Vi Đức Hồi
(VNTB) – Quảng ninh có trữ lượng than đá lớn nhất cả nước, theo số liệu của tập đoàn công nghiệp than- khoáng sản Việt nam (VKT), chỉ tinh các mỏ lớn như: Cẩm phả; Hòn gai; Uông bí và Mạo khê có trữ lượng khoảng 6,5 tỷ tấn. Thế nhưng tài nguyên than đá bị đào bới khai thác rút ruột với thời gian đến hàng trăm năm nay mà không có cách nào quản lý nổi.
Các loại khoáng sản đặc biệt như Boxit Tây nguyên, những mỏ thiếc, đồng, kẽm… ở các nơi khác đã có nhiều báo chí phản ánh, dư luận lên tiếng. Người viết bài này do không có nhiều tư liệu và cũng chưa có thực tế nên không thể viết về lĩnh vực đó mà chỉ đề cập đến mảng khai thác than đá do dân tự phát và bọn băng nhóm tổ chức khai thác chui, gọi là than thổ phỉ tại tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với Trung quốc.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt nam có trong tay các phương tiện khai thác, phương tiện vận chuyển đầy đủ; có đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, khai thác lâu năm; có các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại; có quyền sở hữu mặt bằng rộng lớn…nhưng những năm qua vẫn kêu thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Dư luận mỉa mai chua chát :”chỉ việc đào lên đem bán mà vẫn kêu lỗ là sao?” và Việt nam vẫn phải nhập khẩu than Trung quốc với giá cao hơn nhiều so với giá than Việt nam, bởi nhu cầu của của các nhà máy nhiệt điện lớn, nguồn than nội địa cung cấp không đáp ứng kịp.
Trong khi đó than thổ phỉ có giá chỉ dao động trên, dưới ¾ giá của tập đoàn than Việt nam bán ra. Tiếp xúc với dân bản địa vùng than họ cho biết than thổ phỉ được hính thành từ rất lâu, từ thời kỳ pháp thuộc đã có, tuy mức độ nhỏ lẻ so với hiện nay. Than thổ phỉ cung cấp cho nhiều địa chỉ khác nhau, các cá nhân, tập thể, đơn vị trong và ngoài nước đều có.
Trung quốc là địa chỉ thu hút than thổ phỉ Qủang ninh một cách ổn định về thị trường và giá cả, bởi nhu cầu về chất đốt của dân Trung quốc vùng biên rất lớn. Từ ngày xưa đời các cụ, người Trung quốc đã đặt mua than của Việt nam, bởi chất lượng tốt, giá rẻ hơn nhiều so với than nội địa Trung quốc và Quảng ninh là tỉnh tiếp giáp với Trung quốc, qua lại dễ dàng, cước vận chuyển thấp. Đất nước Trung quốc rộng lớn, các mỏ than Trung quốc ở xa khu dân cư giáp biên giới Việt nam, giá than bên đó đã cao, cộng thêm cước vận chuyển xa tít tắp nên đội giá thành lên ngất ngưỡng.
Trong khi đó than Quảng ninh giá rẻ đến một nửa hoặc hơn nửa so với than Trung quốc, đó là lý do nhiều đời nay dân Trung quốc vùng giáp biên chỉ trông chờ vào nguồn than Việt nam cung cấp và cũng là lý do vì sao than thổ phỉ ngày càng phát triển. Dân bản địa tự phát khai thác thì không thấm vào đâu so với trữ lượng lớn ở Quảng ninh, sự ảnh hưởng đến môi trường cũng không đáng kể.
Các băng nhóm tổ chức khai thác chui mà chính quyền không thể kiểm soát nổi mới là vấn đề bức xúc. Một mặt tài nguyên khoáng sản của đất nước bị chảy máu ngầm, mất nguồn thu lớn, phá rối sự bình yên cuộc sống của người dân, hủy hoại môi trường sinh thái… Các băng nhóm phân chia nhau từng vùng lãnh thổ để cai quản, đó là những vỉa than nằm sâu trong lòng đất, trong lòng những ngọn đồi rộng lớn và có độ dốc cao , khó khai thác. Những điểm này, phía nhà nước không quan tâm vì than nằm sâu trong lòng đất, khó khai thác.
Nhưng đó là miếng mồi ngon cho các băng nhóm khai thác than thổ phỉ. Sau khi thỏa thuận phân chia xong, họ lên kế hoạch đầu tư khai thác và nguyên tắc bất khả xâm phạm được các bên triệt để thi hành, tuy nhiên thi thoảng có những vụ xung đột giữa các băng nhóm và có án mạng xảy ra nhưng đó là thế giới của những giang hồ, chính quyền không thể nắm và điều chỉnh được.
Lực lượng khai thác được tuyển dụng là những thanh niên vạm vỡ ở các nơi, ăn, nghỉ tại nơi làm việc, có định mức khoán rõ ràng, sòng phẳng đủ sức hấp dẫn nhằm thu hút, được biết mức lương tháng trung bình hiện nay cho người khai thác đạt vào khoảng trên, dưới 15 triệu đồng.
Các cửa đi vào lò được khoét sâu trong lòng đất, lò hiện đại, quy mô lớn có lối vào riêng, lối ra riêng, các lò nhỏ lối ra vào chung, bên ngoài cửa, lối ra vào được ngụy trang cẩn thận, người lạ nhìn xa không thể phát hiện. Sản phẩm than khi chuyển ra được tập kết và có lực lượng giải phóng nhanh bằng các phương tiện như xe công nông, xe máy chuyển đến địa điểm ô tô có thể vào được để đưa đi tiêu thụ.
Thỉnh thoảng có đợt kiểm tra của lực lượng liên ngành đi qua nghiêng ngó rồi cùng ký văn bản gửi trên, trước đó bao giờ cũng có thông tin báo trước cho các chủ lò, lập tức có phương án đối phó, đó là ngụy trang lại các đường hầm ra, vào, tất cả mọi hoạt động của nhân công trong thời gian đoàn kiểm tra đều phải bất động (không được ra ngoài).
Các chủ lò thường xuyên cống nạp đều đặn cho trên nên việc kiểm tra vẫn diễn ra theo lịch trình, ngày giờ cụ thể được thông tin trước đó một hai ngày. Tuy nhiên có những đợt kiểm tra đột xuất do cấp trên cao hơn quyết định, nhưng vẫn có thông tin báo đột xuất và khâu đối phó có phần nào không kịp nên có việc chủ lò phải nộp phạt, gây thiệt hại đáng kể, nhưng đó chỉ là họa hoằn.
Ngẫm lại nghị quyết đại hội 10 của đảng cách đây 15 năm, năm nay, năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp. Rồi nhìn cảnh quan hủy hại môi trường sau khi tổng công ty than Việt nam khai thác, bằng các phương tiện hiện đại như: bắn mìn, máy ủi, máy xúc, đào bới những khu vực, những mỏm đồi có những vỉa than lớn, lộ thiên, rễ khai thác.
Khai thác xong thay vì san lấp trả lại mặt bằng, thì để lại một địa hình nham nhở, những chiếc hồ sâu hoắm, cái thì trữ nước có màu đen nghịt, cái thì khô cạn bởi không thể chứa, đất đá lởm chởm, ngổn ngang. Các băng nhóm khai thác than thổ phỉ nhìn bề ngoài môi trường cảnh quan không tổn hại bởi họ khai thác thủ công, chỉ có lối vào, ra, hoạt động chính của họ là đục, khoét sâu tròng lòng đất. Nhìn những ngọn núi đồi vẫn nguyên vẹn nhưng ở trong đã bị rỗng, nguy cơ đến lúc nào đó sập xuống và hậu quả của nó khôn lường.