VNTB – Phà Vàm Cống… hồi sinh

VNTB – Phà Vàm Cống… hồi sinh

Hồng Dân

(VNTB) – Phà Vàm Cống chạy lại là do nhu cầu bức thiết của người dân địa phương

Bến bắc Vàm Cống nối An Giang – Đồng Tháp tái hoạt động vào ngày 1-9-2023.

Đầu tháng 6-2019, người ta ngỡ rằng những tiếng còi phà, tiếng xe cộ, tiếng rao, lời ca lanh lảnh của những cô bán hàng… ở bến bắc Vàm Cống chỉ còn trong hoài niệm.

Phà Vàm Cống được xây từ thời Pháp thuộc, bên bờ thành phố Long Xuyên (An Giang) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Từ chỉ 4 phà quy mô nhỏ, đến lúc ngừng hoạt động phà Vàm Cống có 10 phà, gồm: 8 phà 200 tấn, 2 phà 100 tấn với 167 cán bộ, nhân viên. Bình quân mỗi ngày phà vận chuyển 5.500 ôtô và 12.000 xe máy qua lại sông Hậu.

Với từng ấy thời gian, bến bắc Vàm Cống đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của người dân miền Tây. Hằng ngày phà cứ đưa, rước khách, nối liền hai bờ sông Hậu. Hàng trăm gia đình hai bên bến cũng theo đó mưu sinh nhờ nghề bán cơm, nước, hàng rong, phục vụ cho giới tài xế và hành khách. Đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên của bến phà lên đến hàng trăm người, hết thế hệ này đến thế hệ khác cần mẫn làm việc để đảm bảo những chuyến phà vượt sông an toàn, kịp thời.

Cầu Vàm Cống thông xe cuối tháng 5-2019, với vai trò kết nối các tỉnh miền Tây với cả nước, giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên tắc nghẽn vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt là người dân tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ được hưởng lợi nhiều, các mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương này sẽ được vận chuyển đến TP.HCM một cách nhanh nhất.

Thế nhưng mừng đó nhưng cũng lo đó, vì từ nay đôi bờ sông Hậu đã được nối liền, phương tiện qua lại nhanh chóng, không còn lo kẹt xe, lụy phà như trước, song thực tế phải đối mặt là mỗi ngày hàng trăm công nhân ngụ các xã, phường ở thành phố Long Xuyên và quận Thốt Nốt (Cần Thơ) làm việc cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Lấp Vò vẫn đều đặn đi về trên các chuyến đò ngang sông vì đi cầu quá xa.

Một số tiểu thương giao hàng hóa, học sinh Đồng Tháp học ở các trường đại học, cao đẳng bên An Giang cũng chọn qua sông trên những chuyến đò nhỏ vì gần hơn: Đi đò thì nhỏ, nhưng qua cầu thì lại xa, trong khi Long Xuyên và Lấp Vò chỉ cách nhau con sông Hậu.

Đầu tháng 9-2023, bất ngờ khi thấy phà Vàm Cống… hồi sinh. Có lẽ sẽ nhanh thôi khi hai bên bến phà sắp tới đây sẽ trở lại với hình ảnh hàng trăm người dân mưu sinh, tìm kế sinh nhai nhờ vào việc bán cơm, nước, bán hàng rong, chạy xe ôm… Trăm năm trước, có người cả đời gắn với bến phà rồi sinh con, lập gia đình cũng từ bến phà này.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, việc cho phà Vàm Cống chạy lại là do nhu cầu bức thiết của người dân địa phương. Hiện xe máy và ô-tô tải nhỏ muốn lên cầu phải đi đường dẫn khá xa, đặc biệt là công nhân làm trong khu công nghiệp Lấp Vò, bởi họ đi từ Long Xuyên vòng lên cầu Vàm Cống hơn 15 cây số để đến công ty làm việc gây khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, việc nối lại hoạt động phà cũng do cử tri 2 tỉnh kiến nghị để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Việc đưa đón khách sẽ do Công ty cổ phần phà An Giang và phà Đồng Tháp vận hành. Trước mắt sẽ có 3 phà tải trọng 40 và 60 tấn, chạy từ 4g đến 22g. Phà chỉ phục vụ ô-tô tải dưới 7 tấn và xe khách đến 30 chỗ. Giá vé xe máy là 6.000 đồng mỗi lượt; 25.000 đồng mỗi lượt đối với ô-tô dưới 7 chỗ, xe tải dưới 3 tấn. Xe khách 16-30 ghế, ô-tô tải 5-7 tấn giá vé 60.000 đồng mỗi lượt. Mức giá này cũng đang áp dụng cho các bến phà tại Đồng Tháp.

Từ kinh nghiệm thực tiễn hậu cầu Cần Thơ, trước khi cầu Vàm Cống khánh thành, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã từng kiến nghị cơ quan quản lý giao thông nên duy trì hoạt động phà Vàm Cống.

Thực tế là ở Cần Thơ hiện nay vẫn tồn tại bến phà. Dọc theo sông Hậu cũng đã hình thành các bến phà Cồn Khương (quận Ninh Kiều), phà Xóm Lưới (Bình Thủy), phà Thới An (Ô Môn), vấn đề là quản lý tốt, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu người dân.

Giờ thì câu chuyện trăm năm của bến phà bên dòng sông Hậu đã được viết tiếp sau bốn năm ngỡ chỉ còn là cổ tích của nhắc kể, nhớ về…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)