Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thao túng quyền lực và sự tồn vong của chế độ

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Truyền thông tuyên giáo Đảng đang có hướng chỉ đạo ‘chạy án’ cho thể chế này bằng việc ‘đổ thừa’ rằng Việt Á đã thao túng quan chức.

 

Tại Việt Nam, từng có ý kiến lo ngại rằng, kinh tế tư nhân lớn mạnh sẽ thao túng nền kinh tế, làm chệch hướng chủ nghĩa xã hội, trong đó nhiều ông chủ tư nhân có quyền lực vô biên, đứng trên cả pháp luật.

Lo ngại này đang xảy ra ở chiều ngược lại, khi quan chức mượn tay tư nhân để thao túng quyền lực và ngân sách quốc gia. Vụ án kit test Covid Việt Á là một đơn cử.

Cán bộ hư hỏng là tại… tư nhân thao túng (!?)

Sinh tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vì “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và ông cũng nhấn mạnh rằng, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Với những gì đã và đang diễn ra trong dịch giã Covid-19 cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hoạt động đã lơ là công tác cán bộ, việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân chỉ là khẩu hiệu son phấn làm đẹp chế độ.

Trong vụ án kit test Việt Á, phía truyền thông tuyên giáo Đảng đang có hướng chỉ đạo ‘chạy án’ cho thể chế này bằng việc ‘đổ thừa’ rằng Việt Á đã thao túng quan chức.

Cơ quan tuyên giáo đưa ra lập luận mang tính định hướng để báo chí đưa tin về vụ án liên quan tham nhũng này khá mâu thuẫn, theo đó, kết luận điều tra, khi dịch Covid-19 bùng phát tại các nước trên thế giới, Chính phủ có chủ trương giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Học viện Quân y đã ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu y dược học quân sự tiến hành nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm kit xét nghiệm.

Sau khi Học viện Quân y có văn bản thông báo việc giao nhiệm vụ, ông Hồ Anh Sơn (phó giám đốc viện nghiên cứu) đã gọi điện thông báo cho Trịnh Thanh Hùng (khi đó là phó vụ trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ) biết. Ông Hùng yêu cầu ông Sơn phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia, phối hợp nghiên cứu kit xét nghiệm.

Sau đó khi nhận được văn bản và phiếu đề xuất đặt hàng từ Học viện Quân y, ông Hùng đã không chuyển cho văn thư của Bộ Khoa học và Công nghệ, mà làm tờ trình báo cáo trực tiếp ông Chu Ngọc Anh (khi đó là bộ trưởng) để đề xuất thành lập hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Một tháng sau, tại cuộc họp của hội đồng tư vấn, Học viện Quân y đưa ra đề xuất Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện đề tài và được ông Hùng đồng ý. Ông Chu Ngọc Anh đã ký quyết định giao Học viện Quân y chủ trì và Việt Á phối hợp nghiên cứu. Tổng kinh phí thực hiện đề tài gần 19 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nội dung điều tra tóm lược là vậy, nhưng phía cơ quan điều tra quy kết việc thao túng ở đây thuộc về Phan Quốc Việt khi doanh nhân này đã cấu kết, thông đồng cùng Trịnh Thanh Hùng với mục đích để Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, sau đó chiếm đoạt và biến kit xét nghiệm thành sản phẩm của Việt Á. Từ đó, Việt Á sản xuất kit xét nghiệm để tiêu thụ và thu lời.

Kịch bản quan chức kiếm tiền qua bình phong tư nhân?

Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá để thu lợi nhuận và có tiền chi hoa hồng ngoài hợp đồng.

Kết quả điều tra xác định giá thành sản xuất kit tối đa khoảng 143.461 đồng/kit (đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí) nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương xác định giá 470.000 đồng/kit. Mức giá mà Bộ Y tế hiệp thương này bị kết luận là không có căn cứ.

“Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương”, kết luận nêu.

Từ góc nhìn y tế, giới y khoa ở Sài Gòn đưa ra ý kiến khác biệt từ “lâm sàng” suốt thời gian thành phố này là điểm nóng nhất của chết chóc bởi chính sách phòng chống Covid-19: Khi đồng tiền thao túng, liệu mấy ổng chỉ đạo chống dịch có sai lệch khiến hậu quả thảm khốc đã xảy ra không?

Tại sao chỉ đánh giá hậu quả là những đồng tiền mà không là sinh mệnh nhân dân, những hệ lụy trên đất nước.

Bản chất kít test Việt Á là gì? Đồ giả? Đồ Tầu nhập về dùng, liệu có bị “kẻ thù” gài âm giả, dương giả khiến số liệu, bức tranh, vị trí của dịch Covid sai lệch khiến nhận định sai, bắt nhốt oan, thả thủ phạm ra ngoài, gây bùng dịch, gây quá tải hệ thống giả tạo… Hậu quả dịch bùng, chống dịch sai đối tượng có nghiên cứu tới hay không?

Hãy thử nghĩ tại sao dịch bùng nhỏ ở trung tâm công nghiệp phía Bắc trước là Bắc Ninh, Bắc Giang… như là 1 sự thử nghiệm, rồi sau đó dữ dội thảm khốc ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… là trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất của cả nước? Ngẫu nhiên hay vấn đề khác?

Đâu đơn giản vài trăm tỷ, ngàn tỷ. Ở góc độ khác, an ninh quốc gia bị bán đứng bởi những kẻ trực tiếp vận hành hệ thống chống dịch. Đó mới là mối nguy cho luôn cả sự tồn vong của chế độ này.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hồng ân nào dành cho những thân phận côi cút vì COVID?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vắc xin Trung Quốc: kẻ phá bĩnh chính quyền TP.HCM?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: ‘F0, F1 ở nhà’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo