Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thấy gì từ hiện tượng nợ xấu đang chảy ngược từ VAMC về ngân hàng?

Thấy gì từ hiện tượng nợ xấu đang chảy ngược từ VAMC về ngân hàng?
Ảnh: Fica.vn

Một hiện tượng tài chính đáng chú ý, là trong năm 2016 và vào đầu năm 2017, một phần khối nợ xấu đã được mua bởi Công Ty Quản Lý Tài Sản Tín Dụng (VAMC) lại có xu hướng chảy ngược về các ngân hàng. Dù trước đó, tất cả các báo cáo của VAMC, Ngân hàng nhà nước và chính phủ đều tô vẽ thành tích “đã xử lý được cơ bản nợ xấu, và kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ”.
Ngân hàng Vietcombank đã mua lại toàn bộ nợ xấu mà ngân hàng này đã bán cho VAMC để “tự xử lý”. Tiếp đó là trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần VIB khi trong năm 2016 ngân hàng cũng đã mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC để về “tự xử lý”.
Tuy nhiên, hai ngân hàng trên chỉ chiếm chưa đầy 1/15 trong tổng số ngân hàng đang hoạt động hiện nay. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác vẫn bế tắc về phương án giải quyết nợ xấu, và chẳng biết sẽ làm gì nếu bị VAMC và Ngân hàng nhà nước yêu cầu phải mua lại nợ xấu từ VAMC để “tự xử lý”.
Vào năm 2012, tỷ lệ nợ xấu đã bị phát hiện chiếm đến 17% tổng dư nợ. Có 9 ngân hàng yếu kém cõng khối nợ xấu khổng lồ, bị buộc phải tái cơ cấu. Và đến nay, chính quyền đã tái cơ cấu xong với 5 trường hợp sáp nhập (SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Western Bank, Habubank), 2 ngân hàng bị mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng (GPBank, TrustBank – VNCB) và 2 ngân hàng tự tái cơ cấu (Navibank – đổi thành NCB, Tienphongbank – đổi thành TPBank).
Tuy nhiên sau chiến dịch cơ cấu- mà cách nào đó còn được hiểu là “thôn tính” trên- núi nợ xấu vẫn nguyên trạng. Bất chấp việc Ngân hàng nhà nước chỉ đạo ép nợ xấu về dưới 3%, gần như toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC vẫn chỉ diễn ra trên giấy tờ. Con số mà công ty này mua là khoảng 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu, nhưng VAMC chỉ bán lại được có vài phần trăm trong đó, còn tuyệt đại đa số còn lại vẫn bất động.
Cho tới nay, các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc. Trong khi thị trường ngoài nước vẫn chưa phát ra bất kỳ tín hiệu nào sẽ “xếp hàng mua lại nợ xấu của Việt Nam” như lối quảng cáo của giới quan chức mắc chứng “hoang tưởng” của Ngân hàng nhà nước, thị trường trong nước cũng không hề khả quan hơn với lý do “chưa có khung pháp lý để mua nợ xấu”.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng đã nói thẳng rằng khúc mắc lớn nhất không nằm ở hành lang pháp lý, mà chính bởi nhiều doanh nghiệp và ngân hàng không tìm thấy đầu ra, nếu họ rước “của nợ” vào mình.
Cái “của nợ” đó lại đang có giá trị lên đến ít nhất 25 tỷ USD, chiếm tới hơn 12% GDP quốc gia. Nếu không sớm giải quyết được khối nợ xấu này, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải ‘đội nón ra đi”. Và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Hiện tượng nợ xấu chảy ngược về ngân hàng cũng cho thấy một cái kết khác: sự thất bại của VAMC.
Cho tới nay, con số được công bố chính thức là VAMC đã được cấp khoảng 2 ngàn tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chưa dùng đến một đồng nào trong số tiền đó. Có thể hiểu là số tiền đó đã chỉ được VAMC gửi tiết kiệm hoặc, làm gì đó để sinh lợi riêng cho mình, chứ không phải để giải quyết nợ xấu.
Lê Dung / SBTN

Tin bài liên quan:

VNTB- Ngày 10/12/2017 sẽ chế tài một số quan chức CSVN vi phạm nhân quyền?

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Vị thế Việt Nam rất được tôn trọng và đề cao’?

Phan Thanh Hung

VNTB- Từ scandal Vietcombank, nhìn lại việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo