VNTB – Tăng giá điện để bù lỗ

VNTB – Tăng giá điện để bù lỗ

Khánh Hòa 

 

(VNTB) – “Bán điện theo giá bậc thang nhưng lại than lỗ, thật không hiểu nỗi”

 

Đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân.

Lỗ nên phải tăng giá

Hiện giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (tương đương 7,9 cent/kWh, tính theo tỷ giá năm 2020), nếu lên mức 8,4 – 9,4 cent/kWh, cũng theo tỷ giá năm 2020 (khoảng 236 đồng/cent), giá điện bình quân trong giai đoạn tới có thể lên tương đương 1.982 – 2.218 đồng/kWh.

Lý do cần phải tăng là tập đoàn này đang đối mặt khó khăn lớn. 8 tháng đầu năm, giá thành khâu phát điện (vốn chiếm tỷ trọng 82,45% trong cơ cấu giá), tăng quá cao vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang.

Báo cáo cho biết EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. EVN nhìn nhận 3 năm liên tiếp, giá bán điện bình quân chưa được tăng theo biến động đầu vào (kể từ tháng 3-2019), khiến cho EVN đang lỗ nặng, với 6 tháng đầu năm 2022, lỗ sau thuế hợp nhất là 16.586 tỷ đồng.

Đồng tình việc điều chỉnh về giá điện, nhưng ở đây cần có cơ quan độc lập làm nhiệm vụ thẩm định, kiểm soát chi phí đầu vào của EVN, nhằm bảo đảm các quyết định tăng giá điện minh bạch, công khai, hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt là lợi ích khách hàng sử dụng điện. Trong đó, cần thẩm định việc tăng giá đến từ những yếu tố nào, chi phí đầu vào và các tính toán trong sổ sách của doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không…, từ đó bảo đảm tính thuyết phục cho quyết định tăng giá.

“Muốn tăng giá điện, phải sớm minh bạch hóa thị trường, giá phải tuân theo quy luật thị trường, cung cầu rõ ràng, lúc đó mới tăng. Trong đề xuất về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công thương mới đây, có nội dung khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN sẽ được quyết định tăng giá điện và các bộ, cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chỉ được báo cáo để kiểm tra, giám sát thôi.

Độc quyền nên khó thể minh bạch

Ở đây, như nói trên, chưa có thị trường điện, tăng giá điện không thể để một doanh nghiệp nhà nước quyết được. Nếu cho EVN có quyền tăng giá, các nhà bán lẻ bán điện cho doanh nghiệp có tăng không?” – ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, ý kiến.

Vấn đề ở đây là EVN là doanh nghiệp độc quyền, hiện chưa có khung pháp luật cũng như tổ chức độc lập nào được thành lập để giám sát ‘ông lớn’ ngành điện. Kinh nghiệm cho thấy tương tự như đảng chính trị, một khi doanh nghiệp được trao nhiều quyền mà không có cơ chế giám sát sẽ dẫn đến lạm quyền, thậm chí có thể xuất hiện lợi ích nhóm.

Một nhà quan sát độc lập đưa ra phép tính rằng với giá bán lẻ điện bình quân thực tế, theo tính toán của EVN năm 2022, lên mức 1.915,59 đồng một kWh, không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019.

Tháng 6, cập nhật dữ liệu các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liệu của khâu phát và các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại năm 2019, chênh lệch tỷ giá 2020-2021, giá bán lẻ điện bình quân năm nay khoảng 2.091,23 đồng một kWh, tăng trên 12% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Như vậy nếu không gồm các khoản chênh lệch tỷ giá, giá bán lẻ điện năm 2022 tăng 9,67% so với giá bán lẻ điện hiện hành. Đây là nguyên nhân khiến bức tranh tài chính của tập đoàn này không khả quan trong nửa đầu năm, khi ghi nhận lỗ hơn 16.500 tỷ đồng.

“Bán điện theo giá bậc thang nhưng lại than lỗ, thật không hiểu nỗi” – nhà quan sát độc lập nói trên, kết luận, và cho biết thêm tại sao không học tập người Úc, khi một hộ gia đình có thể mua điện, gas từ bất kỳ nhà sản xuất nào, cùng một đường ống, đường truyền, nhưng năm nay có thể mua điện từ công ty A, năm sau thấy giá công ty cung cấp điện B rẻ hơn, có thể đổi mua của công ty B…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Biết ngay mà! Tiếp theo là tăng giá nước! và lệ phí công chứng…

  • comment-avatar

    Nếu chính phủ cho điện lực tăng giá điện để bù lỗ,thì cũng nên tăng lương tương ứng cho công nhân viên để bù lỗ cho sinh hoạt.Ngân hàng tăng lãi xuất tiền dân gởi,hạ lãi xuất cho doanh nghịp,khống chế giá cả các mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày của dân chúng.