Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tây Nguyên: Nước mắt và Máu (bài 6)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Hai cuộc biểu tình lớn của người Thượng ở Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi các biện pháp đàn áp mạnh mẽ từ phía chính quyền Việt Nam và đến nay vẫn còn để lại hậu quả là những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh chính trị.

 

Bài 6: Hai cuộc biểu tình 2001, 2004 tại Tây Nguyên

 

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ.

Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?

Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ

Bài 4: Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên

Bài 5: Người Thượng Tây Nguyên – Con Giun bị xéo mãi

Hai cuộc biểu tình lớn của người Thượng ở Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 là những sự kiện đáng chú ý trong lịch sử hiện đại của khu vực này, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi các biện pháp đàn áp mạnh mẽ từ phía chính quyền Việt Nam và đến nay vẫn còn để lại hậu quả là những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh chính trị. Hai cuộc biểu tình này chủ yếu đòi lại quyền sở hữu đất đai và tự do tôn giáo của người bản địa. Phản ứng của chính phủ Việt Nam là đàn áp khắc nghiệt và cắt đứt thông tin từ khu vực này, hạn chế sự đưa tin của các phương tiện truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền.

Năm 2001, hàng ngàn người Thượng đã biểu tình phản đối việc tịch thu đất đai và hạn chế đạo Tin lành. Chính phủ đã phản ứng bằng bạo lực, bắt giữ và giải tán người biểu tình. 

Năm 2004, một làn sóng biểu tình khác nổ ra, do những bất bình tương tự về đất đai và tự do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam đã đàn áp dã man hơn, hạn chế nhiều hơn việc tiếp cận khu vực này. 

Nhiều người Thượng đã chạy sang Campuchia, xin tị nạn. Campuchia ban đầu chấp nhận một số người tị nạn nhưng sau đó đóng cửa biên giới và trục xuất nhiều người trở về Việt Nam, bất chấp những lo ngại của quốc tế về sự an toàn của những người bị buộc trở về nước.

Các tổ chức như Human Right Watch đã liên tục ghi nhận hành vi đàn áp người Thượng của chính quyền Việt Nam, như việc sử dụng vũ lực quá tàn nhẫn, phá hủy nhà thờ và cưỡng bức hồi hương những người xin tị nạn từ Campuchia. Việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy vẫn còn khó khăn do chính quyền ra lệnh hạn chế đi lại trong khu vực.

 

  1. Cuộc biểu tình năm 2001:

Cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 2 năm 2001 với hàng ngàn người Thượng tham gia. Cuộc biểu tình kéo dài vài ngày, tập trung tại các thành phố lớn của Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Pleiku (Gia Lai).

Nguyên nhân:

– Đòi quyền đất đai: Người Thượng, đặc biệt là các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Rai, Ba Na và M’Nông bị mất đất đai truyền thống và nguồn nước vào tay các đồn điền cao su và cà phê do chính quyền. Chính quyền cũng thu hồi những vùng đất rất lớn và trù phú, giàu tài nguyên để thực hiện các dự án kinh tế, hay công nghiệp như khai thác bauxite khiến người Thượng mất nguồn sinh kế và phải di cư đến những vùng đất khô cằn.

– Đòi tự do tôn giáo: Nhiều người Thượng theo đạo Tin Lành, đặc biệt là Tin Lành Đề Ga bị đàn áp tôn giáo. Chính quyền không cho các nhà thờ được đăng ký và cưỡng ép từ bỏ đức tin. Sự can thiệp vào tôn giáo và các quyền tự do tín ngưỡng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình.

– Yêu cầu quyền tự trị: Mặc dù phong trào FULRO đã hạ cờ, giải giáp trước lực lượng chuyển giao quyền lực của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia và không có ảnh hưởng trong những cuộc biểu tình này, nhiều người Thượng vẫn tiếp tục ấp ủ mong muốn được tự quyết trong việc quản lý vùng đất của mình. (Xem bài 1,2,3,4 cùng đề tài trên VNTB)

– Đòi bình đẳng với người Kinh thực cư. Nhà nước chỉ ưu tiên đầu tư cho vùng có người Kinh di cư đến và ở trung tâm thị xã, bỏ mặc người Thượng đói ăn, nhà ở dột nát, trẻ không thể đến trường và phải theo cha mẹ vào rừng đào rễ cây sống qua ngày.

Diễn biến:

Hàng ngàn người Thượng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã tham gia các cuộc biểu tình ở Buôn Ma Thuột và Pleiku, mang theo biểu ngữ đòi quyền tự do tôn giáo, quyền sử dụng đất đai và quyền tự trị. Cuộc biểu tình diễn ra khá ôn hòa lúc ban đầu, nhưng sau đó xung đột bùng phát khi chính quyền huy động lực lượng vũ trang để dập tắt.

Đàn áp mạnh mẽ

Chính quyền huy động lực lượng an ninh để trấn áp biểu tình. Nhiều báo cáo cho thấy lực lượng công an và quân đội đã sử dụng bạo lực, bắt giữ và đánh đập người biểu tình. Nhiều người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, mặc dù con số cụ thể vẫn chưa tìm ra đầy đủ.

Sau cuộc đàn áp, hàng ngàn người Thượng đã phải chạy trốn vào rừng hoặc vượt biên sang Campuchia để tránh sự truy đuổi của chính quyền. Nhiều người đã bị bắt giữ và giam cầm.

Hệ quả:

Chính quyền Việt Nam sau đó đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt  khu vực Tây Nguyên, như tăng cường an ninh, giám sát các hoạt động tôn giáo, và quản lý đất đai. Các cuộc biểu tình năm 2001 đã khiến tình hình Tây Nguyên trở thành một vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ giữa người Thượng và chính quyền.

Vụ việc này cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, lên án sự đàn áp các cuộc biểu tình của chính quyền Việt Nam.

 

  1. Cuộc biểu tình năm 2004:

Sau cuộc đàn áp năm 2001, căng thẳng giữa người Thượng và chính quyền không lắng xuống mà tiếp tục âm ỉ, và đỉnh điểm là cuộc biểu tình lần thứ hai vào tháng 4 năm 2004. Cuộc biểu tình này cũng diễn ra ở các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai với quy mô lớn và có nhiều điểm tương đồng với cuộc biểu tình năm 2001.

Nguyên nhân: 

Thực hiện kế hoạch pha loãng dân bản địa Tây Nguyên, sau cuộc biểu tình năm 2001, chính quyền đẩy mạnh các dự án di cư người Kinh từ các tỉnh đồng bằng lên Tây Nguyên, làm gia tăng căng thẳng về đất đai và văn hóa. 

Người Thượng bị áp bức về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị từ chính quyền và người Kinh nhập cư. Người di cư càng ngày càng giàu lên, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, xung đột xã hội có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. 

Bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên ngày càng bị mai một, không gian sống, không gian văn hóa của cộng đồng người Thượng ngày càng bị thu hẹp. 

Giọt nước làm tràn ly phẫn nộ của người dân là hệ thống cai trị càng bộc lộ sự quan liêu, thối nát, bất tài dẫn đến người dân nhức nhối, hiểu được họ chỉ là công dân hạng 2, thấp kém, bị bóc lột trên chính quê hương mình.

Diễn biến:

Cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 4 năm 2004 vào dịp Lễ Phục Sinh với hàng chục ngàn người Thượng tham gia tại các tỉnh Đắk LắK, Đắk Nông, Gia Lai.Trong 2 ngày, người Thượng biểu tình nhằm mục tiêu đòi quyền lợi đất đai và tự do tôn giáo cùng quyền tự trị.

Chính quyền sử dụng các biện pháp tàn bạo để trấn áp cuộc biểu tình. Công an, quân đội và các lực lượng an ninh khác đã được triển khai để giải tán đám đông và bắt giữ những người dẫn đầu biểu tình. 

Báo cáo từ các tổ chức nhân quyền cho thấy có những vụ bắt bớ, tra tấn và thậm chí là giết hại người biểu tình, mặc dù chính quyền Việt Nam luôn phủ nhận những cáo buộc này. 

Tổ chức Ân Xá Quốc tế ghi rõ tên và trường hợp 8 người dân bị giết, trong đó có một người mù. 

  1. Bà H’Lo Kbuor, mù, người huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Được chết vào ngày 10 tháng 4 năm 2004 ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
  2. Ông Ksor Hnun ở buôn Plei Ring, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai bị bắn chết vào ngày 11 tháng 4 năm 2004 tại tỉnh Gia Lai.
  3. Ông Siu Plen, 33 tuổi, người buôn Bon Ama Djong, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai  bị giết vào ngày 10 tháng 4 năm 2004 tại tỉnh Gia Lai.
  4. Ông Ksor Jo, 33 tuổi, ở buôn Bon Hoang, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai bị giết sau các cuộc biểu tình ở tỉnh Gia Lai.
  5. Ông Y’Bhit Enuol,  Buon Dah Prong, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị giết vào ngày 10 tháng 4 năm 2004.
  6. Ông Y’Dlah Eban, Buon Dah Prong, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị giết vào ngày 10 tháng 4 năm 2004.
  7. Ông Y’Wien, Buon Dah Prong, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk  bị giết vào ngày 10 tháng 4 năm 2004.
  8. Ông Y’Luyen Eban, Buôn Cuor Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị giết vào ngày 10 tháng 4 năm 2004.

Ngoài một số người bị bắt và được thả sau đó, các nguồn tin không chính thức cũng đưa tin rằng hàng trăm người tham gia các cuộc biểu tình đã mất tích.(1) 

Trong khi đó Đại Sứ Quán Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin chỉ có 2 người chết. Trong 2 người chết, một người bị chính những người biểu tình ném đá chết, một người thì do máy cày của những người biểu tình đè chết.(2)

Sau cuộc biểu tình, chính quyền tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động của người Thượng ở Tây Nguyên. Việc đàn áp các cuộc biểu tình đã làm gia tăng sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Nhiều người đã tìm cách trốn sang Campuchia, hy vọng được tị nạn chính trị, nhưng phần lớn đã bị Campuchia bắt giữ và trao trả lại cho chính quyền Việt Nam.

  1. Phản ứng từ các tổ chức nhân quyền:

Human Rights Watch (HRW) là một trong những tổ chức quốc tế lên tiếng mạnh mẽ nhất về các vụ biểu tình của người Thượng. Tổ chức này đã công bố nhiều báo cáo chi tiết về các cuộc biểu tình, trong đó tố cáo chính quyền Việt Nam đã sử dụng vũ lực đàn áp người biểu tình, bắt giữ hàng trăm người, và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. HRW đặc biệt chỉ trích việc chính quyền Việt Nam đàn áp tín đồ Tin Lành người Thượng và cấm các hoạt động tôn giáo không được nhà nước công nhận.

HRW cũng nhấn mạnh rằng sau các cuộc biểu tình, nhiều người Thượng bị tra tấn, bức hại, và một số bị ép buộc từ bỏ đạo Tin Lành. Tổ chức này đã kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo và đối xử công bằng với người Thượng. 

Amnesty International: Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng chỉ trích chính quyền Việt Nam về việc đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền đối với người Thượng ở Tây Nguyên. Amnesty International nhấn mạnh rằng các quyền tự do biểu đạt và tự do tôn giáo của người Thượng đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Tổ chức này cũng kêu gọi các nước khác gây áp lực lên Việt Nam để bảo đảm quyền con người cho người Thượng.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF): USCIRF đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (Countries of Particular Concern – CPC) vì các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là đối với người Thượng theo đạo Tin Lành. Tổ chức này cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ gây sức ép để yêu cầu Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền và tôn giáo.

  1. Phản ứng từ các quốc gia:

Hoa Kỳ: Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao, đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các cuộc đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra các báo cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong đó chỉ trích cách chính quyền Việt Nam xử lý các cuộc biểu tình và các vi phạm nhân quyền liên quan đến người Thượng.

Hoa Kỳ đã cân nhắc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC trong những năm sau các cuộc biểu tình. Điều này gây áp lực lên Việt Nam trong việc cải thiện tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền, đặc biệt là đối với các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên.

Liên minh châu Âu (EU): EU cũng bày tỏ lo ngại về các cuộc đàn áp ở Tây Nguyên và kêu gọi Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền. Nhiều quốc gia thành viên EU đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam về các hành vi vi phạm nhân quyền trong quá trình đàn áp các cuộc biểu tình và kêu gọi chính quyền bảo đảm quyền lợi cho các nhóm dân tộc thiểu số.

  1. Phản ứng từ các tổ chức quốc tế khác:

Liên Hiệp Quốc: Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) và các cơ chế nhân quyền của LHQ, như Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, đã bày tỏ lo ngại về tình hình người Thượng ở Tây Nguyên, đặc biệt là việc chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình và vi phạm quyền tự do tôn giáo. LHQ kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền con người và tiến hành điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

  1. Phản ứng của chính quyền Việt Nam:

Chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc từ cộng đồng quốc tế, khẳng định rằng các cuộc biểu tình là do các thế lực thù địch từ bên ngoài kích động và người Thượng không bị đàn áp về tôn giáo hay quyền lợi. Chính quyền tuyên bố rằng các biện pháp an ninh được thực hiện để duy trì trật tự và ổn định, và rằng họ đã cung cấp các điều kiện tốt hơn cho người Thượng ở Tây Nguyên về phát triển kinh tế và xã hội.

Chính quyền Việt Nam cũng phản bác lại các cáo buộc của các tổ chức nhân quyền quốc tế và coi đây là những luận điệu xuyên tạc nhằm gây bất ổn cho đất nước.

 

Kết luận:

Các cuộc biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ các tổ chức nhân quyền và các quốc gia phương Tây. Mặc dù có áp lực quốc tế, chính quyền Việt Nam vẫn duy trì quan điểm cứng rắn và bác bỏ các cáo buộc đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền. 

Vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên, gồm các quyền tôn giáo, quyền sử dụng đất đai và tự do chính trị, cho đến nay vẫn là những điểm nhạy cảm của chính quyền đối với người Thượng và trong quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Tất cả là nguyên nhân những cuộc đàn áp khốc liệt hơn của chính quyền Việt Nam đối với người Thượng Tây Nguyên. 

 

Bài sau: Chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo tại Tây Nguyên

________________

Tham khảo

(1)https://www.amnesty.org/en/documents/ASA41/005/2004/en/

(2) https://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/su-ve-vu-gay-roi-o-tay-nguyen

https://www.hrw.org/reports/2006/vietnam0606/1.htm

https://unpo.org/?s=vietnam+highland

https://unpo.org/unpo-and-montagnards-community-report-land-confiscation-and-injustice-against-kho-indigenous-people-in-kren-hamlet-lam-dong-province-vietnam/

https://www.hrw.org/news/2002/04/23/vietnams-repression-montagnards

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB- Nghị định 64/2008/NĐ-CP và sự phẫn nộ

Phan Thanh Hung

VNTB – Tâm, Đức và Nhẫn

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo qua kinh sách của phạm nhân

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo