Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Nội tình rối ren của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Kể ra thì từ hồi khai trương gánh hát DaCoSa Vina năm nẳm đến giờ đám soạn kịch của gánh mới có được mấy vở kịch võ hiệp kỳ tình, đấu đá nội bộ, dán nhãn hiệu “Phòng chống tham nhũng tiêu cực” làm đám khán giả hạng cá kèo vỗ tay lốp bốp bớt đòi lại vé. Những màn kịch vụ án này cũng được tùng xòe quảng cáo giựt gân chẳng khác các vở xã hội đen cướp-hiếp-giết kiểu “Song Hùng hiệp lữ Năm Cam- Dung Hà” hay “Anh Hùng Lê Văn Luyện, NGƯỜI là ai?” của gánh này diễn trước đây. Nhưng phía sau bức màn rách nát, thảm kịch của gánh hát đang xảy ra.
Trong khi khán giả hạng cá kèo nín thở, ồ à, khoái chí xem các chị đào, anh kép trong vai Bao Công, ngưu đầu mã diện tra án Quách Hòe tẩn nhau thì cái đám lau nhau đào kép hạng nhì, kéo đàn cò, thổi ống tiêu, kéo màn lại vừa hành sự, vừa dúm vó, co cụm nhau thành từng cục, sợ hãi. Hỏi ra chúng bảo sợ vì đến lúc đám đào kép chính bị khán giả nhẵn mặt, chán thì chúng phải bị đưa ra đóng thế, làm vai ngưu đầu mã diện, hay tệ hơn là làm tội nhân cho đám ngưu đầu mã diện tra tấn. Chúng sợ đến mức đờ dẫn cả người, kéo màn, thổi tiêu, thổi sáo trật nhịp lung tung khiến bầu gánh bực mình vò đầu, bức tai. “Đóng kịch mà sợ cái mẹ gì, diễn xôm tụ vào cho khán giả hoan hô nhiều mới có cơm thịt đút mõm chứ.”
Cái đám lau nhau đó đang giống như hiện tượng mà đảng CSVN báo động về nội bộ đảng của họ, “Hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu nói rằng: “Bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm” (1)
Đám từ đào kép chính đến bọn lau nhau đánh trống, dán bích chương quảng cáo run như vậy mặc chủ vỗ về thế nào cũng sợ. Đám chủ gánh hát, bầu xô đang cơn hăng tiết vịt, thu kha khá tiếng vỗ tay của khán giả cá kèo, gân cổ lên giây cót em út, bảo, “biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được bị kỷ luật, bị đuổi việc; nhưng sợ đến mức không dám kéo màn, không dám thổi kèn, đánh trống thì phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của chúng mày.” Từ con hát đến đám hề quay qua quay lại hỏi nhau, “… đạo đức là cái đí gì? Từ hồi vào đoàn hát dạo DaCosa này chỉ nghe người ta nói mình là bọn xướng ca vô loại chứ ai dậy đạo đức.” Thỉnh thoảng giỗ tết, chủ gánh biểu mặc áo dài khăn đóng, học lại bài đạo đức của Bạch Mi Lão Tổ, tiên học tiền lễ, hậu học bái bai chứ làm gì, có gì là đạo đức; còn nói về năng lực chuyên môn thì ai trong gánh hát có qua trường lớp nào. Lũ thất nghiệp, vô công rồi nghề theo nhau vào đoàn toàn là do chạy giỏi, rồng rắn, đút lót nhau, giấy chứng nhận tốt nhiệp lớp đánh trống, gỏ mõ, dập chũm chọe hành nghề thì mua của bọn làm bằng giả ngồi đầy ngoài ngã tư, ngã ba, có con dấu làm bằng củ khoai, chấm mực đỏ lè triện vào phát, là đủ. Trước đến giờ cả đám sai tùm lum. Múa sai, diễn sai, đánh tùng tùng sai thì vẫn che cho nhau để cùng có miếng cơm đút miệng. Giờ thì sai, đúng gì nó cũng sẽ có ngày bắt mình ra đóng vai tội nhân, biết là giơ cao đánh nhẹ, nhưng trong gánh có đứa nào thù mình sẵn, được đóng vai mặt chó, mặt trâu, nó có dịp đánh mình đau trả thù thì sao. Trong gánh DaCoSa này kẻ thù của nhau đầy.
Bầu gánh nhiều khi bực mình tuyên bố, tuyên mẹ rõ ràng, “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. “Nếu anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người… “. Khổ nỗi, bầu gánh dọa thế, nhưng cả đoàn họ bảo nhau mình có muốn sợ đâu, từ hồi nào đến giờ cả gánh hát DaCoSa chẳng biết sợ ai, cả nước chỉ có gánh ta là duy nhất, diễn sai, kéo lộn màn, thổi kèn đánh trống trật nhịp khán giả cũng phải vỗ tay hoan hô. Ai biết mình sai? Mình che chắn cho nhau, sợ con mẹ gì. Mà đuổi thì đuổi được hết à? Có thằng nào hơn thằng nào đâu cưa chứ. Dẹp gánh thì không còn gánh, không còn mình, mà anh bầu gánh cũng đứng đường thôi. Nhưng giờ thì chỉ sợ nó cò cưa không dẹp gánh, mà cũng không chịu xé hợp đồng đuổi mình, lại chơi trò cho mình là hình nhân thế mạng để thằng khác uýnh thì bỏ đời. Tấn thoái lưỡng nan!
Bầu gánh thấy nói vậy mà chúng chưa hết sợ, bèn dụng kế khích tướng, Điêu Thuyền khích Lã Bố, “Tiền bạc chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Đám lau nhau trong gánh cười hô hố hỏi nhau, “…Danh dự là cái gì nhỉ? Từ xưa đến giờ chưa nghe nói. Danh dự ăn được không? Mặc được không? Nếu danh dự là ổ bánh mì con con thì đáng giữ lấy thiệt, đàng này nó là cái chi chi bố ai biết. Trong gánh mình ai có danh dự móc túi cho coi?” Không anh chị nào trong gánh DaCoSa có danh dự hay biết danh dự là gì, mua ở đâu, mà chính anh bầu gánh cũng chẳng biết danh dự là gì, ảnh cũng sai tùm lum mà có dám tự đuổi mình? Nội cái việc ảnh cứ bai bải em chã, em chã rồi càng ngày càng gắn chặt đít, có lúc một đít hai ghế, thì đủ biết tham lam thế nào. Cái đó người ta bảo là tham nhũng quyền lực
Vì miếng cơm manh áo, vì ăn cơm chúa phải múa tối ngày, cố múa đúng bài bản đạo diễn dậy, cố đánh trống, thổi kèn cho trúng nhịp để có miếng cơm, sợ sai cũng cắn răng chịu, bầu gánh bảo sao phải mần vậy. Người trong gánh, từ đào kép chính trở xuống đến anh chị lao công, dọn rác, quét rạp đều sợ. Họ rầu rĩ than, “không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, hay “không biết làm sai ở chỗ nào”. Làm việc gì cũng mắt la mày lét, ngó trước dòm sau, sợ không dám làm, lỡ sai thì nhanh mồm, nhanh miệng đổ tội cho kẻ khác. Hôm nọ, cả gánh ăn cô vít Tào Tháo bị đổ bệnh lần nữa, vậy mà không ai trong gánh dám cầm tiền chủ đưa cho đi mua thuốc vì sợ mang thuốc về nhỡ cả đoàn không khỏi lại mang tiếng mua phải thuốc giả hay ăn bớt. Thôi thì cả gánh chịu trận, trây trét bẩn thỉu tùm lum, mùi hôi thúi bốc lên nồng nặc, có bao nhiêu nhang cắm lên hết trên bàn thờ tổ râu ngắn, tóc trắng cũng không hết mùi xú uế.
Hôm hổm, bầu họp cả gánh trấn an, “Bây giờ tất cả các anh chị em mần chi chi cũng sợ sai, mà mần xong rồi cũng không chắc mình mần đúng hay sai, mà đúng chỗ nào, sai chỗ nào cũng không biết. Tôi cũng biết các anh chị dắt díu nhau vào gánh phường chèo, năng lực chẳng có, đạo đức lại càng không, kiến thức thì chỉ biết đến mần toán cộng, cộng càng nhiều càng tốt, chỉ vì miếng cơm manh áo. Cũng chẳng trách anh chị, nhưng để tránh tâm lý sợ hãi thì cứ theo cơ chế của gánh ta mà làm, “Gánh hát của ta đã có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những gánh hát viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của gánh ta, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì chén cơm chung”. Thôi thì cứ bám lấy cơ chế mà làm.
Ấy vậy mà nghe cả đám lầm bầm, cơ chế thì ai cũng biết là sai bét tòe loe, càng theo càng sai; chủ gánh vỗ bàn bảo, cơ chế là do tôi làm ra, thì có lúc đúng, có lúc sai, các anh phải biết vận dụng theo đúng thời gian, không gian, tình huống. Cả bọn ngớ ra nhìn nhau. Ngay cả cái gọi là vận dụng cơ chế theo thời gian, không gian, tình huống là thế nào cũng không hiểu. Họ hỏi anh chạy quảng cáo. Anh này hay ra ngoài liếng thoắng mồm mép, khua chiêng, đánh trống tiếp xúc với dân nên có vẻ nhiều kiến thức. Ảnh biết có viết ra cắt nghĩa đến một nghìn lẻ một trang giấy cũng chẳng anh kép, chị đào, cô lao công, chú quét rạp nào biết cái cơ chế của gánh hát DaCoSa là cái quái gì. Ảnh nói, “Thì, … thì cái cơ chế nó giống như cái ô dù, lúc xòe, lúc cụp. Mưa thì xòe ra, mà lúc nào nắng cũng xòe ra, lúc nào không mưa không nắng thì kẹp nách cho oai. Lúc đường trơn thì có thể dùng cơ chế làm gậy chống, lúc gặp chó cắn thì dùng cơ chế làm gậy đuổi chó, lúc đi với xếp lớn thì dù mưa, dù nắng cũng xòe ra che cho xếp. Mà thần kỳ hơn nữa, lúc cần đi đại tiểu tiện ngoài chỗ trống thì, nhất là phụ nữ nhé, rất cẩn thận, dùng cơ chế che chắn kẻo người ta nhìn thấy cái đấy đấy. Đấy. Cơ chế của gánh DaCoSa chúng ta vi diệu, vận dụng được vào mọi tình huống, không gian, thời gian là vậy. Cứ theo cơ chế thế mà vận dụng.”
Đào kéo trong gánh vẫn chẳng hiểu gì, vẫn run như cầy sấy. Chủ gánh bèn đưa cả đám cẩm nang học tập sau:
(1)https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/khac-phuc-tam-ly-so-sai-so-trach-nhiem-621413.html
Không biết học tập xong, đám cầy có bị đưa vào lò sấy không. Chưa biết.