VNTB – Ai hưởng lợi khi giá điện tăng?

VNTB – Ai hưởng lợi khi giá điện tăng?

Hồng Dân

(VNTB) – Giá điện tăng cũng là một trong những yếu tố gây nên lạm phát đến từ đầu vào.

 

Giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng từ mức khoảng 1.864 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) lên mức khoảng 1.920 đồng/kWh kể từ ngày 4-5-2023.

Quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký ban hành vào ngày 27-4-2023 và áp dụng điều chỉnh giá từ ngày 4-5-2023.

Giá điện ‘đánh úp’ ngay lúc nắng nóng

Với mức giá bán lẻ điện bình quân trước đây là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), giá điện mới đã tăng lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tức là tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%).

Mức giá trên là tính bình quân, trong khi thực tế ở Việt Nam tính theo giá điện lũy tiến đối với dân dụng, nghĩa là xài nhiều thì giá mỗi kWh điện cũng tăng theo bậc leo thang.

Những doanh nghiệp sản xuất điện lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình hay Nhiệt điện Quảng Ninh… có những dự án lớn được đàm phán trước giá bán điện trong 25 năm nên giá bán điện được thỏa thuận qua từng giai đoạn. Do đó, trong ngắn hạn, việc tăng giá điện cũng chưa thể tác động đến doanh thu của các doanh nghiệp này.

Song thủy điện hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong bức tranh sản xuất điện, lên đến 36%. Đối với những nhóm công ty thủy điện lớn như Thủy điện Thác Bà,  Thủy điện Thác Mơ,  Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh… sở hữu những nhà máy thủy điện với công suất hàng trăm MW, thu về mỗi năm hàng trăm triệu kWh, thì những yếu tố đầu vào như than lại không có tác động nhiều đến chi phí của doanh nghiệp. Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất điện là thời tiết, thủy văn sông ngòi, kênh rạch và các yếu tố tự nhiên.

Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.

Lưu ý, khi giá điện bán lẻ tăng, nếu EVN có cơ hội thương lượng với nhà sản xuất thì mọi ngành điện từ điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện, thủy điện,… đều có thể được hưởng lợi. Nhưng nếu EVN với vị thế độc tôn, họ không đàm phán lại giá thì không ngành điện nào được hưởng lợi cả.

EVN đang ở thế độc quyền

Ngành điện bao gồm 3 quy trình: sản xuất, truyền tải, phân phối. Hiện, Việt Nam chỉ xã hội hóa và tạo thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất điện. Các doanh nghiệp sản xuất chỉ bán điện trên mạng lưới truyền tải điện quốc gia do EVN quản lý. Khâu phân phối, bán lẻ điện cũng chưa có sự cạnh tranh do nguồn điện đều được mua từ cơ sở điện lực địa phương.

Thực tế thì mấy năm qua và đến tận hôm nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đang “đóng băng” nằm trong khâu sản xuất điện.

Bản chất lạm phát đến từ cả 2 phía cung và cầu. Lạm phát trên toàn thế giới trong 1 năm qua chủ yếu xuất phát từ chi phí đầu vào như giá dầu, chiến tranh Nga – Ukraine, các yếu tố nhập khẩu lạm phát từ Mỹ và châu Âu vào Việt Nam, ảnh hưởng từ Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung,…

Giá điện tăng cũng là một trong những yếu tố gây nên lạm phát đến từ đầu vào.

Khi giá điện tăng, những ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, điển hình như ngành thép với hệ thống lò cao hoạt động 24/7. Cơ cấu chi phí ngành điện, đặc biệt là nhiệt điện, khá tương đồng với ngành thép khi đều phải nhập than nguyên liệu đầu vào. Khi chi phí đầu vào ngành điện tăng sẽ tác động đến giá điện thì sẽ tác động đến ngành thép – ngành sử dụng than cốc và điện mức cao.

Mặt khác, ngoài giá điện, doanh nghiệp còn phải chi trả nhiều khoản chi phí khác như giá bất động sản, giá đất, giá thuê khu công nghiệp,… Giá điện quá cao sẽ tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến chi phí nhân công, nhiên liệu và một loạt chi phí khác.

Cần minh bạch và sòng phẳng đàm phán giá

Một hội luận về chủ đề giá điện tăng được nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo tổ chức vào chiều ngày 4-5-2023, ghi nhận các ý kiến chung là để minh bạch giá điện, trước tiên phải minh bạch được giá thành sản xuất điện.

Giá thành sản xuất điện hiện nay chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện trên hệ thống khi mà EVN vẫn còn chiếm tới hơn 70% nguồn phát của toàn hệ thống.

Yêu cầu quan trọng thứ hai là phải minh bạch được giá truyền tải và phân phối điện. Khi EVN còn độc quyền trong khâu truyền tải và phân phối điện thì các khoản chi phí do quản lý yếu kém, hao hụt đường truyền, hay lương, thưởng lớn…; người tiêu dùng điện vẫn phải cõng vào giá điện.

Thứ ba là không được phân biệt đối xử trong đàm phán mua bán điện với các đối tác, dù đó là nhà máy sản xuất thuộc EVN hay ngoài EVN.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hạ tuần tháng tư 2019, trong dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến, có 13 thông tin, tài liệu thuộc diện tối mật và 30 thông tin, tài liệu thuộc danh mục mật.

Đặc biệt, trong báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật. Theo đó, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện chưa công bố vào thuộc danh mục tài liệu mật.

Như vậy xem ra với tâm thế “đóng dấu mật” ở ngay cấp bộ chuyên trách, sẽ khó kỳ vọng cho chuyện EVN dễ dàng chấp nhận yêu cầu minh bạch và tử tế trong đàm phán giá mua bán điện.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)