Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thanh khoản hệ thống vẫn tốt và có dư thừa: vậy sao lãi suất tăng cao thế?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng: Thanh khoản hệ thống vẫn tốt và có dư thừa.

 

Vài hôm trước, trong một trao đổi với giới truyền thông, Thống đốc cho biết, xét về bình diện toàn hệ thống, thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn tốt và có dư thừa. Trong tháng 10 vừa qua, thị trường chủ yếu chịu tác động của yếu tố tâm lý và những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng, kịp thời thực hiện vai trò điều tiết của mình thông qua triển khai các công cụ, giải pháp để hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

“Trên thực tế năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành đã chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp để ứng phó, góp phần đạt được ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Hiện nay, thị trường diễn biến ngày càng tích cực và tâm lý thị trường đã ổn định” – bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Với những tuyên bố rất tự tin trên nên hôm 8-12-2022, liên quan đến những khó khăn về vốn, các doanh nghiệp khối bất động sản đã đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết, doanh nghiệp bất động sản đang gặp “khó trong khó ngoài” vì tiền trả nợ ngân hàng tăng, trong khi khối lượng giao dịch giảm.

Phần lớn số vốn trong 1 dự án nhà ở, chủ đầu tư phải vay ngân hàng, lãi suất cho vay tăng làm chi phí và giá thành sản phẩm tăng theo. Khách hàng của Công ty Lê Thành đa số là người có thu nhập thấp hoặc trung bình cũng đi vay ngân hàng, vì vậy, nhiều người không đặt cọc hoặc phải dừng lại việc mua nhà do không đủ tiền trả lãi hàng tháng; nhiều nhà đầu tư cũng rút lui khi lãi suất tăng.

“Do các doanh nghiệp bất động sản đều sử dụng vốn rất lớn nhưng lại không đủ vốn nội tại, nên tất cả đều phải vay ngân hàng. Khi vay ngân hàng lượng tiền lớn với lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới chi phí của doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, người mua bất động sản đầu tư họ sẽ không mua nữa vì lãi suất 12%/năm nên phải tính toán lại vì sợ thua lỗ nên họ kiếm đầu tư lĩnh vực khác”, ông Nghĩa nói.

Khi đầu ra các sản phẩm nhà ở gặp khó, việc thanh toán cho các đơn vị thi công, nhà cung cấp, doanh nghiệp vật liệu xây dựng… cũng bị ảnh hưởng theo. Bà Đinh Thị Trúc Giang – Trưởng ban kiểm soát Hiệp hội Xây dựng TP.HCM, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Quản lý Nhà Việt Nam lo ngại, lãi suất tăng cùng việc thắt chặt zoom tín dụng tiếp tục khiến nhiều đơn vị thi công, nhà cung cấp vật liệu nợ đọng kéo dài.

“Khi lãi suất ảnh hưởng đến doanh thu, doanh số của doanh nghiệp bất động sản sẽ khiến thanh toán của chủ đầu tư cho các tổng thầu bị ảnh hưởng, nợ tổng thầu tăng lên. Khi tổng thầu nợ nhiều các đơn vị thầu phụ, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị nợ theo tạo ra sự đứt gãy sẽ kéo đổ một loạt”, bà Giang đưa ra viễn cảnh xấu.

…Như vậy, xem ra nếu người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn thích ve vuốt Đảng và Chính phủ bằng những mỹ từ tụng ca, thì bà hãy giải quyết ngay tắp lự các nhu cầu về vốn của giới bất động sản để tránh “viễn cảnh xấu” như hăm he ở trên.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Năm mới nói chuyện cũ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được!?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính khách Võ Văn Thưởng thiếu thận trọng ngoại giao?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.