VNTB – Thế sự & thương trường (ngày 4/12/2021)

VNTB – Thế sự & thương trường (ngày 4/12/2021)

Vũ Kim Hạnh

 

Bản tin rơi vào ngày cuối tuần, nhiều tin hấp dẫn, nên có dài thêm đôi chút, mong các bạn tìm thấy những thông tin cần từ những điều bạn quan tâm.

Phần A/ Mở đầu là thế sự & thương trường trong nhà

1/ TP. HCM đã sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại

TPHCM đã chuẩn bị sớm các biện pháp phòng dịch và đang ở giai đoạn 2 của quá trình trình phục hồi du lịch và sẵn sàng cho việc khách quốc tế trở lại khi được phép. Thông tin trên được lãnh đạo UBND TPHCM đưa ra vào chiều 3-12 trong buổi tọa đàm với đoàn các viên chức ngoại giao văn hóa và báo chí nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, gần 100% người dân TPHCM đã tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 và hơn 90% người dân đã tiêm mũi 2.

Ngày 17-11, UBND TPHCM đã xin ý kiến Chính phủ về việc thí điểm đón khách quốc tế trở lại bằng hộ chiếu vaccine, không yêu cầu cách ly y tế sau khi nhập cảnh từ tháng 12 này và thực hiện mở rộng phạm vi đón khách quốc tế trong năm 2022.

2/ Danh sách mới 10 DN tư nhân lớn nhất VN 2021, có một tên mới

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet vừa được công bố.

Theo bảng xếp hạng, Top 4 vẫn giữ nguyên như danh sách năm 2020, với những cái tên quen thuộc xếp hạng lần lượt là Vingroup, Thế giới Di động, Doji, Hòa Phát. Các DN kế tiếp là: Trường Hải, Masan, NH Việt Nam thịnh vượng, Sữa Vinamilk, NH Sài Gòn, CT kinh doanh ô tô Thành Công. Tên DN cuối là mới xuất hiện trong top 10.

3/ 18 người chết và mất tích chỉ trong 5 ngày mưa lũ miền Trung

Ngày 2/12, Ban chỉ đạo QG về phòng chống thiên tai cho biết: Con số người chết và mất tích vì mưa, lũ ở miền Trung Việt Nam đã tăng lên 18 chỉ sau năm ngày. Hiện trên 25 ngàn học sinh không thể đến trường, hàng ngàn ngôi nhà vẫn bị ngập sâu trong nước lũ. Trong số 18 người chết và mất tích có hai người ở tỉnh Khánh Hoà, ba ở Bình Định, 10 ở Phú Yên, một ở Kontum và Đắc Lắk có hai người.

-Bình Định, hiện còn gần hai ngàn ngôi nhà bị ngập, chủ yếu ở thành phố Qui Nhơn và các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Mưa, lũ cũng đã khiến 775 hecta lúa và 617 hecta hoa màu tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi.

-Phú Yên: do mưa lớn cộng với thuỷ điện xã lũ không thông báo trước đã khiến nhiều khu vực ngập sâu. Hơn 3.000 hộ dân tại thành phố Tuy Hoà và ba huyện Phú Hoà, Tây Hoà, Sơn Hoà- phải di dời

4/ Hơn 960 nhân viên y tế TP. HCM xin nghỉ việc

Theo Sở Y tế TPHCM, nếu như trong năm 2020, Thành phố chỉ có 597 nhân viên y tế nghỉ việc thì trong 10 tháng năm nay đã có đến 968 người xin nghỉ việc. Lý do chủ yếu là vì hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân, số nhân viên nghỉ việc tăng nhẹ ở vị trí điều dưỡng và bác sĩ ở tuyến trạm y tế. (Không biết kế hoạch nâng chính sách đối xử với CBNV toàn ngành mà ông Bộ trưởng Bộ Y Tế trình Thủ tướng ngày 9/9/2021 đã được duyệt chưa, Bộ có quan tâm thúc đẩy không mà dịch còn dài, nhân viên cơ sở đã kiệt lực phải rời thị trường.

5/ Bao nhiêu trẻ tử vong và “sốc phản vệ” sau tiêm vac xin?

Dư luận phụ huynh chấn động mạnh sau sự cố 3 trẻ em ở Hà Nội, Bắc Giáng và Bình Phước tử vong và nhiều chục trẻ bị sốc phản vệ nhiều sau khi tiêm Pfizer. Ông bộ trưởng Bộ Y Tế cho biết: WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới) đã gửi thư tới UNICEF, thông báo tăng hạn sử dụng của vaccine Pfizer từ sáu lên chín tháng. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong chiến dịch chích ngừa cho tất cả nhóm từ 12 tuổi trở lên.

Đó là “thông lệ quốc tế” và dư luận cần được giải thích điều không xảy ra trên thế giới: vì sao trẻ bị sốc phản vệ nhiều thế? BS Bùi Nghĩa Thịnh, vừa nhận bằng khen của Thủ tướng bình luận trên trang cá nhân: Pfizer bắt buộc bảo quản khắt khe ở -80 độ C. Sau khi rã đông, Pfizer chỉ có thể giữ ở điều kiện 2-8 độ C trong 30 ngày. Do vậy chuẩn bị tiêm cần rất chi tiết. Một khâu hỏng mà không kịp tiêm khi hết hạn rã đông là phải hủy dù vac xin chưa hết đát ghi trên lọ…

6/ Cả ngàn xe tải nông sản chờ xuất hàng ở Lạng Sơn

Ông Bế Quang Hưng – Phó chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, hiện tại ở bãi Bảo Nguyên có khoảng 700 xe ô tô (phần nhiều là xe tải trọng container) chở hàng hoa quả tươi đang xếp hàng chờ đến lượt thông quan hàng hóa. Trung Quốc cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, họ siết chặt kiểm soát người và hàng qua biên giới. Việc này lại đúng thời điểm các tỉnh miền Trung, miền Nam nước ta vào vụ thu hoạch của một số mặt hàng nông sản chủ lực như: mít, xoài, thanh long…dẫn đến tình trạng trên. Bên cạnh bến Bảo Nguyên, tại “khu phi thuế quan” ở Pác Luống (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng) còn trên 1.000 xe đỗ, dừng. Tại đường tránh quốc lộ 4A (xã Tân Mỹ, Văn Lãng) còn khoảng 200 xe đang chờ đến lượt xuất khẩu.

Trung bình mỗi ngày gần 200 xe được thông quan qua Pò Chài, Trung Quốc. Tuy nhiên, do lượng xe hàng từ các nơi đổ về Tân Thanh mỗi lúc một nhiều, cửa khẩu Tân Thanh luôn trong tình trạng quá tải”, ông Hưng nói.

7/ Đảo Phú Quốc đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm đóng cửa

Hơn 200 du khách Hàn Quốc có hộ chiếu vac-xin đã đến đảo Phú Quốc trưa 20/11/2021. Đây là những du khách nước ngoài đầu tiên đến đảo Phú Quốc sau 2 năm Việt Nam đóng cửa chống dịch. Trước đó, tỉnh Quảng Nam cũng đón hai đoàn khách nước ngoài đầu tiên.

Theo trang thông tin chính phủ, đoàn du khách đã được xét nghiệm ngay tại sân bay Phú Quốc và hướng dẫn cài đặt thông tin y tế trước khi bắt đầu kỳ nghỉ 4 ngày 3 đêm. Khách sẽ được xét nghiệm Covid-19 lần thứ 2 vào ngày cuối cùng của hành trình. Hoạt động của khách nước ngoài sẽ hoàn toàn tách biệt và không không ảnh hưởng đến hoạt động của khách du lịch nội địa.

Phú Quốc là một trong những điểm đầu tiên được Việt Nam chọn thí điểm chương trình du lịch hộ chiếu vac-xin « nhằm dần phục hồi ngành du lịch, hướng đến từng bước mở cửa và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới ».

8/ DN du lich kêu cấp cứu: phải bán tàu, vay tín dụng đen vì khó tìm hỗ trợ

Sau gần 2 năm đương đầu với Covid-19, ngành du lịch gần như kiệt quệ nhưng khó như tựa tin trên thì ít ai biết vì người trong ngành cũng ngại nói. Tại diễn đàn về giải pháp hồi phục du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hôm 30-11, một câu chuyện tiêu biểu được ông Đào Mạnh Lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh kể. Đội tàu du lịch Hạ Long có trên 500 con tàu các loại, với số lao động thường xuyên hồi trước dịch là hơn 4.000 người, cao điểm có khi lên đến 6.000 người. Sau gần 2 năm chịu đựng sự tàn khốc của dịch bệnh, hơn 500 con tàu đã dừng hoạt động trong một thời gian rất dài. Đi cùng với việc này là khoảng 3.000 lao động đã mất việc làm.

Gói hỗ trợ, vừa khó “với” tới vừa quá ít do quá nhiều thủ tục hành chính. Du lịch đang cần “cấp cứu”.

Phần B Vẫn là Thế sự thương trường thề giới

1/ Biến chủng Omicron: số ca nhiễm ở nam phi tăng gấp đôi trong 24g nhưng theo WHO: thế giới chưa có ca tử vong nào do Omicron.

Các quan chức y tế cho biết biến chủng mới Omicron đang “chiếm lĩnh” ở Nam Phi và làm tăng vọt số ca nhiễm mới. Khoảng 8.500 trường hợp nhiễm Covid mới đã được báo cáo theo số liệu mới nhất trong ngày. Con số này gấp đôi con số 4.300 ca được công bố ngày hôm qua. Hồi giữa tháng 11, tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày chỉ ở mức trung bình từ 200 đến 300 ca.

Biến thể mới Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 24 quốc gia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhiều câu hỏi về Omicron vẫn đang chờ được trả lời, bao gồm vaccine hiện tại giúp bảo vệ ra sao trước biến thể mới.

Tuy nhiên, theo WHO: Chưa phát hiện có ca tử vong vì biến chủng Omicron trên thế giới. Đây là nhận định của ông Christian Lindmeier, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới trong buổi họp báo thường nhật tại Geneve ngày 03/12/2021. Theo ông, đó là do các nước thực hiện xét nghiệm nhiều hơn nhằm phát hiện sớm biến thể. Do vậy, hiện tại, tổ chức này vẫn chưa nhận được thông tin nào và hy vọng là không có ca tử vong nào” liên quan đến Omicron

2/ Anh Quốc cấp phép điều trị COVID hiệu quả với Omicron

Ngày 2/12, Anh cấp phép sử dụng Xevudy (còn gọi là sotrovimab) sau khi loại thuốc điều trị dạng kháng thể này làm giảm 79% nguy cơ nhập viện và tử vong ở người lớn có nguy cơ cao, kể cả người mắc biến chủng mới Omicron.

Sotrovimab được Cơ quan quản lý thuốc chữa bệnh và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh cấp phép sử dụng cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Thuốc này do hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology của Mỹ phát triển.

3/ Vụ Bành Súy (PENG Shuai): Wta (HIỆP Hội Quần Vợt Nữ) quyết định đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc.

Hiệp Hội Quần Vợt Nữ (WTA) đã đình chỉ ngay lập tức các giải đấu ở Trung Quốc và Hồng Kông để bày tỏ sự ủng hộ đối với cây vợt ngôi sao Bành Súy, gây chấn động mạnh vì chưa bao giờ một tổ chức thể thao quốc tế dám có hành động mạnh mẽ như thế đối với Trung Quốc đang là một thị trường rất béo bở.

Dân chơi và say mê thể thao còn nhớ, Trung Quốc đã từng ngưng chiếu các trận đấu của NBA (Hiệp Hội Bóng Rổ Quốc Gia Mỹ) sau khi quản lý của đội Houston Rockets Daryl Morey bày tỏ ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông năm 2019. Bắc Kinh cũng đã từng kiểm duyệt tên cầu thủ Mesut Ozil trên mạng Internet TQ, sau khi cầu thủ này phê phán đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương)..

Vì sao WTA lại ra một quyết định mà chắc chắn sẽ gây thiệt hại tài chính nặng nề? Chuyên gia cho rằng có thể một phần do quần vợt nữ ở TQ không phát triển nhanh như WTA kỳ vọng?

4/ EU: “cửa ngõ toàn cầu” (global gateway) đối đầu với “con đường tơ lụa mới”

Ngày 1/12/, Ủy Ban Châu Âu đã giới thiệu « Global Gateway » (Cửa ngõ toàn cầu), kế hoạch hỗ trợ phát triển để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Liên Hiệp Châu Âu và trên thế giới, một kế hoạch kinh tế mang ý nghĩa địa chính trị. Châu Âu muốn bù đắp sự chậm trễ bằng việc mang lại cho các nước nghèo một chọn lựa khác ngoài « Con đường tơ lụa », công cụ gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Theo ước tính của G20, thế giới cần đến 13.000 tỉ euro đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ nay đến 2040, còn Nhà Trắng ước lượng đến 40.000 tỉ đô la từ nay đến 2035. Kế hoạch EU ưu tiên cho đầu tư vào kỹ thuật số, y tế, khí hậu, năng lượng, giao thông và giáo dục. Châu Âu muốn duy trì vị thế hàng đầu về tiêu chuẩn công nghiệp và khuếch trương cơ sở hạ tầng « xanh ». Nguồn tài trợ từ 2022 tới 2027 gồm 135 tỉ euro của Quỹ châu Âu vì phát triển bền vững (EFSD), 20 tỉ của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI), số 145 tỉ còn lại từ các quốc gia thành viên, định chế tài chính và các ngân hàng phát triển đa phương. Trong khi đó…

5/ Trung Quốc giảm tốc “con đường tơ lụa mới”

Tại châu Á, ngày 4/12, tuyến tàu cao tốc do Trung Quốc đầu tư 6 tỷ USD xây dựng dài 414 kilomet với 75 đường hầm và 167 chiếc cầu sẽ khởi chạy tại Lào (dân số 7,2 triệu dân).. Tuyến đường nối Côn Minh với Vientiane, trong tương lai sẽ đi qua Thái Lan, Malaysia, Singapore, là một mắt xích của « Con đường tơ lụa mới ». Thật ra số dự án « Con đường tơ lụa mới » (nay đã đổi thành « Sáng kiến Vành đai & Con đường ») đã giảm đi đáng kể do kinh tế tăng trưởng chậm lại, và tại một số nước có những tiếng nói chỉ trích về bẫy nợ và sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2019 số tiền cho các nước nghèo vay từ hai ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc chỉ còn 4 tỉ đô la.

6/ 500 công nhân VN tại Serbie bị chủ lao động bóc lột

Khoảng 500 công nhân Việt Nam làm việc cho một dự án xây dựng của công ty Trung Quốc , CT Shandong Linglong Tire Co. trong dự án xây nhà máy sản xuất lốp xe ở thành phố Zrenjanin, tỉnh Voivodine, phía bắc Serbia đã phản đối tình trạng bị bóc lột, thậm chí bị đối xử gần như nô lệ. Do điều kiện sống không vệ sinh, thiếu nước sạch, không có chăm sóc y tế và « hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của họ bị chủ lao động Trung Quốc giữ. Họ đến đây (Zrenjanin) từ tháng 05 nhưng chưa nhận bất kỳ đồng lương nào » nên dù những lao động này « muốn về Việt Nam nhưng phải lấy lại được giấy tờ trước đã ». Theo một lao động Việt Nam, tất cả những điều kiện sống và làm việc ở Serbia khác hoàn toàn với những điều khoản ký trong hợp đồng.

Sau nhiều tuần im lặng trước những cáo buộc của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Serbia, ngày 19/11/2021, tổng thống Serbia cho biết một thanh tra lao động đã được cử đến tìm hiểu.

7/ Đức “cấm cửa” người dân chưa tiêm vac xin

Ngày 2/12, Thủ tướng Đức đã ra lệnh : Người dân Đức không chích vaccine sẽ không được vào các tiệm bị coi là “không cần thiết,” nhà hàng, cũng như các nơi tranh tài thể thao hoặc trình diễn nghệ thuật. Lệnh này ban hành sau khi họp với các giới chức lãnh đạo cấp liên bang và địa phương, giữa lúc số người mới nhiễm COVID-19 ở quốc gia này một lần nữa vượt quá mức 70,000 trong 24 giờ đồng hồ và quốc hội Đức chuẩn bị xét tới việc đưa ra lệnh buộc chích vaccine toàn quốc, nhằm ngăn chặn lây lan của COVID-19.

Chính phủ Đức đã đưa ra đòi hỏi ở cấp quốc gia về việc đeo khẩu trang, giới hạn số người tụ tập trong nhà riêng, tiến tới việc có lệnh chích vaccine trên toàn quốc. Lệnh này có thể khởi sự vào Tháng Hai năm tới. Hiện có khoảng 68.7% người dân Đức hoàn toàn chích vaccine, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tối thiểu mà chính phủ đưa ra.

8/ COVID 19: Hàn Quốc lại siết chặp biện pháp phòng dịch

Tại Hàn Quốc gần đây, do số ca nhiễm thường nhật tăng mạnh và xuất hiện biến thể Omicron, chính quyền Seoul đang mở rộng việc sử dụng giấy chứng nhận y tế và hạn chế số người tụ tập. Ngày 3/12/2021, Hàn Quốc ghi nhận 4.944 ca nhiễm covid 19 mới, nâng tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên 46.2555, số người chết do Covid-19 trong ngày là 34 trường hợp.Mức giãn cách xã hội lại nâng lên: Thủ đô Seoul giới hạn tụ tập tối đa ở thủ đô Seoul là 6 người và ở các khu vực khác là 8 người trong vòng 4 tuần kể từ ngày 6/12.

Để ngăn chận biến thể Omicron từ nước ngoài thâm nhập Hàn Quốc, tất cả những hành khách quốc tế đều phải tự cách ly trong 10 ngày bất kể đã tiêm phòng hay chưa, đồng thời, từ hôm nay, Seoul cấm du khách từ 9 quốc gia Châu Phi ở lại trên lãnh thổ Hàn Quốc trong ngắn ngày. Theo thông tin từ Yonhap, đã có 13 trường hợp liên quan đến biến thể mới Omicron, trong đó có 6 người đã được khẳng định và 7 người khác có liên quan đang được kết quả xét nghiệm.

9/ Cổ phiếu của Grab giảm gần 21% trong ngày đầu niêm yết tại TTCK New York

Cổ phiếu của hãng gọi xe Grab (Singapore), sau phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ đã bị giảm gần 21% do giới đầu tư lo ngại công ty này vẫn tiếp tục “đốt tiền” và chưa biết khi nào mới có lợi nhuận.

Grab niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq thông qua thương vụ sáp nhập vào công ty Mỹ Altimeter Growth Corp (Altimeter) cách đây hơn 7 tháng. Theo hãng cung cấp dữ liệu Dealogic, Grab đã huy động được 4,5 tỉ đô la Mỹ trong thương vụ sáp nhập này dựa trên định giá gần 40 tỉ đô la.

Mở đầu phiên giao dịch hôm 2-12, giá cổ phiếu Grab tăng gần 20% nhưng sau đó, đà tăng nhanh chóng đảo chiều, đẩy giá cổ phiếu Grab giảm gần 21%, về mức 8,75 đô la đẩy vốn hóa thị trường của Grab sụt xuống mức 34,6 tỉ đô la.

Hiện mạng lưới kinh doanh của Grab đã phủ khắp 465 thành phố ở 8 nước Đông Nam Á với hơn 25 triệu người sử dụng ứng dụng. Đến nay, Grab vẫn đang thua lỗ khi tiếp tục mở rộng ở khu vực Đông Nam Á

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)