Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thị trường chứng khoán bị bán tháo

Hàn Lam

 

(VNTB) – Thị trường đang chịu ảnh hưởng từ tin tức biến động ở hậu trường nhân sự thượng tầng khi sàn chứng khoán phiên đầu tuần đã rực màu… “máu”.

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đầy căng thẳng. Đà rơi VN-Index “kịch tính” trong phiên sáng 18-3, sau đó giảm dần về cuối phiên chiều được kéo lên lại vùng 1.243 điểm, rớt hơn 20 điểm so với cuối tuần trước. Cả sàn HoSE có tới hơn 400 mã giảm điểm so với hơn 100 cổ phiếu giữ sắc xanh.

Tại thời điểm kết phiên sáng 18-3, VN Index giảm gần 36 điểm (2,84%) xuống chỉ còn hơn 1.227 điểm. Toàn sàn HoSE có 461 mã giảm, 38 mã tăng và 31 mã đứng giá. Bảng điện rổ VN30 bị nhấn chìm hoàn toàn trong sắc đỏ với 30/30 mã giảm. Theo thống kê, nhóm 30 mã của rổ VN30 đã khiến cho chỉ số “bốc hơi” gần 33 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực nhất là các mã ngân hàng như BID, CTG, TCB, VCB, MBB, VPB, ACB, TPB, STB, VIB, SHB, SSB.

Tuy nhiên, điểm tích cực của phiên sáng 18-3 là thanh khoản bật tăng mạnh với hơn 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng chỉ trong phiên sáng, tương đương giá trị giao dịch đạt 27.000 tỷ đồng.

Diễn biến trong phiên chiều, cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã phản ứng tích cực với thông tin Vingroup chốt kế hoạch bán vốn. Cùng với thị trường, mã này có lúc điều chỉnh về 25.000 đồng nhưng sau đó đã hồi phục rất mạnh. Đóng cửa, VRE tăng kịch biên độ sàn HoSE lên 27.550 đồng với khớp lệnh 34,58 triệu đơn vị. Nhà đầu tư có phản ứng tích cực với thông tin Vingroup sẽ bán vốn tại Vincom Retail, qua đó không còn là tập đoàn mẹ của công ty này. Tin tức cũng cho biết, giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 3 năm nay và hoàn tất vào quý III.

Sau giao dịch, Công ty SDI, Công ty Sado và Công ty Vincom Retail sẽ không còn là công ty con của Vingroup. Tuy vậy, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật vượng vẫn sẽ là cổ đông lớn của Vincom Retail sau giao dịch với 18,8% vốn cổ phần còn lại. Đại diện Vingroup cũng cho biết sau giao dịch Vincom Retail sẽ không thay đổi gì trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành, bởi tập đoàn mẹ sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail. Theo đó Vingroup sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại, quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại các trung tâm thương mại vẫn được đảm bảo như đã cam kết theo các hợp đồng đã ký.

Công ty cổ phần Vincom Retail được thành lập vào ngày 11-4-2012, ban đầu có hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn. Sau một năm hoạt động, công ty này được tập đoàn mẹ Vingroup định hướng là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống các trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom. Đến tháng 5-2013, công ty đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần. Vincom Retail được giao quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống trung tâm thương mại Vincom thuộc sở hữu của tập đoàn mẹ và các công ty thành viên. Pháp nhân này hiện là nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất cả nước với 83 trung tâm thương mại trên khắp 44 tỉnh thành.

Bên cạnh sự việc trên, VIC cũng có pha đảo chiều ngoạn mục từ mức giá 43.900 đồng lên 46.100 đồng. Cổ phiếu Vingroup đóng cửa gần cao nhất phiên, tăng 3,8%.

Nhiều nhà quan sát liên tưởng đến phiên 18-8-2023, khi ấy VN-Index từng ghi nhận phiên giảm 55 điểm ngay sau khi VN-Index chinh phục bất thành mốc 1.250. Chỉ số đóng cửa dưới mốc 1.180 điểm cùng sắc đỏ áp đảo. Phiên này, khoảng 50 cổ phiếu bất động sản cùng nhau giảm sàn trong đó có VIC, NVL, PDR, KDH, DXG, DIG, CII, TCH, SJS, HQC, ITA, HPX, QCG, LDG, SCR, IDJ, TDH, NTL, HAR, L14, TIG, … Dư bán sàn tại các mã lớn đều từ ngưỡng 3 – 6 triệu đơn vị mỗi mã.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, ngày 18-3-2024, VN-Index giảm 20,22 điểm về 1.243,56 điểm; trong khi HNX-Index giảm 2,86 điểm; còn UPCoM-Index về 90,32 điểm.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thị trường chứng khoán tiếp tục chao đảo

Trương Thế Tử

VNTB – Kinh tế cuối năm đầy ảm đạm

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Có đúng là Tô Lâm đang tự tung, tự tác?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.