Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tất bật chiếu những ngày cuối năm

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Cái chiếu giống như một kỷ niệm của tuổi thơ

 

Hòòòòo……. ooơơơi!

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.

Chiếu này tôi chẳng bán đâu,

Tìm cô không gặp, hòòòòo…… ooơơơi,

Tôi gối đầu mỗi đêm.

Theo quan niệm của người Việt, chiếu là một vật dụng quen thuộc trong nhà cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người Nam Bộ từ bao đời nay. Ở vùng đất mới có nhiều dân tộc cùng cộng cư chung sống ngay từ thời đất đai còn hoang hóa, con người Nam Bộ đã biết tận dụng cây lác từ thiên nhiên để dệt nên những chiếc chiếu để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Sau đó, nghề thủ công dệt chiếu xuất hiện, làm ra nhiều sản phẩm chiếu khác nhau và chất lượng ngày càng được nâng cao theo thời gian. 

“Đây là nghề có trên một trăm năm rồi. Trước đây là đa số bà con sống cái nghề nông nghiệp, một là lúa, hai là chiếu, nghề chính của gia đình đó. Chiếc chiếu nó gắn liền với mình đó, gắn liền với văn hóa con người. Và chiếu hiện nay nó đi khắp nơi luôn nghen, sản xuất rồi bán trong nước, bán nước ngoài cũng có. Bởi vì người ta sinh ra phải có chiếu manh, chiếu manh trên cái nôi hoặc là cái võng ầu ơ đó. Lớn lên, khi mà tới đám cưới, gả vợ chồng này kia nọ, thì người ta có chiếu cưới. Đám giỗ có chiếu cổ. Đến khi chết, cũng dùng chiếu. Tuy là cũng có những sản phẩm khác nó ra đời nhưng mà chiếu vẫn bền, vẫn sử dụng bởi vì nó rất thân thiện với môi trường, không có bị dị ứng, ngủ rất là mát”, ông Phước, một nông dân của làng nghề chiếu Định Yên chia sẻ về chiếc chiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Cũng nổi tiếng như Định Yên, Long Cang là vùng đất của nghề dệt chiếu ở huyện Cần Ðước, tỉnh Long An. Đây là nghề đã gắn bó với người dân miền Hạ từ bao đời nay. Sản phẩm của làng nghề chiếu khá phong phú và đa dạng về hình dáng cũng như mẫu mã. Dệt chiếu, cũng như nhiều nghề khác, Tết là thời điểm tất bật của nhiều nông dân; của nhiều thầy, nhiều thợ. Một không khí lao động tất bật, từ các đường làng, ngõ xóm, cho đến những mảnh sân vườn, nơi đâu cũng rộn ràng, sôi nổi các hoạt động: phơi, nhuộm nguyên vật liệu với những màu sắc rực rỡ.

Theo lời của nông dân, các hộ chuyên sản xuất chiếu tại đây cho biết nhu cầu sử dụng chiếu của người dân vào dịp Tết tăng rất cao. Bà Cẩm Nhung, một thợ dệt chiếu “cha truyền con nối” chia sẻ: “Trong năm là chỉ có mùa Tết thôi. Bán mùa Tết, mùa Tết là nó thông dụng nè, người ta hay sắm. Còn cái ngày thường dạng ít lắm. Bán ế lắm, chỉ có ba bữa Tết thôi. Bắt đầu vào vụ là tháng mười, mười một, mười hai, bắt đầu là cái mặt hàng bán hơi chạy một chút. Tết cái người ta mua về người ta trải chiếu mới. Người ta có tiệc tùng người ta trải dưới đất người ta chơi”.

“Khoa học tiến bộ, nhiều sản phẩm mới ra đời, tốt thì có tốt thiệt nhưng với mình, chiếu vẫn là “number one”. Ai nói mình hoài cổ, chịu. Nhưng với mình, cái chiếu nó giống như một kỷ niệm của tuổi thơ. Lúc còn nhỏ, mình cũng chơi trên chiếu, khi lớn lên, mình cũng ngủ trên chiếu rồi cũng chiếu, mình dọn cúng Giao thừa, cúng sao rồi cúng đám giỗ”, một du khách tham quan làng nghề chiếu Định Yên chia sẻ cảm xúc khi nhìn những người nông dân đang dệt một tấm chiếu mới. 

Vậy là chỉ còn non nửa tháng nữa là đến Tết, nhắc đến chiếu, chợt nhớ chi lạ đến hình ảnh người bà Nam Bộ, chiều chiều, bên hiên nhà, ngồi trên đi-văng được trải một tấm chiếu mới được giặt phơi ban sáng, miệng lép nhép miếng trầu, ngóng ra cửa, chờ đón con cháu… trở về…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thị trường xăng dầu cần được quản lý mang tính cạnh tranh

Do Van Tien

VNTB – Ăn Tết ở Sài Gòn

Do Van Tien

VNTB – Không khéo sẽ tiếp tay cho: muốn làm gì thì làm!

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo