Nguyễn Thị Sen
(VNTB) – Vi rút không nghe mệnh lệnh của đảng, cũng chẳng nghe khẩu hiệu của chính phủ. Vi rút chỉ sợ mỗi vắc xin thôi.
Quản trị rủi ro
Trong kinh doanh hay bất kỳ một hoạt động nào người ta thường đưa ra việc đánh giá rủi ro, nguy cơ và khả năng đối phó.Định liệu khả năng xấu nhất xảy ra để có thể đưa ra được phương cách dự phòng luôn phải được đưa vào kế hoạch làm việc của bất kỳ một công ty hay một dự án nào.
Nhìn vào phương cách chống dịch của nhà nước Việt Nam trong gần 2 năm qua và cho đến nay thì có vẻ việc quản trị rủi ro không được nhà cầm quyền quan tâm đúng mức. Hơn một năm trời ngủ quên trên chiến thắng ngạo nghễ, nên ngay cả thành phố lớn nhất phía nam cũng chỉ tính đến phương án có 50.000 bệnh nhân COVID, lại càng không có nghĩ đến việc hệ thống y tế có thể lại quá tải, có nguy dẫn đến sụp đổ một khi số bệnh nhân tăng lên quá cao.
Thủ tướng chính phủ đặt chỉ tiêu thành phố HCM phải kiểm soát được dịch vào ngày 15/9, các tỉnh thành khác là từ 25/8 cho đến 1/9/2021. Không hiểu ông thủ tướng có nụ cười nhếch mép ngạo nghễ căn cứ vào đâu để đưa ra mệnh lệnh đó. Các lãnh đạo đầu tỉnh thì phải gật đầu tuân lời lãnh đạo, nhưng con virus biến tướng từ chủng này sang chủng khác liên tục thì nó chẳng biết nghe mệnh lệnh của ông đâu.
Đặt ra tình huống xấu nhất luôn không thừa. Dự báo không phải để làm hoang mang dư luận nhưng để dự phòng tình huống để còn trở tay cho kịp chứ không phải đợi nước ngập đến cổ rồi mới nghĩ đến chuyện nhảy đi.
Đã có cơ quan nào trong chính phủ dám dự báo tình huống vào ngày 15/9 tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn và cả nước không giảm bớt mà số ca nhiễm có thể tăng lên đến 1 triệu ca, với tỉ lệ tử vong 3% kéo theo 30.000 người thiệt mạng vào tháng 12 năm 2021. Hoặc tình huống tệ hơn với là khi số người nhiễm bệnh tăng gấp 5 lần hiện nay và đạt số 1,25 triệu ca với trên 60.000 ca tử vong vào cuối năm thì lúc đó chính phủ và đảng quang vinh sẽ làm gì?
Hay cho là chỉ có phân nửa của con số dự đoán như vậy thôi thì kế hoạch của chính phủ và bộ y tế sẽ ra sao? Số người nhiễm bệnh như vậy sẽ kéo theo quá tải bệnh viện do người bệnh COVID trở nặng nhanh cần oxy, nhập viện và được điều trị trong phòng hồi sức đặc biệt. Số giường bệnh và chỗ trong phòng hồi sức liệu có đủ vào lúc đó, nhân viên y tế để phục vụ cho lượng người này sẽ kiếm ở đâu ra?
Số người chết khoảng 300-400 người như hiện nay ở Sài Gòn đã khiến Bình Hưng Hoà quá tải, quan tài cũng trở thành món hàng khan hiến và người dân đã quá cạn kiệt vì cách ly kéo dài. Vậy thì nếu chẳng may có số người chết tăng gấp 5 thậm chí gấp 10 lần, cách ly tiếp tục cho tới tết thì sẽ nhà nước sẽ giải quyết ra sao thảm cảnh đó?
Dân chúng không cần mỗi ngày mở báo hay mở Facebook lên lại thấy khẩu hiệu mới về vùng xanh vùng đỏ, họ cần những cái cụ thể như có cái bỏ vô miệng mỗi ngày, khi bệnh nặng thì có xe cấp cứu, có bệnh viện thu nhận và có bác sĩ chữa trị, và thậm chí khi chết thì có chỗ để thiêu.
Nhận rõ được vấn đề là đã chiến thắng một nửa
Tháng 3/2020, thành phố HCM đã kỷ luật 3 viên chức thuộc Sở Tài Nguyên và Môi Trường vì tội gây hoang mang dư luận. Người ký đơn, Phó Giám Đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Mỹ đã bị cách chức cũng với hai đồng nghiệp khác.
Bão mạng lúc đó dậy sóng vì câu chữ được sử dụng trong công văn được ký ngày 27/3/2020 là “ tình huống phải hoả táng các bệnh nhân nặng nhiễm COVID có thể tử vong”. UBND thành phố cũng đã ngó mặt mạng xã hội để kỷ luật đồng chí ngay sau đó nhằm dẹp tan dư luận về câu chữ mà có vẻ không quan tâm gì đến nội dung đề xuất về báo phương án hoạt động hoả táng ứng phó với tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Để rồi giờ đây thành phố đông dân nhất phía nam lại phải đau đầu với bài toán ách tắc việc hoả thiêu người tử vong vì COVID, không có phòng lạnh/ kho lạnh để trữ xác khiến xe cứu thương cũng bị kẹt lại.
Ông thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn đã nêu 3 lý do rất khách quan khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Sài Gòn, nghe qua đều rất hợp lý: một là do quá tải số lượng bệnh nhân, lần đầu tiên thành phố tiếp nhận một lượng F0 lớn như vậy; hai do đặc tính của chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa diễn biến nhanh khiến trở nặng rất nhanh; và ba là do điều kiện chuẩn bị về trang thiết bị và con người tại một số đơn vị chưa thật sự đầy đủ nên người bệnh chưa được chăm sóc, điều trị với những điều kiện tốt nhất.
Ông vẫn lấp liếm, không nhìn nhận thẳng vào vấn đề, nguyên nhân chính đã gây ra thảm cảnh đó. Quá tải bệnh nhân là vì các ông đã cho gom hết F0, F1 vô một chỗ, phong toả bất cứ nơi nào có bệnh nhân kể cả bệnh viện. Từ đó đã có được những mối sỉ F0 lan tràn trong khu cách ly hay khu phong toả.
Nếu không làm vậy đã không có cảnh bệnh viện từ chối bệnh nhân dẫn đến tử vong mới được công khai thừa nhận ở Bình Dương ngay khi Sở Y Tế Tp. HCM sực nhớ ra rằng còn hàng triệu bệnh nhân khác cũng cần sự trợ giúp y tế trong khi toàn bộ hệ thống y tế và chính trị chỉ chăm chăm vào bệnh nhân COVID. Bộ Y tế, ơn trời, cũng đã thay đổi chiến lược điều trị COVID.
Các ông đổ cho chủng Delta lây lan nhanh trong khi không có kế hoạch mua vắc xin cho dân từ năm ngoái và tiêm cho dân để hạn chế tử vong. Để cho đến hôm nay mới quáng quàng lập ra một cái “Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin” rồi đi xin xỏ vắc xin của các quốc gia phát triển khác khi dịch đã tràn lan. Việt Nam là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế trong năm rồi, nói cách khác là ăn nên làm ra trong khi các quốc gia khác tăng trưởng âm hay là lụn bại, là toang; thế mà giờ Việt Nam lại ở cái thế đi xin? Việc tiêm chủng cho dân làm ngược với thế giới và khuyến cáo của WHO khi không tiêm chủng cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền cũng đã góp phần không nhỏ nâng cao số người tử vong.
Giờ đây các quốc gia Âu Mỹ đang đối diện với khả năng phải tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho dân chúng, thì liệu họ có nhường lại vắc xin cho Việt Nam, bỏ mặc cho dân của họ bị nhiễm bệnh và kinh tế đình trệ hay không? Lúc đó thì tổ ngoại giao vắc xin cũng lại thành tổ thừa ư? Hay là đảng và chính phủ lại vẫn nuôi hi vọng vắc xin Việt Nam sẽ là cứu cánh, loại “vắc xin” của Vingroup vẽ vời hay cùng lắm mua vắc xin của Cuba anh em cũng sẽ giúp cho Việt Nam qua đại dịch, chống chọi được các biến thể vi rút đang biến hoá không ngừng?
Tại sao việc chuẩn bị trang thiết bị và con người tại một số đơn vị lại chưa thật sự đầy đủ? Thiếu tiền? Chủ quan? Nếu không tổ chức đại hộị đảng các cấp rầm rộ tốn kém từ năm ngoái cho đến đầu năm nay, xét nghiệm COVID cho hàng loạt người tham gia đại hội thì tiền đó đã có thể mua được bao nhiêu liều vắc xin, trang thiết bị y tế?
Chính phủ đã có hơn một năm để chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh nhưng lại không chuẩn bị gì cả. Thời gian hơn một năm đó, họ đầu tư công sức, tiền bạc để bầu bán, sắp xếp nhân sự đảng, chia ghế cho nhau từ trung ương tới địa phương.
Âu Mỹ với tài lực, vật lực, nhân lực đều hơn hẳn Việt Nam nhiều bậc mà còn xất bất xang bang chống dịch. Cho tới nay họ vẫn chưa thể lấy lại được cuộc sống bình thường, và họ vẫn chưa thể nói đã thắng được đại dịch vì các biến thể vi rút mới.
Vậy thì Việt Nam sẽ ra sao nếu không dám hay không chịu nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề?
Nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Vi rút không nghe mệnh lệnh của đảng, cũng chẳng tuân theo khẩu hiệu của chính phủ. Vi rút chỉ sợ mỗi vắc xin thôi.