Hà Nguyên
(VNTB) – Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển đi 1,5 tỷ USD và nhận về 3 tỷ USD
Có 3 người nguồn gốc Trung Quốc bị cáo buộc về hành vi rửa tiền: Chu Nap Kee Eric, Chiu Bing Keung Kenneth và Chen Yi Chung. Cả Chiu Bing Keung Kenneth và Chen Yi Chung đều rời Việt Nam trước khi vụ án bị đổ bể.
Cá nhân người viết bài này hoàn toàn ngoại đạo với nghiệp vụ ngân hàng, nên đọc tin tức liên quan về thời sự Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan,… cảm thấy mâu thuẫn chuyện rửa tiền.
Theo đó thì trong giai đoạn 2 vụ án này, bị can Trương Mỹ Lan bị cáo buộc có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, C03 cho rằng bà Lan cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam.
Con số đầu ra – đầu vào của số tiền phạm pháp ở đây có chênh lệch rất đáng kể với mức 100%.
C03 nói rằng “đầu ra – đầu vào” của dòng tiền là tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.
Để hợp thức hóa cả hai khoản “ra – vào” đó, C03 cho rằng bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các hợp đồng khống, là các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp, hợp đồng tư vấn, hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Nếu quả thật như vậy thì liệu ngoài trường hợp Vạn Thịnh Phát, sẽ còn những doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng theo bài học này cho tìm kiếm áp phe lợi nhuận?
Bàn luận về tội danh “Rửa tiền” trong vụ án Vạn Thịnh Phát, tính đến lúc này thì có ít nhất hai danh tánh nguồn gốc Trung Quốc đang nằm ngoài khả năng tiếp cận tố tụng của C03 là Chiu Bing Keung Kenneth và Chen Yi Chung. Công luận có quyền ngờ vực liệu khả năng bàn tay nào của tình báo Hoa Nam đã dính vào vụ việc rửa tiền này?
Có tình tiết đáng lưu ý là thời kỳ huy hoàng của Vạn Thịnh Phát, năm 2008, giới quan sát chính trị ở Sài Gòn từng rộ lên thông tin Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải kết thân tình đến mức nhận là anh em với ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương cộng sản Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang được coi là một ông trùm của tình báo Hoa Nam. Trong thời gian còn đương chức, Chu Vĩnh Khang được cho là đã dính líu đến nhiều vụ tham nhũng, lạm dụng quyền hành, và bị cáo buộc là một trong những thủ phạm chính trong cuộc đàn áp môn khí công Pháp Luân Công. Ông cũng là đồng minh thân cận của Bạc Hy Lai, một quan chức cấp cao bị cách chức vì các bê bối chính trị và tham nhũng.
Vị cựu lãnh đạo ngành công an Trung Quốc này cũng không ngại ngần dùng khối tài sản khổng lồ để đè bẹp người bất đồng quan điểm cũng như bất ổn dưới chiêu bài “vì sự ổn định xã hội”. Thời điểm trước khi Chu nghỉ hưu năm 2012, sự bất bình đẳng thu nhập và tình trạng tham nhũng diễn ra ngày một tồi tệ ở Trung Quốc. Chu giám sát ngân sách an ninh thậm chí còn qua mặt cả quân đội với 2 triệu người.
Là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan ra quyết định lớn nhất nước này – Chu Vĩnh Khang là một trong 9 thành viên nắm quyền sinh quyền sát ở quốc gia hơn 1,3 tỷ dân. Bởi thế, dù đã rời xa chính trường, Chu Vĩnh Khang và gia đình vẫn được cho là hưởng lợi khổng lồ từ vị trí của mình.
Trong bối cảnh chính trị đó, thử hỏi khi Lê Thanh Hải kết thân tình với Chu Vĩnh Khang thì đây có phải là một trong những củng cố thế lực chống lưng cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát rửa tiền?