Phú Nhuận
(VNTB) – “Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo”.
Cải gia thành tự là không hợp pháp?
Theo trình bày của vị phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Cao Thị Cúc, chủ cơ sở Tịnh Thất Bồng Lai, trú tại ấp Lộc Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau khi sự việc được phát lộ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Long An đề nghị xác minh cơ sở trên.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trao đổi với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì nhận được khẳng định Tịnh Thất Bồng Lai không phải là nơi hợp pháp. Cùng với đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị tỉnh Long An xác minh, xử lý cơ sở trên, ông Trọng cho biết thêm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở trên có một số sai phạm như: các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn; bà Cao Thị Cúc là chủ cơ sở trên đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; UBND xã cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục tình trạng ban đầu của đất.
Tại hộ của bà Cúc có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cúc xác định sống với mẹ ruột và 2 trẻ được nhận nuôi từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, do đó UBND xã chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi. UBND huyện Đức Hòa đang tiếp tục làm việc với những phụ nữ có con ở cơ sở trên để làm rõ thêm những nội dung liên quan.
Việc chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng tại cơ sở trên, theo ông Trọng, thì bếp ăn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo”, ông Trọng nói và khẳng định sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng tỉnh Long An xác minh, làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định.
Khi nào mới gọi là “thờ tự hợp pháp”?
Ông Trọng cũng cho rằng đây là nơi “thờ tự bất hợp pháp”.
Tình tiết như tường thuật ở cuộc họp báo kể trên cho thấy dường như vị đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đã nhìn vụ việc bằng cảm tính cá nhân, chứ không bằng chức trách quản lý theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo luật chuyên ngành kể trên, ở “Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.
Vấn đề pháp nhân của tổ chức tôn giáo, là điểm mới của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Tổ chức tôn giáo đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện sau: Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều đó có nghĩa là sau khi có tư cách pháp nhân, đối với tổ chức tôn giáo được hoạt động hợp pháp về mặt tổ chức, như: tổ chức hội nghị, đại hội, mở trường đào tạo chức sắc, thực hiện việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, xuất bản kinh sách ấn phẩm tôn giáo, sửa chữa, xây dựng nơi thờ tự, hoạt động quan hệ quốc tế, hoạt động từ thiện xã hội,… đồng thời, tổ chức tôn giáo có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật…
Với cách hiểu luật định kể trên, cho thấy nơi tạm gọi “biến gia thành tự” của bà Cao Thị Cúc, hiện chưa được công nhận tư cách pháp nhân, và điều đó không đồng nghĩa “thờ tự bất hợp pháp”.
Trở lại một chút về miền Nam thời trước…
Xưa, ở Bến Tre có ông đạo dừa lập chùa và tu theo cách riêng của ông. Không ai nói ông là tu lậu. Ngoài ông đạo dừa, những người tu đạo Cao Đài vẫn có gia đình, sinh con đẻ cái cả bầy, không ai thắc mắc và xem đó là vô đạo đức.
“Xóm tôi ngày xưa có một ông sớm chiều kinh kệ. Ông lập ra ban hộ niệm chuyên đi tụng kinh cầu an, cầu siêu cho những nhà có việc như ai đó bệnh nặng thì cầu an, ai mất thì tụng kinh cầu siêu, hoàn toàn phi lợi nhuận.
Trong xóm ai cũng kính trọng ông, dù bên ông luôn có vợ và một bầy con. Tu như ông người ta kêu tu tại gia. Vợ ông, ông ngủ, con ông hết đứa này đến đứa kia ra đời, bình thường thôi, miễn ông không đi lấy vợ hàng xóm, hoặc gạ tình mấy bà trong ban hộ niệm. Phải nói là ngày đó, con người ta ít xét nét và nghĩ xấu cho người khác như bây giờ. Chuyện một người hay dăm ba người lập am tu riêng cũng chẳng ai đòi phải được Giáo hội Việt Nam thống nhất thừa nhận mới được xem là con phật…” – một cụ bà tại Sài Gòn, nhận xét.
“Hôm nay chúng ta đang ở cái đạo tràng, nơi này gọi là tịnh thất Hòa Bình. Xưa nay quý vị nghe Niệm Phật Đường, nghe chùa, nghe tu viện, tự viện, thỉnh thoảng mới nghe tịnh thất.
Tịnh thất thì nó lớn hơn cái am một chút. Nhỏ nhất là cái am. Khá khá lớn hơn cái am thì kêu cái thất. Bự hơn cái thất kêu Niệm Phật Đường. Bự hơn Niệm Phật Đường kêu cái chùa. Thành ra đại chúng, cái thất là gì? Am thì nó nhỏ lắm, để thờ, một người ở. Cái thất thì cũng nhỏ, nhưng mà cái nhỏ này cũng có người tới.
Ngày xưa các vị phương trượng, người ta khiêm cung, người ta gọi cái phòng của thầy chủ trì là phương trượng. Phương là phương hướng đông, tây, nam, bắc. Bốn hướng này mỗi hướng có một trượng thôi, cho nên gọi là phương trượng.
Ở cái thất đó, nơi chỗ đó, nó đơn sơ nó nhỏ, cho nên thường Phật ở nơi to, cho nên gọi là đại điện. Cho nên chúng ta thường là đại hùng bảo điện, nơi thờ Phật.
Còn nơi mà các vị xuất gia, đặc biệt là các thầy, các cô ở cái thất. Ở đây gọi là tịnh thất…” – trích pháp thoại của hòa thượng Thích Thái Hòa, chủ đề “Thế nào là tịnh thất”.
Như vậy, cáo buộc “thờ tự bất hợp pháp” của ông Nguyễn Tiến Trọng, phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 5-11, là một ‘sảy miệng’ rất đáng tiếc về cách hiểu của quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Thay lời kết
Cơ sở lợi ích của Phật giáo gắn kết với các cơ sở lịch sử, cơ sở sở hữu tư nhân phù hợp với luật pháp tạo thành nền tảng chắc chắn cho sự tồn tại am, cốc, thất.
Xu hướng phát triển am, cốc, thất thời gian gần đây cũng cho thấy đây là xu hướng phù hợp với nguyện vọng của tăng ni Phật tử và có thuận lợi vì đúng nguyện vọng và thuận lợi nên nhiều người mới lựa chọn phương cách.
Trong những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, khi việc thành lập cơ sở thờ tự tôn giáo rất khó khăn, thì am, cốc, thất đã là hướng lựa chọn của tăng ni Phật tử. Đến nay, trong hoàn cảnh rộng rãi, cởi mở, thì việc am, cốc, thất trở thành một xu hướng được lựa chọn cũng là một điều tự nhiên, hợp lô gich khách quan. Xu hướng khách quan này trong nhu cầu tu tập, hành đạo là không thể đảo ngược được.
Thay vì phủ nhận am, cốc, thất, phủ nhận nó, tìm cách hạn chế nó, thì nên chấp nhận mọi hình thức tu tập, tạo môi trường hoàn cảnh tu tập cho số đông, trong đó có dạng am, cốc, thất, để vừa tuân thủ pháp luật, vừa đem lợi ích cho Phật giáo Việt Nam.