sắc tộc ở Tây nguyên, qua đó có thể nảy sinh các xung đột khôn lường.