VNTB – Vì sao lại lỗ khi kinh doanh mặt hàng độc quyền?

VNTB – Vì sao lại lỗ khi kinh doanh mặt hàng độc quyền?

Hàn Lam

(VNTB) – Năm qua, ngành điện lỗ nặng nhưng các công ty điện trong chuỗi giá trị được niêm yết trên sàn chứng khoán lại có lãi lớn

Bộ Công thương xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, theo hướng giá bán lẻ được tính thêm khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện.

Cụ thể, công thức tính giá bán lẻ cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: Chênh lệch tỷ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện; lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện; các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 26.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Đưa ra đề xuất trên, Bộ Công thương phân tích, mức điều chỉnh giá điện (tăng 3% từ ngày 4-5-2023) chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, do đó, khoản lỗ năm 2022 và các chi phí khác sẽ tiếp tục bị dồn tích lại trong năm 2023.

Trước đó, tại cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cuối quý 1-2023, đại diện Bộ Công thương lý giải, thua lỗ của EVN là do giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng, nhưng giá bán điện kể từ năm 2019 đến nay chưa được điều chỉnh.

Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; tương ứng năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27%. So với mức giá bán lẻ điện bình quân trước thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 4.5.2023 là 1.864,44 đồng/kWh, EVN phải bán lỗ gần 168 đồng/kWh.

Do chi phí đầu vào tăng, chủ yếu khâu phát điện tăng gần 21,5% so với năm 2021 và theo EVN, chỉ số giá than, khí, dầu, đặc biệt là than năm 2022 tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4 – 5 lần, trong khi giá dầu tăng 2 lần khiến Tập đoàn lỗ gần 26.240 tỷ đồng. Đáng nói, vẫn còn các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022, bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện hơn 14.000 tỷ đồng.

Có ý kiến cho rằng thua lỗ của EVN không đơn thuần chỉ là vấn đề tăng chi phí đầu vào. Bởi ở đây nguyên tắc kinh doanh là giá thương phẩm của sản phẩm bán ra phải cao hơn giá đầu vào (giá thành sản phẩm) thì kinh doanh mới có lãi.

Việc giá đầu vào lên xuống là bình thường của kinh tế thị trường, người làm kinh doanh phải tính toán và dự liệu để kinh doanh có lợi. Nhưng lâu nay, giá bán điện sinh hoạt của EVN luôn cao hơn giá điện sản xuất, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng điện sinh hoạt đang bù lỗ rất nhiều cho khối doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, đặc biệt là cho các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng như luyện thép, xi măng.

Một vài ý kiến khác xoay quanh ngờ vực đến nay, có nhà máy điện nào của EVN có thể hết thời hạn khấu hao nhưng thực tế vẫn đang được tính khấu hao vào giá thành không? Năm qua, ngành điện lỗ nặng nhưng vì sao các công ty điện trong chuỗi giá trị được niêm yết trên sàn chứng khoán lại có lãi lớn? Vậy phải chăng có việc điều phối lợi ích cho các công ty con, đẩy lỗ lớn cho công ty mẹ hay không – tức có hay không nghi vấn chuyển giá trong hệ sinh thái điện?

Như vậy nếu như cách nói của Bộ Công thương, rằng do giá đầu vào tăng cao gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con của EVN cũng đối diện với khó khăn này, sao họ lại lãi? Hay cái này chủ yếu thuộc về mặt quản lý của EVN?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)