Hoàng Mai
(VNTB) – Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Tham nhũng vẫn… nở nồi
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng với 37.474 lượt cán bộ, công chức, viên chức, tăng 86,4% so với năm 2022.
Liên quan đến thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Chính phủ thông tin, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản thu nhập hàng năm hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Chính phủ cho biết, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương bị triệt phá. Điển hình như vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và trung tâm đăng kiểm tại các địa phương, vụ Công ty Trung Hậu ở An Giang…
Một số vụ tham nhũng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra, như vụ án khai thác trái phép hàng triệu tấn quặng apatit ở Lào Cai, vụ án xảy ra tại dự án Tân Việt Phát 2 (Bình Thuận) …
Đặc biệt, nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Trong đó, có 2 thiếu tướng công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia…
Sang năm 2024, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Vì sao quan chức dễ dàng che giấu tài sản?
“Theo quy định hiện hành sau khi kê khai cán bộ, công chức, đảng viên phải báo cáo cơ quan, tổ chức họ đang công tác để ghi nhận sự trung thực. Trong một số trường hợp cơ quan, tổ chức sẽ xem xét việc kê khai có trung thực hay không khi có vấn đề.
Vấn đề đặt ra là ai giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Tôi cho rằng người dân trong khu dân cư chỉ nhìn thấy căn nhà to, chiếc ô tô của cán bộ, công chức chứ không nhìn thấy được số dư tài khoản ngân hàng.
Trong khi số dư tài khoản ngân hàng nhiều khi lớn hơn căn nhà, chiếc ô tô rất nhiều. Tôi rất hoan nghênh quy định việc mua bán tài sản giá trị lớn phải thanh toán qua ngân hàng. Đây là khâu kiểm soát tài chính tốt, không dối trá được.
Điều này tiệm cận dần với phương thức thanh toán quốc tế bằng thẻ. Cơ quan ngân hàng có chức năng được biết nguồn tiền gửi là nơi có thể kiểm soát được nguồn tài chính cá nhân.
Song phải xây dựng một cơ chế giám sát cho ngân hàng bởi ngân hàng không phải lúc nào cũng thọc vào tài khoản cá nhân dù ngân hàng biết được nguồn tiền ra vào và hiểu được tiền đang nằm ở đâu, khi cần thiết có thể cung cấp thông tin” – ông Vũ Phạm Quyết Thắng, cựu phó tổng Thanh tra Chính phủ – nhận định như vậy khi trao đổi với báo chí.
Vẫn theo ông Vũ Phạm Quyết Thắng nên tiến hành kê khai đại trà, công khai, cụ thể thay vì chọn lọc thiếu thông tin để người dân có thể giám sát: “Quy định cấp độ kê khai chỉ là hình thức ứng phó tạm thời thôi, vì có những cán bộ ở cấp phường xã còn giàu hơn cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh.
Nhũng nhiễu ở địa phương cũng ghê gớm không kém gì ở các cơ quan trung ương đâu. Vì thế, chúng ta phải làm động tác “ném cát bụi tre”, cầm hòn sỏi ném không dính nhưng “ném cát vào bụi tre” thế nào cũng có hạt dính, nên chúng ta chọn kê khai tài sản đại trà.
Chúng ta mới dừng ở quy định bắt buộc cán bộ, công chức kê khai tài sản để tổ chức nắm được thôi, còn kiểm soát kê khai tài sản thế nào thì chưa chi tiết được. Nhưng mới dừng ở bước này thì đã có rất nhiều chuyện rồi”.