Quang Nguyên
(VNTB) – Đi lên từ nguồn gốc ba đời vô sản, khiến họ dễ bị quyền lực và tiền tài cám dỗ, bị mê hoặc bởi sự hào nhoáng của lợi ích và sự kiêu hãnh.
Ngày 23 tháng 2, VOV viết bài “Tham ô, tham nhũng, biến chất có phải là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”? (1) và đặt ra nhiều câu hỏi nhưng không trả lời hay trả lời lấp lửng. Bài viết dưới đây làm công việc trả lời thay.
Trước hết phải minh định cụm từ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong bài này dùng theo định nghĩa từ lâu, nay vẫn được Đảng CSVN (ĐCSVN), Trung quốc sử dụng, nó không có nghĩa hướng thượng, hướng thiện như phần còn lại của thế giới nghĩ. Những người cộng sản hiểu cụm từ này theo ý xấu. Theo ĐCSVN thì “là sự suy thoái về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự chuyến hóa” trong tổ chức, con người, trước hết là trong tổ chức đảng, tổ chức bộ máy Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt.” (2) hay như trong chính bài này, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa, thực chất là quá trình thay đổi diễn ra bên trong mỗi con người, mỗi tổ chức theo chiều hướng cái xấu sẽ lên ngôi, chiếm quyền, điều khiển suy nghĩ, dẫn dắt hành động.
Một câu hỏi Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đặt ra mà không giải thích là: Vì sao nhiều cán bộ, đảng viên cộng sản khi giữ cương vị bình thường rất chuẩn mực, trung thành, luôn tận tụy với công việc, kể cả trong chiến đấu, nhiều người sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc? Thế nhưng, khi giữ cương vị cao, khi bị “gậy” quyền lực, bị đồng tiền lôi cuốn, cám dỗ, bị hào quang của lợi ích bủa vây, anh ta đã đánh mất mình, đánh mất bản lĩnh, phẩm cách của người đảng viên.
Hiện tượng trên không phải là duy nhất đối với ĐCSVN. Đó là hành vi của con người đã được quan sát và ghi chép trong nhiều tài liệu, kể cả các chứng cứ lịch sử, của các quốc gia khác nhau, có văn hóa khác nhau.
Lời giải thích có thể là khi ai đó được giao hay nắm được quyền lực, họ tập trung vào việc duy trì vị trí và đặc quyền của mình hơn là phục vụ cử tri hoặc công chúng. Họ sẵn sàng bẻ cong các quy tắc hoặc tham gia vào hành vi phi đạo đức để bảo vệ vị trí của họ hoặc kiếm lợi ích cá nhân.
Điều này đặc biệt xảy ra cho đảng viên cộng sản, dù với người nắm quyền hành từ nhỏ nhất. Công chức nắm quyền vì được đảng chỉ định, nâng đỡ, vì chạy chức chạy quyền, vì phe đảng, họ không bị cử tri, những người bầu cho họ nắm quyền và có thể”cách chức” họ, khi họ làm sai
Sự hãnh tiến và kiêu ngạo cộng sản của những con người vô thần, đặc biệt đi lên từ nguồn gốc ba đời vô sản, khiến họ dễ bị quyền lực và tiền tài cám dỗ, bị mê hoặc bởi sự hào nhoáng của lợi ích và sự kiêu hãnh.
Đảng viên cộng sản được giáo dục tư tưởng đảng là trên hết, còn đảng còn mình. Khiếm khuyết lý tưởng vị quốc gia, dân tộc và đạo đức khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội tôn trọng vật chất mà chính chủ nghĩa cộng sản tạo ra và những giá trị vô lương tâm.
ĐCSVN luôn tìm cách can thiệp, kiểm soát mỗi con người bằng các cơ quan công an, kiểm soát, các buổi phê, tự phê… khiến mỗi đảng viên trở thành thành trì khép kín, rất khó giám sát, dần biến chính họ thành kẻ có những tư tưởng cá nhân vị kỷ, đạo đức lệch lạc.
Thực tế có một số có thể duy trì các giá trị đạo đức tiên thiên và lương tâm và họ bất chấp những thách thức, cám dỗ của quyền lực.
Câu vấn nạn khác ông Hà đặt ra và không trả lời nữa là:
Cũng có người khi đương chức tỏ ra bản lĩnh, nói và làm theo nghị quyết, nhưng khi về hưu lại tỏ ra bất bình, phỉ báng chế độ, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Những lý do một số cá nhân có thể hành xử theo cách này có thể phức tạp và đa dạng.
Khi về hưu họ không còn bị ràng buộc, bị kiểm soát quá mức và họ không còn cơ hội có thể đi lên trong hệ thống quyền lực, họ không cần phải lên gân nói và làm theo nghị quyết đảng bắt họ phải theo. Họ cũng không phải kiêng dè cấp trên hay đồng sự từng vây quanh o ép họ, lúc về hưu nhìn ra nhân phẩm, danh dự, uy tín của những người đó không ra gì, cho nên họ nói là điều dễ hiểu.
Cũng có thể quá trình trong đảng, khi còn tại chức, họ nhận ra ý thức hệ cộng sản sai lầm. Họ cảm thấy rằng chế độ đã xa rời các giá trị hoặc nguyên tắc ban đầu của nó, hoặc nó không giải quyết các vấn đề hoặc vấn đề quan trọng một cách thỏa đáng. Hay bẽ bàng hơn nữa, họ bị đảng, cấp trên, cấp dưới, đồng sự lừa, o ép suốt cuộc đời còn làm việc của họ.
Khi nghỉ hưu hoặc không còn ở các vị trí quyền lực, họ có thể sử dụng nền tảng công khai như mạng xã hội, hay chỉ trong bạn bè, chòm xóm để bày tỏ những bất bình này.
Cũng có thể có khi về hưu người ta không còn bị thúc ép bởi công việc, có nhiều cơ hội cọ xát thực tế, tiếp nhận nhiều thông tin từ nhiều nguồn, từ thế giới tự do, hoặc họ có thể có lợi ích kinh doanh cá nhân mâu thuẫn với các chính sách hoặc thông lệ của chế độ.
Nguyên nhân chính mạnh nhất là khi về hưu, “thành người tử tế”, họ trở lại với con người thật của họ, rũ bỏ con người bị chủ nghĩa, cơ chế tạo nên như một con người máy. Không phải nhiều quan chức về hưu quay ngoắt 180 độ, với đảng, nhiều người trẻ mới gia nhập đảng cũng vậy. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở những cựu chiến binh, những người từng cống hiến cả cuộc đời trong chiến tranh để phục vụ đảng hay những người đã có thâm niên công tác và hiểu biết sâu sắc, mà còn xảy ra trong từng lớp đảng viên trẻ, những người vào đảng vì nhiều động cơ khác.
Nguyên nhân họ đều tìm ra được sự thật sau một thời gian sống trong đảng, khiến họ có suy ngẫm sâu sắc hơn về kinh nghiệm của họ đối với ĐCSVN, phát sinh sự so sánh khi cọ xát và bối cảnh rộng lớn hơn mà họ đã hay đang hoạt động.
__________
Tham Khảo
1. https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-chinh-don-dang/tham-o-tham-nhung-bien-chat-co-phai-la-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-post1002255.vov